Những điều cần biết khi áp dụng phạt nguội qua camera

Những điều cần biết khi áp dụng phạt nguội qua camera
2 ngày trướcBài gốc
Đại tá Nguyễn Nhật Trường - Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang.
Hiện nay camera xử phạt trên địa bàn tỉnh Kiên Giang được giao cho 2 đơn vị quản lý vận hành và khai thác là Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh vận hành khai thác các camera xử phạt trên địa bàn toàn tỉnh. Riêng địa bàn TP. Phú Quốc giao Công an TP. Phú Quốc vận hành khai thác, xử lý.
Về cách thức vận hành hệ thống, công an các đơn vị được giao quản lý vận hành, khai thác phân công cán bộ khai thác 24/24 giờ. Camera tự động ghi nhận lại những trường hợp vi phạm. Hành vi vi phạm như chạy quá tốc độ quy định, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, không đội nón bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, đi không đúng phần đường, làn đường quy định... cán bộ khai thác sẽ trích xuất những hình ảnh vi phạm và gửi thông báo vi phạm đến chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân vi phạm.
Chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân vi phạm có trách nhiệm liên hệ cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm hoặc nơi tổ chức, cá nhân đóng trụ sở, cư trú để giải quyết vụ việc.
Hệ thống camera giám sát đặt trên đường 3 Tháng 2 (TP. Rạch Giá) để phát hiện vi phạm giao thông và xử lý phạt nguội. Ảnh: TÂY HỒ
- Phóng viên: Việc áp dụng phạt nguội dựa trên hệ thống giám sát giao thông được kỳ vọng sẽ cải thiện tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh như thế nào? Các tiêu chí đánh giá hiệu quả ban đầu của giải pháp này là gì?
- Đại tá Nguyễn Nhật Trường: Việc ứng dụng quản lý, giám sát, xử phạt qua hệ thống camera là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm kéo giảm vi phạm pháp luật, nâng cao ý thức người dân, giảm tai nạn, ùn tắc giao thông dù không cần có mặt lực lượng chức năng trên các tuyến đường. Toàn bộ hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông vẫn được ghi lại và xử lý nghiêm minh. Nhờ đó, ý thức của người tham gia giao thông sẽ chuyển biến tích cực, tự giác chấp hành, tuân thủ luật an toàn giao thông.
Việc áp dụng biện pháp phạt nguội hỗ trợ lực lượng cảnh sát giao thông trong việc thực hiện nhiệm vụ, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm một cách chính xác, công khai, minh bạch, hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm.
Để đánh giá hiệu quả ban đầu của giải pháp này thì cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông, phối hợp với các cơ quan báo chí thực hiện tin, bài, phóng sự, tờ rơi, áp phích để tuyên truyền rộng rãi về quy định xử phạt qua hệ thống camera giám sát đến nhân dân. Sau một thời gian vận hành sẽ có sự so sánh, đánh giá việc chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông trên địa bàn.
Hệ thống camera giám sát phạt nguội tại ngã tư đường Nguyễn Trung Trực giao với đường Lạc Hồng (TP. Rạch Giá).
- Phóng viên: Hệ thống giám sát được lắp đặt tại những khu vực nào trên địa bàn tỉnh Kiên Giang? Tỉnh có kế hoạch mở rộng hệ thống này trong thời gian tới không?
- Đại tá Nguyễn Nhật Trường: Hệ thống camera giám sát hiện đã lắp đặt 485 camera các loại tại các mục tiêu, sân bay, bến xe, tàu, nơi công cộng, tuyến quốc lộ, các giao lộ, vị trí có lắp đặt đèn tín hiệu giao thông... để giám sát tình hình an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.
Trước mắt, Công an tỉnh Kiên Giang sử dụng 36 camera dùng để phát hiện lỗi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ về vượt tốc độ cho phép, vượt tín hiệu đèn đỏ và không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy trên địa bàn TP. Rạch Giá, TP. Phú Quốc và các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục đề xuất nâng cấp, mở rộng hệ thống camera để giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông nhằm ngăn ngừa, cảnh báo, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giảm tai nạn, ùn tắc giao thông..., góp phần xây dựng một xã hội an toàn, văn minh, hiện đại và phát triển, hướng đến mục tiêu giao thông thông minh, an toàn, không tai nạn.
- Phóng viên: Đối với những trường hợp vi phạm được ghi nhận qua hệ thống giám sát, Công an tỉnh sẽ xử lý ra sao nếu chủ phương tiện hoặc người vi phạm không chấp hành đóng phạt đúng hạn?
- Đại tá Nguyễn Nhật Trường: Đối với những trường hợp vi phạm bị ghi nhận qua hệ thống giám sát được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo trình tự tại Điều 24, Thông tư số 73/2024/TT-BCA, ngày 15-11-2024 của Bộ Công an quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của lực lượng cảnh sát giao thông mà chủ phương tiện hoặc người vi phạm không chấp hành đóng phạt đúng hạn thì tiến hành các bước sau:
Quá thời hạn 20 ngày kể từ ngày gửi thông báo vi phạm của cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm mà chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính không đến trụ sở cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm để giải quyết vụ việc hoặc nơi tổ chức, cá nhân đóng trụ sở, cư trú để xử lý vụ việc thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm thực hiện gửi thông báo cảnh báo phương tiện giao thông vi phạm cho cơ quan đăng kiểm (đối với phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định), cơ quan đăng ký xe, cập nhật trạng thái đã gửi thông báo cảnh báo trên cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính.
Đối với phương tiện giao thông là mô tô, xe gắn máy, tiếp tục gửi thông báo đến công an xã, phường, thị trấn nơi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính cư trú, đóng trụ sở. Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chuyển thông báo đến chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính và yêu cầu họ thực hiện theo thông báo vi phạm.
Đồng thời, thực hiện theo quy định tại khoản 10, Điều 3, Thông tư số 79/2024/TT-BCA, ngày 15-11-2024 của Bộ Công an quy định về cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng: “Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì chưa được giải quyết việc đăng ký phương tiện vi phạm”. Bị từ chối kiểm định phương tiện vi phạm khi chủ phương tiện chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
- Phóng viên: Cảm ơn Đại tá!
TÂY HỒ - TÚ QUYÊN thực hiện
Nguồn Kiên Giang : https://baokiengiang.vn/dan-hoi-chinh-quyen-tra-loi/nhung-dieu-can-biet-khi-ap-dung-phat-nguoi-qua-camera-23907.html