Những doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt cao chót vót với tỷ lệ 200%

Những doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt cao chót vót với tỷ lệ 200%
4 giờ trướcBài gốc
Nhiều doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam gây chú ý khi chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 200%, bất chấp bối cảnh kinh tế khó khăn. Những cái tên như Bia Sài Gòn Sông Tiền và Mía đường Sơn La đã khẳng định khả năng tài chính vững mạnh với mức chia cổ tức kỷ lục. Điều này cho thấy cam kết của doanh nghiệp với cổ đông và sức hấp dẫn của cổ phiếu trong mắt nhà đầu tư.
CỔ PHIẾU "TRÀ ĐÁ" NHƯNG CHIA CỔ TỨC 200%
Ngày 27/9 vừa qua đánh dấu thời hạn cuối để cổ đông của Công ty Cổ phần Cơ khí Phổ Yên (Fomeco - mã chứng khoán: FBC) nhận cổ tức năm 2023 với mức chia chấn động lên đến 200%. Cổ đông sở hữu mỗi cổ phiếu sẽ nhận 20.000 đồng, một con số chưa từng có trong lịch sử doanh nghiệp. Dự kiến, Fomeco sẽ chi trả khoản cổ tức đáng mơ ước này vào ngày 7/11.
Fomeco, được thành lập từ năm 1974, là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công cơ khí chính xác với các sản phẩm nổi bật như vòng bi, phụ tùng xe máy, ô tô và các phụ tùng ngành xây dựng. Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) hiện là cổ đông lớn nhất của Fomeco với tỷ lệ sở hữu 51%, tương đương 1,887 triệu cổ phiếu. Như vậy, dự kiến VEAM sẽ thu về khoảng 38 tỷ đồng từ đợt chia cổ tức lần này.
Công ty Cổ phần Cơ khí Phổ Yên (Fomeco)
Trong khi đó, các thành viên chủ chốt của ban lãnh đạo cũng sẽ nhận khoản cổ tức đáng kể. Ông Hoàng Công Toán, Thành viên Hội đồng quản trị, sở hữu 13,743% vốn điều lệ, tương ứng 508.480 cổ phiếu FBC, dự kiến sẽ nhận khoảng 10,2 tỷ đồng. Ông Vương Quốc Chính, Thành viên Hội đồng Quản trị, nắm giữ 6,043% cổ phần – tức 223.610 cổ phiếu dự kiến nhận về 4,5 tỷ đồng.
Fomeco từ lâu đã là một cái tên quen thuộc với nhà đầu tư nhờ truyền thống chia cổ tức hấp dẫn và đều đặn, từ 30-65% các năm trước, tăng lên 120% vào năm 2022 và nay đã đạt mức đỉnh cao 200% cho năm 2023.
Mặc dù cổ phiếu FBC trên thị trường chứng khoán có giá chỉ 3.700 đồng/cổ phiếu, nhưng với mức chia cổ tức cao gấp 5,4 lần mệnh giá, FBC trở thành một "báu vật" hiếm gặp. Cổ phiếu này hiện không có thanh khoản vì lượng cung gần như không tồn tại.
Dù doanh thu của Fomeco năm 2023 chỉ đạt 1.049,7 tỷ đồng, bằng 80% so với năm 2022, nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty vẫn tăng ấn tượng 10,3%, đạt 72,7 tỷ đồng, vượt 20,8% so với kế hoạch.
BIA SÀI GÒN SÔNG TIỀN: CỔ TỨC "HẬU HĨNH" DÙ THỊ TRƯỜNG BIA GẶP KHÓ
Theo thông báo từ Công ty Cổ phần Thương mại Bia Sài Gòn Sông Tiền (SST), công ty sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 8/10 để tiến hành chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 199,84%, tức mỗi cổ đông sở hữu một cổ phiếu sẽ nhận được 19.984 đồng. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 7/10 và ngày thanh toán dự kiến sẽ diễn ra vào 24/10.
Với Sabeco (mã chứng khoán: SAB) - công ty mẹ đang nắm giữ 90% vốn điều lệ của Bia Sài Gòn Sông Tiền, đây sẽ là một “món hời” khi Sabeco dự kiến sẽ thu về 72 tỷ đồng tiền mặt từ đợt chia cổ tức này.
Bia Sài Gòn Sông Tiền từ lâu đã nổi tiếng với truyền thống trả cổ tức cao ngất ngưởng. Năm 2022, công ty đã chia cổ tức với tỷ lệ 278%. Những năm trước đó, mức chia cổ tức cũng không hề kém cạnh, lần lượt đạt 128,44% vào năm 2021, 273,26% vào năm 2020, và đỉnh cao là 347,6% vào năm 2019.
