Những điều dưỡng viên yêu nghề, bám đảo

Những điều dưỡng viên yêu nghề, bám đảo
3 ngày trướcBài gốc
Trong công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh, người điều dưỡng đóng vai trò rất quan trọng, ngoài việc thực hiện các y lệnh của bác sĩ, còn trực tiếp tiếp xúc, chăm sóc, động viên người bệnh. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, cũng là từng ấy thời gian chị Nguyễn Thị Thu Hương, Điều dưỡng trưởng Khoa Khám bệnh, cấp cứu, hồi sức tích cực, chống độc, nội, nhi, truyền nhiễm (Trung tâm Y tế huyện Cô Tô) luôn quyết tâm phấn đấu làm tròn trách nhiệm của mình.
Là phụ nữ, phải chăm lo việc gia đình, nhưng công việc của nữ điều dưỡng không chỉ là chăm sóc người bệnh, mà còn có nhiệm vụ phối hợp, hiệp đồng với các khoa, phòng trong đón tiếp, hướng dẫn, hỗ trợ, đăng ký khám bệnh, tiếp nhận người bệnh đến cấp cứu, sàng lọc người bệnh vào điều trị nội trú, thực hiện công tác điều trị ngoại trú và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe ban đầu...
Có những ngày, do yêu cầu công việc, chị Hương phải có mặt ở khoa 24/24 giờ. Áp lực công việc đè nặng, nếu không có tình yêu công việc, sự hăng say, trách nhiệm, thì không thể chăm sóc tốt cho bệnh nhân. Chị Hương cho biết: “Niềm vui khi nhìn thấy bệnh nhân khỏi bệnh là động lực thôi thúc tôi gắn bó hơn với công việc”.
Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thu Hương thăm hỏi sức khỏe của bệnh nhân.
“Nghề nào cũng là nghề cao quý. Tôi càng tự hào hơn khi có thể chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Bệnh nhân đến với chúng tôi lúc đau yếu, bệnh tật, dần khỏe mạnh trở lại, là lúc chúng tôi vui mừng nhất. Mỗi bệnh nhân là một hoàn cảnh, bệnh tật khác nhau. Điều dưỡng viên hiểu điều đó, biết cảm thông, chia sẻ, chăm sóc tận tụy, sẽ không chỉ giúp người bệnh vượt qua nỗi đau thể xác, mà còn an tâm điều trị hơn”, chị Nguyễn Thị Thu Hương chia sẻ.
Khám, chữa bệnh trên đất liền đã là một công việc vất vả, nhưng trên biển, đảo xa lại càng vất vả hơn, nhiều khi tính mạng người bệnh phụ thuộc vào phương tiện, thời tiết và thời gian di chuyển từ đảo vào đất liền. Với đặc thù biển, đảo, có nhiều ca cấp cứu là sản phụ sinh khó hoặc gặp trường hợp đặc biệt, điều kiện y tế ở đảo không đủ đáp ứng, bắt buộc phải chuyển tuyến vào những ngày biển động, sóng to, gió lớn, đêm hôm mưa bão, đã trở thành chuyện hết sức bình thường đối với những nữ y tá, điều dưỡng trên tuyến đảo. Lúc đó, đối mặt giữa ranh giới sinh tử không chỉ là bệnh nhân mà còn cả tính mạng của đội ngũ y, bác sĩ đi cùng.
Đối với điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Ngoan, mỗi em bé chào đời khỏe mạnh là niềm vui lớn nhất trong công việc.
Chị Nguyễn Thị Ngoan, Điều dưỡng trưởng Khoa ngoại, sản, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phụ sản và chuyên khoa (Trung tâm Y tế huyện Cô Tô) cho biết: “Chúng tôi luôn tâm niệm, sức khỏe, tính mạng của người bệnh phải đặt lên trên hết. Mỗi lần chuyển tuyến đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại tuyến trên, dù gặp khó khăn, vất vả, nhưng chúng tôi luôn sẵn sàng, bởi đây không chỉ là trách nhiệm của những người khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, mà còn là trách nhiệm của người Đảng viên, với sự gửi gắm, trao cả tính mạng của bệnh nhân và niềm tin của người nhà cho đội ngũ y, bác sĩ. Khi nhìn thấy những em bé khỏe mạnh được sinh ra, những ca bệnh nặng được cấp cứu kịp thời, chúng tôi cũng có thể thở phào trước áp lực vừa trải qua”.
