Laser, viết tắt của "khuếch đại ánh sáng bằng bức xạ kích thích" (Light Amplification by Stimulated Emission of Radiation), là một công cụ tái tạo da sử dụng ánh sáng và nhiệt để cải thiện tông màu, kết cấu và màu sắc da. Quá trình này tạo ra tổn thương có kiểm soát trên bề mặt da, kích thích cơ thể tái tạo da mới, từ đó cải thiện vẻ ngoài.
Laser hoạt động tương tự như việc tập luyện thể thao, gây ra những tổn thương nhỏ để kích thích cơ thể tự chữa lành. Kết quả là cơ thể sẽ sản sinh collagen mạnh mẽ hơn - thành phần giúp duy trì sự căng mịn của làn da.
Tái tạo da bằng laser là quy trình thẩm mỹ sử dụng tia laser để kích thích sản sinh collagen và tái tạo các tế bào da mới. Tùy theo nhu cầu, bác sĩ sẽ lựa chọn một trong các loại laser chính:
Laser xâm lấn (ablative): Loại bỏ lớp da bên ngoài, thích hợp để điều trị nếp nhăn sâu, sẹo, và các vấn đề da nghiêm trọng.
Laser không xâm lấn (non-ablative): Không loại bỏ lớp da nào, tập trung điều trị các vấn đề nhẹ như tàn nhang, mẩn đỏ, hoặc vết thâm do mụn.
Liệu Pháp Ánh Sáng (Light Therapy): Nhắm mục tiêu cụ thể, ít gây tổn thương hơn nhưng cần nhiều buổi điều trị.
Ảnh minh họa
Phương pháp này dành cho những ai không đạt hiệu quả với các sản phẩm chăm sóc da thông thường và đang tìm cách khắc phục: sẹo mụn, sẹo thường; nếp nhăn và đường nhăn; da không đều màu; đốm nâu, mụn cóc và lỗ chân lông to.
Tuy nhiên, quy trình này không phù hợp với người có mụn bùng phát hoặc da chảy xệ quá mức. Đặc biệt, những người da sáng thường là ứng viên lý tưởng vì ít gặp nguy cơ tăng sắc tố da. Với người da sẫm màu, bác sĩ sẽ chọn loại laser phù hợp để hạn chế rủi ro.
Thời điểm lý tưởng để thực hiện liệu pháp này là mùa thu hoặc đông, khi ánh nắng ít gay gắt hơn, giúp bảo vệ làn da sau điều trị.
Chuẩn bị trước điều trị: Da sẽ được chăm sóc bằng liệu trình đặc biệt trong vài tuần trước khi tiến hành để giảm nguy cơ tác dụng phụ.
Ngày thực hiện: Bác sĩ sẽ bôi thuốc gây tê tại chỗ hoặc cho uống thuốc giảm đau nếu vùng điều trị lớn.
Tiếp theo, cần làm sạch da để loại bỏ dầu thừa và bụi bẩn, sau đó sử dụng laser điều trị vùng da mục tiêu, cuối cùng, da được băng bó để bảo vệ trong giai đoạn đầu hồi phục.
Ảnh minh họa
Quá trình hồi phục kéo dài từ 3-10 ngày đối với laser không xâm lấn và có thể lên đến 3 tuần với laser xâm lấn. Bệnh nhân có thể rời phòng khám ngay sau khi điều trị nhưng cần tuân thủ các bước chăm sóc sau:
Vệ sinh da: Rửa mặt 2-5 lần/ngày bằng dung dịch muối hoặc giấm pha loãng do bác sĩ chỉ định. Thay băng thường xuyên.
Dưỡng ẩm: Sử dụng kem dưỡng ẩm phù hợp để đẩy nhanh quá trình lành da.
Bảo vệ da: Bôi kem chống nắng SPF 30 trở lên mỗi ngày và tránh ánh nắng trực tiếp trong ít nhất 1 năm.
Tái tạo da bằng laser có thể gây một số tác dụng phụ như: sưng, đỏ, rát da, nhiễm trùng, tăng sắc tố hoặc sẹo. Để giảm thiểu rủi ro, bệnh nhân nên ngừng hút thuốc ít nhất 2 tuần trước và sau điều trị, đồng thời tránh các loại thuốc trị mụn mạnh như isotretinoin.
Ảnh minh họa
Hiệu quả của laser không xâm lấn thường xuất hiện sau nhiều buổi điều trị, trong khi laser xâm lấn có thể mang lại kết quả ngay từ lần đầu tiên. Kết quả thường kéo dài vài năm nhưng không vĩnh viễn, do làn da vẫn chịu ảnh hưởng từ lão hóa và môi trường.
Tái tạo da bằng laser không chỉ mang lại làn da tươi trẻ mà còn giúp chúng ta tự tin hơn trong cuộc sống. Nếu bạn đang cân nhắc liệu pháp này, hãy tìm đến các chuyên gia uy tín và tuân thủ hướng dẫn để đạt hiệu quả tối ưu.
Theo Healthline và Everyday Health
Tường Uyên