Công ty Cổ phần Thương mại Bia Sài Gòn Sông Tiền (SST)
Dù có truyền thống chia cổ tức hậu hĩnh, năm 2023 vẫn là một năm khó khăn với Bia Sài Gòn Sông Tiền. Doanh thu thuần đạt 4.344,76 tỷ đồng, tương đương 96,39% so với năm 2022. Tuy nhiên, lợi nhuận trước và sau thuế chỉ đạt 104,2 và 82,79 tỷ đồng, giảm lần lượt 28% so với năm ngoái. Công ty cho biết, sự suy giảm này chủ yếu đến từ việc doanh thu không tăng trưởng, trong khi chi phí bán hàng tăng mạnh 20,9%, đạt mức 351,95 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính dẫn đến chi phí tăng cao là do nền kinh tế năm 2023 đối mặt với hàng loạt thách thức như xung đột chính trị quốc tế, lạm phát và lãi suất tăng cao, khiến tâm lý tiêu dùng trở nên bất ổn. Đặc biệt, việc thực thi nghiêm ngặt Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định về mức vi phạm nồng độ cồn đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiêu thụ bia, làm giảm mạnh nhu cầu trên thị trường.
Áp lực cạnh tranh trong ngành bia cũng không ngừng gia tăng, buộc công ty phải tăng cường chi tiêu cho các hoạt động tiếp thị như hoa hồng, quảng bá sản phẩm, và chào hàng… để giữ vững thị phần trong bối cảnh lực cầu suy yếu.
CỔ ĐÔNG MÍA ĐƯỜNG SƠN LA: GẶT HÁI TỪ MỨC CỔ TỨC KHỦNG
Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La (mã chứng khoán: SLS) vừa chính thức chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức niên độ 2023-2024 với tỷ lệ 200% bằng tiền mặt. Theo đó, ngày giao dịch không hưởng quyền sẽ là 9/10, còn ngày thanh toán dự kiến vào 4/11. Cổ đông sở hữu một cổ phiếu SLS sẽ nhận được mức cổ tức lên tới 20.000 đồng.
Trái ngược với FBC, thuộc hàng "đắt đỏ" trên thị trường. Chốt phiên giao dịch ngày 27/9, cổ phiếu SLS đã leo lên mức đỉnh lịch sử 205.900 đồng/cổ phiếu. Điều này đồng nghĩa với việc, để sở hữu lô tối thiểu 100 cổ phiếu, nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra khoảng 20,59 triệu đồng, đổi lại sẽ nhận được 2 triệu đồng tiền cổ tức.
Ban đầu, công ty dự kiến chi trả cổ tức ở mức 100%. Tuy nhiên, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 5/9, một số cổ đông đã đề nghị nâng tỷ lệ lên mức từ 200-250% và phương án này đã được thông qua, trở thành mức chi trả cổ tức cao nhất kể từ khi niêm yết của công ty. Với gần 9,8 triệu cổ phiếu SLS đang lưu hành, Mía đường Sơn La dự kiến phải chi gần 196 tỷ đồng cho đợt cổ tức lần này.
Ông Đặng Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, hiện sở hữu 963.878 cổ phiếu SLS, tương đương 9,84% vốn điều lệ. Mẹ ông - bà Trần Thị Thái, nắm giữ 2,69 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ lớn nhất với 27,43%.
Ngoài ra, các thành viên khác trong gia đình ông cũng có cổ phần đáng kể, như ông Trần Ngọc Hiếu, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, sở hữu 131.731 cổ phiếu (1,35%) và vợ ông Hiếu - bà Tạ Ngọc Hương, nắm giữ 283.292 cổ phiếu (2,89%). Ông Hiếu là em trai của bà Trần Thị Thái.
Mặc dù đối diện nhiều thách thức từ thời tiết phức tạp và tác động của El Nino, Mía đường Sơn La đã ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong niên độ 2023-2024. Doanh thu thuần của công ty đạt 1.412 tỷ đồng, vượt 35% kế hoạch, trong khi lợi nhuận trước thuế đạt 532 tỷ đồng, vượt xa kỳ vọng với 288,6%. Lợi nhuận sau thuế cũng đạt 526 tỷ đồng, vượt 284,2% so với kế hoạch ban đầu.
Tuy nhiên, khó khăn vẫn hiện hữu khi công ty đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng kéo dài và mưa lớn bất thường, gây thiệt hại không nhỏ đến diện tích trồng mía. Dự kiến, diện tích thu hoạch vụ 2024-2025 chỉ đạt 92,68% so với kế hoạch, với khoảng 40ha bị mất trắng do ngập úng và sạt lở. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất mía trong vụ tới.
Niên độ 2024-2025, Mía đường Sơn La đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 1.097 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 150 tỷ đồng, giảm lần lượt 22% và 72% so với niên độ trước.
Thúy An
Nguồn Thương Gia : https://thuonggiaonline.vn/nhung-doanh-nghiep-tra-co-tuc-bang-tien-mat-cao-chot-vot-voi-ty-le-200-post554953.html