Nhiều khó khăn được tháo gỡ
Điểm nhấn tạo “bản lề” cho thị trường BĐS khi bước vào năm 2025 đó là hàng loạt các dự bán luật sửa đổi, bổ sung (Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đất đai) kèm theo đó là các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành đã chính thức có hiệu lực và triển khai trong thực tế, đã tạo ra “bước ngoặt” trong công cuộc hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường BĐS. Đồng thời cũng thể hiện rõ nỗ lực, quyết tâm cao của Chính phủ, cùng các bộ, ngành trong việc thúc đẩy thị trường sớm hồi phục.
Cùng với đó, kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ (ở mức trên 7%) đã tạo ra các động lực tăng trưởng, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chính phủ cũng chú trọng và đẩy mạnh phát triển những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, không chỉ mở ra cơ hội đầu tư BĐS bền vững mà còn mở ra nhiều lựa chọn về nhà ở với mức giá phải chăng hơn đối với người mua nhà.
Thị trường BĐS ghi nhận sự phục hồi tích cực cả về nguồn cung và số lượng giao dịch.
Ngoài ra, không thể không nhắc đến sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp BĐS trong việc tái cấu trúc, chuẩn bị cho “cú chuyển mình” vào năm 2025, sau giai đoạn khủng hoảng kể từ giữa năm 2022. Thay vì đối phó một cách bị động, nhiều doanh nghiệp đã chủ động hơn trong việc thay đổi để thích nghi, đảm bảo không “chết trên đống tài sản”. Các doanh nghiệp đã rất nỗ lực trong việc xoay chuyển dòng tiền, đẩy mạnh đầu tư và tái khởi động các dự án “đắp chiếu”.
Qua đó, tổng dư nợ vay của 20 doanh nghiệp BĐS niêm yết đạt hơn 228.000 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm 2024 và tăng 20% so với năm 2022. Tỷ trọng nợ vay trái phiếu tăng nhẹ, khoảng 2% so với thời điểm đầu năm, khi hoạt động phát hành trái phiếu có tín hiệu tích cực hơn...
Những “điểm nhấn” cơ bản
Thị trường BĐS Việt Nam sẵn sàng bước vào “kỷ nguyên mới” với một số vấn đề cơ bản được quan tâm như sau: Thứ nhất, nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cùng với sự tham gia tích cực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, đặc biệt là sự phối hợp chủ động hành động của cộng đồng doanh nghiệp BĐS. Thị trường BĐS đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất với các kết quả tích cực về nguồn cung, lượng giao dịch.
Thứ hai, việc hành lang pháp lý liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhà ở và kinh doanh BĐS có hiệu lực sớm. Không chỉ tháo gỡ sớm những vướng mắc, khó khăn hiện tại của các dự án, mà còn thúc đẩy các bên tham gia thị trường điều chỉnh năng lực, hành vi theo hướng tích cực, ổn định hơn sau thời gian dài trầm lắng, phát triển không kiểm soát. Đây sẽ là nền tảng tạo động lực cho thị trường BĐS phát triển trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành cùng sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp đã tạo động lực cho thị trường BĐS sẵn sàng bước vào "Kỷ nguyên mới".
Thứ ba, trong năm qua, Bộ Xây dựng đã tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đưa ra giải pháp, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án BĐS, với hàng trăm dự án được tháo gỡ. Tuy nhiên, nhiều dự án vẫn đang nằm “chờ” do trình tự, thủ tục còn phức tạp, quy định chồng chéo, thiếu thống nhất dẫn đến vẫn còn ách tắc trong triển khai dự án.
Thứ tư, phân khúc BĐS nhà ở vẫn dẫn dắt tiến trình phục hồi. Song còn nhiều yếu tố chưa tích cực như nguồn cung yếu, cục bộ, giá bán tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội liên tục thiết lập mặt bằng cao mới; thiếu trầm trọng nhà ở giá bình dân… Nhà ở xã hội đã có thêm nhiều bước tiến mới, với nhiều địa phương được đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện Đề án hoàn thiện 1 triệu căn nhà ở xã hội. Mặc dù nguồn cung không thể “đột phá” trong ngắn hạn nhưng những thông tin tích cực về phân khúc này phần nào đã tiếp thêm niềm tin cho người mua nhà.
Thị trường BĐS thương mại vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định với trợ lực quan trọng từ nhu cầu của dòng vốn đầu tư ngoại, đang không ngừng gia tăng theo hướng có chọn lọc. Mặc dù đã có thêm một vài kết quả tích cực, nhưng thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng vẫn phát triển tương đối chậm chạp và phải đối mặt với các thách thức về pháp lý, niềm tin của nhà đầu tư. BĐS công nghiệp vẫn được coi là ngôi sao triển vọng của thị trường.
Thứ năm, bên cạnh những kết quả tích cực, thị trường BĐS vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để thị trường có thể "vươn mình" phát triển bền vững. Tuy nhiên, trên nền tảng kinh tế đang chuyển mình mạnh mẽ, với sự quyết tâm, đồng sức, đồng lòng, cùng quá trình đổi mới sáng tạo trong mọi lĩnh vực, có thể khẳng định, thị trường BĐS Việt Nam năm 2025 đã sẵn sàng để bước vào kỷ nguyên mới.
Trần Văn Bình - Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam