Những điểm tựa yêu thương: 30 năm một sứ mệnh bảo vệ trẻ em

Những điểm tựa yêu thương: 30 năm một sứ mệnh bảo vệ trẻ em
11 giờ trướcBài gốc
Một mẩu giấy báo gói xôi 30 năm trước đã mở ra hành trình không dừng lại của ThS Trần Minh Hải - hành trình của người thầy đường phố bền bỉ gieo chữ, đổi đời cho trẻ lang thang và sau này là xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em khỏi nạn xâm hại tình dục.
Gieo yêu thương, đổi phận đời trẻ lang thang
Bước ngoặt cuộc đời đến với anh Trần Minh Hải vào một buổi chiều những năm tuổi đôi mươi, khi anh từ Bình Dương lên TP HCM ôn thi đại học. Mẩu giấy báo gói xôi với dòng chữ "Tuyển giáo dục viên đường phố" của một tổ chức phi chính phủ Thụy Sĩ đã thôi thúc chàng trai trẻ. Xuất thân nghèo khó, từng trải qua tuổi thơ cơ cực, anh Hải thấu hiểu nỗi niềm của những đứa trẻ lang thang. Lá thư xin việc của anh có một câu giản dị: "Tôi từng nghèo và may mắn được đi học. Tôi muốn giúp những đứa trẻ giống như tôi ngày xưa". Sự chân thành đó đã giúp anh vượt qua hơn 150 ứng viên, trở thành giáo dục viên đường phố.
Từ bỏ ý định thi vào ngành thể dục thể thao, anh Hải chuyển sang học công tác xã hội. Những năm tháng sau đó, anh gắn bó với Câu lạc bộ Cầu Muối (nay là Mái ấm Tre Xanh), rong ruổi khắp các con phố. Bằng sự kiên trì và tấm lòng của một người anh, người bạn, anh tiếp cận, lắng nghe và cảm hóa những đứa trẻ đường phố. Dù không ít lần bị xua đuổi, nghi ngờ, nhưng sự chân thành của anh đã dần được chấp nhận. "Có những đứa trẻ chỉ cần vài giờ đã đi theo tôi, bởi chúng cảm nhận được tôi thật lòng" - anh Hải chia sẻ.
ThS Trần Minh Hải truyền thông phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ em tại các tỉnh, thành
Câu chuyện của anh T.M.T là minh chứng rõ nét cho hành trình gieo yêu thương của anh Hải. Từ một cậu bé lang thang, học dở dang lớp 3, nhờ sự đồng hành bền bỉ của anh Hải, T.M.T đã thoát khỏi cuộc sống không nhà, được học nghề, ổn định và xây dựng tương lai. Nhiều năm sau, T.M.T trở thành một doanh nhân thành đạt với dịch vụ khoan giếng. Trong đợt dịch COVID-19, anh quay lại TP HCM, không phải để mưu sinh, mà để cùng anh Hải tiếp sức cho người nghèo, giúp đỡ những đứa trẻ như mình năm xưa. "Được gặp thầy, tôi có cơm ăn, chỗ ở, thay đổi để sống cuộc đời khác. Tôi rất biết ơn thầy Hải" - anh T.M.T xúc động.
Con đường này chưa bao giờ dễ dàng. Có lúc, nỗi lo không chu toàn được cho gia đình khiến anh Hải muốn dừng lại. Nhưng một học bổng đi Philippines đã mở ra hướng đi mới, giúp anh nhận ra đây chính là sứ mệnh của đời mình. Anh đã hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Trường ĐH Phụ nữ Philippines để phục vụ tốt hơn cho công việc.
Suốt 30 năm qua, anh Hải đã đặt chân đến 63 tỉnh, thành, tham gia đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm tại 27 quốc gia. Hiện anh là Giám đốc Trung tâm Giáo dục Sức khỏe và Phát triển cộng đồng Tương Lai, cùng các cộng sự tiếp tục hành trình bền bỉ bảo vệ trẻ em yếu thế khỏi bạo lực, xâm hại và lãng quên.
Cần kỹ năng và tấm lòng thực tâm
Từ thực tiễn đồng hành với trẻ đường phố, anh Hải nhận thấy một vấn đề nhức nhối khác là nạn xâm hại tình dục trẻ em. Năm 2011, anh cùng các cộng sự thành lập Trung tâm Tương Lai, với một trong những trọng tâm là phòng chống nạn này. "Trẻ em thường không biết mình đang bị xâm hại. Các em ngây thơ, sợ hãi và không biết chia sẻ cùng ai" - anh Hải trăn trở.
Trung tâm Tương Lai đã triển khai các dự án giáo dục, hỗ trợ cộng đồng một cách bền bỉ. Các buổi truyền thông tại trường học, khu dân cư không chỉ trang bị cho trẻ kỹ năng nhận biết nguy cơ, tự bảo vệ mà còn hướng dẫn phụ huynh, giáo viên cách phát hiện, phòng ngừa và can thiệp. Đến nay, dự án đã tiếp cận hơn 10.000 trẻ em và 4.000 người lớn tại hơn 30 tỉnh, thành. Giáo trình được xây dựng gần gũi, dễ hiểu.
Tuy nhiên, anh Hải nhấn mạnh nguy cơ không chỉ đến từ người lạ. "Kẻ xâm hại có thể là người quen, người dễ tiếp xúc và lợi dụng lòng tin của trẻ" - anh Hải nói. Thực tế đau lòng là có những em bị xâm hại từ nhỏ nhưng chỉ khi tham gia chương trình mới nhận diện được hành vi sai trái đó. Vết thương tâm lý do xâm hại gây ra thường dai dẳng, khiến trẻ ám ảnh, trầm cảm, bị kỳ thị. Vì vậy, anh Hải khẳng định việc ngăn ngừa phải được ưu tiên hàng đầu.
Triết lý làm việc của anh là "Có kỹ năng thôi chưa đủ. Phải có tấm lòng thực tâm". Anh tiếp cận trẻ không phải bằng lý thuyết khô khan mà bằng sự chân thành, lắng nghe. "Chỉ khi được thấu hiểu, trẻ mới mở lòng và học cách tự bảo vệ mình" - anh Hải cho hay. Hạnh phúc với anh giản đơn là thấy một đứa trẻ biết nói "không", biết tìm người tin cậy để sẻ chia.
Giữa thời đại công nghệ số, anh Hải thừa nhận đã thử nghiệm nhiều phương pháp truyền thông hiện đại, từ video đến các nền tảng trực tuyến. Nhưng anh nghiệm ra: "Không gì thay thế được sự hiện diện của con người. Cái nhìn trực diện, cuộc trò chuyện chân thành mới là sự kết nối thực sự, giúp các em lắng nghe, mở lòng và thay đổi".
Hướng tới năm 2030, anh Hải đặt mục tiêu phủ sóng chương trình phòng chống xâm hại tình dục trẻ em trên toàn quốc. Anh kỳ vọng lan tỏa tinh thần trách nhiệm, kêu gọi cộng đồng cùng chung tay tạo nên những "tấm lưới" an toàn, che chở cho trẻ em Việt Nam. Hành trình còn dài nhưng người thầy ấy vẫn bền bỉ bước tiếp, vì mỗi bước chân hôm nay có thể thay đổi tương lai của một đứa trẻ.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 27-4
Bài và ảnh: CHÍ NGUYÊN
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/nhung-diem-tua-yeu-thuong-30-nam-mot-su-menh-bao-ve-tre-em-196250427231045755.htm