Vừa qua, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các Luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 9, trong đó có Luật Công nghiệp công nghệ số 2025.
Luật Công nghiệp công nghệ số 2025 (có hiệu lực từ 1-1-2026) gồm 6 chương 51 điều, trong đó lần đầu tiên pháp luật có quy định cụ thể về tài sản số.
Tài sản ảo trên môi trường điện tử có thể được dùng để đầu tư
Điều 46 Luật Công nghiệp công nghệ số định nghĩa: Tài sản số là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo lập, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử.
Lần đầu tiên Việt Nam có luật quy định về tài sản số, tài sản mã hóa. Ảnh: NGỌC DIỆP
Tài sản số được phân loại theo một hoặc một số tiêu chí là mục đích sử dụng, công nghệ và tiêu chí khác, bao gồm:
Thứ nhất là tài sản ảo trên môi trường điện tử. Đây là một loại tài sản số có thể được dùng cho mục đích trao đổi hoặc đầu tư. Tài sản ảo không bao gồm chứng khoán, các dạng số của tiền pháp định và tài sản tài chính khác theo quy định của pháp luật về dân sự; tài chính.
Thứ hai là tài sản mã hóa. Đây là một loại tài sản số sử dụng công nghệ mã hóa hoặc công nghệ số có chức năng tương tự để xác thực đối với tài sản trong quá trình tạo lập, phát hành, lưu trữ, chuyển giao. Tài sản mã hóa không bao gồm chứng khoán, các dạng số của tiền pháp định và tài sản tài chính khác theo quy định của pháp luật về dân sự; tài chính.
Thứ ba là tài sản số khác.
Có thể thấy, theo quy định của Bộ luật dân sự hiện nay, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản nên các loại tiền ảo (nổi tiếng nhất là Bitcoin) chưa được xem là tài sản.
Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2026, tài sản ảo, tài sản mã hóa và tài sản số khác sẽ được xem là tài sản theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Lừa tài sản ảo có phạm tội?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ThS Phan Thị Phương Hiền, Trường Đại học Luật TP.HCM, cho biết để cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS năm 2015 thì ngoài thỏa mãn dấu hiệu hành vi thì cần thỏa mãn dấu hiệu đối tượng tác động là tài sản, bởi khi hành vi tác động đến tài sản của người khác thì quyền sở hữu mới có thể bị gây thiệt hại.
Vì hiện nay tiền ảo chưa được xem là một loại tài sản theo pháp luật Việt Nam nên nếu có bị lừa mất tiền ảo thì đối tượng lừa đảo về nguyên tắc không thể bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo BLHS hiện hành.
Tuy nhiên, thực tiễn xét xử ghi nhận tại Bản án số: 841/2023/HS-PT ngày 01-11-2023 của TAND Cấp cao tại TP.HCM về “Tội cướp tài sản” (điểm a khoản 4 Điều 168 BLHS 2015), HĐXX có nhận định các bị cáo đã khống chế nạn nhân, chuyển thành công 168 Bitcoin, rồi quy đổi 86,91 Bitcoin được 18.880.000.000 đồng và đã chiếm đoạt 03 điện thoại di động, 01 camera hành trình trị giá 45.115.000 đồng. Do đó, tòa án cấp sơ thẩm xác định hành vi của các bị cáo phạm tội “Cướp tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 168 BLHS là có căn cứ. Như vậy, bản án ghi nhận việc quy đổi tiền mã hóa Bitcoin ra tiền VNĐ vẫn là căn cứ để xác định là dấu hiệu định khung hình phạt trong Tội cướp tài sản (Điều 168 BLHS).
“Cần lưu ý, hiện nay tiền ảo chưa được công nhận là tài sản nhưng từ ngày 1-1-2026 thì tài sản ảo, tài sản mã hóa sẽ được xem là tài sản theo quy định của Luật Công nghiệp Công nghệ số 2025. Từ đó, việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản ảo, tài sản mã hóa sẽ có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS năm 2015) nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của tội phạm này”, ThS Hiền nói.
Tổng thống Mỹ ký ban hành Đạo luật về tiền điện tử stablecoin
Ngày 18-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua một đạo luật lịch sử liên quan đến tiền mã hóa có tên Đạo luật Hướng dẫn và Thiết lập Đổi mới Quốc gia đối với Stablecoin của Mỹ, hay còn gọi là Đạo luật GENIUS.
Đây là đạo luật mang tính bước ngoặt, đánh dấu quy định liên bang đầu tiên về tiền mã hóa Stablecoin. Đạo luật này thiết lập khuôn khổ pháp lý cho thị trường tiền stablecoin quy mô 250 tỉ USD. Đồng stablecoin được đánh giá là một loại tiền mã hóa khá an toàn bởi giá trị của nó được neo vào một số loại tài sản có độ tin cậy cao ví như đồng USD.
Với việc đạo luật GENIUS được thông qua, từ nay các ngân hàng, tổ chức tài chính phi ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường tiền mã hóa bằng cách phát hành các stablecoin riêng của họ.
Stablecoin không biến động giá quá mạnh như nhiều loại tiền mã hóa khác, đồng thời nó có thể giúp việc xử lý giao dịch tài chính nhanh hơn.
Đạo luật GENIUS áp dụng quy định về dự trữ rất khắt khe nhằm đảm bảo mức độ an toàn và ổn định của hoạt động thanh toán bằng stablecoin. Giao dịch bằng stablecoin cần phải được đảm bảo bằng 100% tài sản thanh khoản, trong đó bao gồm đồng USD, nghĩa vụ trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ ngắn hạn, tài khoản tại Fed. Tài sản này cần phải được ở trong tài khoản độc lập, có sự giám sát của bên thứ 3 và có sao kê hàng tháng nhằm đảm bảo đủ dự trữ.
Hai dự luật còn lại bao gồm một xác lập khung pháp lý tổng thể cho tài sản số và một dự luật khác cấm phát hành đồng tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Mỹ (CBDC) - hiện đang được trình lên Thượng viện xem xét.
NGỌC DIỆP
Cần tính toán đến thuế, tranh chấp
Tại Luật Công nghiệp công nghệ số, Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết việc phân loại tài sản số và đặc biệt là quản lý tài sản số, theo thực tiễn và nhu cầu phát triển.
Lý giải điều này, UBTVQH cho rằng cách tiếp cận như trên sẽ đảm bảo tính linh hoạt, khả thi và phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời đặt nền móng cho việc quản lý hiệu quả tài sản số trong thời gian tới.
Trước đó, ngày 8-3, báo Pháp Luật TP.HCM đã tổ chức Tọa đàm “Xây dựng khung pháp lý cho tiền kỹ thuật số”. Tại đây, các chuyên gia đã đồng tình với việc cần thiết phải công nhận tài sản số là một loại tài sản.
Buổi tọa đàm do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức hôm 8-3. Ảnh: HOÀNG GIANG
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề cập đến các vấn đề pháp lý và thuế xoay quanh loại tài sản này. Đối với pháp luật dân sự, thương mại cần có các quy định về hợp đồng tài sản số, tài sản mã hóa và các quy định tố tụng khi có tranh chấp. Đối với pháp luật hình sự, cần bổ sung thêm một số tội danh có liên quan đến đối tượng tác động là tài sản số…
Ngoài ra, nếu đã xác định là một loại tài sản và cho phép đầu tư thì cần phải xây dựng các công cụ thuế.
Đây có lẽ là những vấn đề mà Chính phủ cần tính toán kỹ lưỡng khi hướng dẫn nội dung về tài sản số tại Luật Công nghiệp công nghệ số 2025.
N.Q
QUỲNH LINH