Dù tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ, nhưng anh Nguyễn Văn Toàn, điều dưỡng viên Khoa Khám bệnh, cấp cứu, hồi sức tích cực, chống độc, nội, nhi, truyền nhiễm (Trung tâm Y tế huyện Cô Tô) luôn phấn đấu trau dồi chuyên môn, hoàn thành tốt công việc được giao. Anh Nguyễn Văn Toàn là điều dưỡng duy nhất, cùng với một bác sĩ chuyên khoa thực hiện công tác gây mê hồi sức trong kíp phẫu thuật tại Trung tâm Y tế huyện Cô Tô. Khác với công việc của các bác sĩ điều trị hay kỹ thuật viên phẫu thuật, công việc của y, bác sĩ gây mê, hồi sức luôn "đi trước về sau". "Đi trước" để làm công tác chuẩn bị sẵn sàng cho ca mổ và "về sau" khi kíp phẫu thuật đã xong nhiệm vụ, các y, bác sĩ gây mê vẫn ở lại tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe người bệnh.
Dẫu vậy, các bác sĩ, cán bộ, nhân viên, bệnh nhân ở Trung tâm vẫn luôn thấy anh Nguyễn Văn Toàn cần mẫn với công việc của mình. Ý thức được trách nhiệm và công việc của mình, nên dù trong ca trực hay ngoài giờ hành chính, điện thoại của anh lúc nào cũng để chuông, luôn mang theo bên mình để sẵn sàng khi có cuộc gọi khẩn cấp là có mặt ngay, để kịp thời chuẩn bị sẵn sàng cho ca mổ.
Điều dưỡng viên Nguyễn Văn Toàn luôn cố gắng nỗ lực làm việc với tinh thần trách nhiệm, tận tâm với nghề.
Anh Nguyễn Văn Toàn cho biết: “Có nhiều ca bệnh khiến anh nhớ mãi. Năm 2023, Trung tâm Y tế huyện tiếp nhận cấp cứu nữ bệnh nhân 27 tuổi bị mất máu do chửa ngoài tử cung. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng da niêm mạc nhợt, hoa mắt chóng mặt, đau khắp bụng, kèm theo ra máu âm đạo màu đỏ thẫm. Khám bụng chướng, đau khắp bụng, có cảm ứng phúc mạc, xét nghiệm thiếu máu mức độ nặng. Sau khi hội chẩn, nhận định đây là bệnh lý sản khoa rất nguy hiểm vì có thể khiến bệnh nhân tử vong nhanh do chảy máu ồ ạt, bệnh nhân đã được các y, bác sĩ mổ cấp cứu, tìm khối chửa, kẹp mạch, hút, lấy ra khoảng 1 lít máu tươi và máu cục. Trải qua 1 giờ đồng hồ, ca phẫu thuật đã diễn ra thành công, an toàn”. Ca cấp cứu này khiến anh Toàn càng ý thức hơn trách nhiệm của mình, tuyệt đối không lơ là nhiệm vụ, luôn đặt mình vào tình trạng “báo động đỏ”, để kịp thời cứu chữa cho người bệnh trong những trường hợp cấp cứu khẩn cấp.
Thấm nhuần lời dạy của Bác “Lương y phải như từ mẫu”, thời gian qua, dù ở cương vị nào, đội ngũ các y, bác sĩ cũng luôn nêu cao y đức, hết lòng chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Điều dưỡng Hương, điều dưỡng Ngoan, điều dưỡng Toàn cùng đội ngũ y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Cô Tô luôn cố gắng, nỗ lực làm việc với tinh thần trách nhiệm, họ luôn sống hết mình với nghề, coi bệnh viện là nhà, bệnh nhân là người thân, chấp nhận những khó khăn, áp lực, thách thức và hướng tới một mục tiêu duy nhất là bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đối với họ, niềm vui xuất phát từ những việc làm có ích cho mọi người và xã hội, những điều họ làm đều xuất phát từ một chữ "tâm" với nghề, với trách nhiệm của những người Đảng viên.
Nhưng, điều quan trọng hơn, như đánh giá của Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cô Tô Nguyễn Thanh Giang, đó là đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ tâm huyết, tận tụy với người bệnh. Nhờ vậy, nhiều ca bệnh khó, bệnh nặng, nhiều trường hợp tai nạn bất ngờ đã được đội ngũ y, bác sĩ cấp cứu, xử trí tại chỗ kịp thời, đã vượt qua hiểm nguy về tính mạng, tạo được lòng tin cho nhân dân.
Với trách nhiệm vì cộng đồng, vì y đức nghề nghiệp, đội ngũ y, bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Cô Tô đang nỗ lực vượt qua khó khăn nơi "đầu sóng, ngọn gió", bám biển, bám đảo, đem sức trẻ cống hiến vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bài và ảnh: HOÀNG PHƯƠNG
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-viet-vung-buoc-duoi-co-dang/nhung-dieu-duong-vien-yeu-nghe-bam-dao-821215