Những đòn đánh quyết định trong Chiến dịch Tây Nguyên-Bài 1: Buôn Ma Thuột - 'đòn điểm huyệt chiến lược'

Những đòn đánh quyết định trong Chiến dịch Tây Nguyên-Bài 1: Buôn Ma Thuột - 'đòn điểm huyệt chiến lược'
2 ngày trướcBài gốc
Thất bại ở Buôn Ma Thuột (11-3-1975) là một cú sốc lớn dẫn đến quyết định triệt thoái khỏi Tây Nguyên của ngụy quyền Sài Gòn. Đó không chỉ là thất bại chiến lược về phương diện quân sự, mà còn tạo nên chấn động dữ dội về tâm lý của hệ thống ngụy quân và ngụy quyền Sài Gòn.
Đánh giá sát tình hình
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) cho biết: Tháng 4-1973, Bộ Tổng Tham mưu thành lập Tổ trung tâm nhằm nghiên cứu kế hoạch giải phóng miền Nam, do Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng làm Tổ trưởng. Đầu năm 1975, bản kế hoạch qua 8 lần chỉnh sửa đã hoàn tất sau khi được Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo. Theo đó, địa bàn Tây Nguyên là chiến dịch mở màn với trận then chốt là Buôn Ma Thuột.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, từ thực tiễn so sánh lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường Tây Nguyên; từ vị thế của địa bàn chiến lược Tây Nguyên nói chung và của Buôn Ma Thuột nói riêng; đặc biệt là kết quả hoạt động quân sự của chúng ta trên chiến trường này từ xuân hè 1972, tạo thế thường xuyên vây ép Kon Tum và Pleiku... khiến ngụy quyền và ngụy quân Sài Gòn luôn cho rằng nếu đánh Tây Nguyên, chắc chắn Quân giải phóng sẽ tiến công khu vực Bắc Tây Nguyên, đánh vào Kon Tum và Pleiku. Chúng không nghĩ rằng ta sẽ đánh Buôn Ma Thuột. Nhận định này của đối phương càng được củng cố khi chúng ta thực hiện xuất sắc hoạt động nghi binh chiến dịch trước khi trận Buôn Ma Thuột diễn ra. Có thể nói, đây là lựa chọn rất sáng suốt.
Quân giải phóng tiến vào giải phóng Buôn Ma Thuột, tháng 3-1975. Ảnh tư liệu
Phân tích việc lựa chọn Buôn Ma Thuột để đánh trận then chốt quyết định, đòn mở đầu tiến công chiến lược năm 1975, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, cho rằng: Đập tan Buôn Ma Thuột sẽ làm rung chuyển toàn bộ Tây Nguyên, từ đó có thể phát triển xuống đồng bằng Khu 5 và vào Nam Bộ. Tuy nhiên, trước khi cuộc tiến công chiến lược năm 1975 mở ra, quân chủ lực địch ở miền Nam còn rất mạnh, chúng bố trí lực lượng mạnh ở hai đầu chiến tuyến. Xét tổng thể, địch tuy có lực lượng quân sự khá lớn nhưng lại bị dàn mỏng ra trên 4 quân khu khắp miền Nam, nên lực lượng bị phân tán, đặc biệt là bố trí quân theo chiều dài, dọc ven biển miền Trung, bộc lộ nhiều chỗ yếu và sơ hở, nhất là Tây Nguyên. Nếu tiến công Pleiku-đầu não của Quân khu 2 địch, nằm án ngữ trục Đường 19 quan trọng, ta chưa đủ khả năng, nên địch phán đoán ta sẽ tiến công Kon Tum. Các nơi khác như Gia Nghĩa, Đức Lập chỉ là thị trấn nhỏ, không đáng quan tâm. Với Buôn Ma Thuột thì việc bảo đảm vật chất và cơ động lực lượng ta vào sâu sẽ gặp khó khăn, nên chúng ít phòng bị.
Dàn trận hoàn hảo
Để tạo được ưu thế về lực lượng, phương tiện cho đòn mở đầu tiến công chiến lược, nhất là về lực lượng trong trận then chốt quyết định, đầu năm 1975, Bộ Tổng Tham mưu điều Sư đoàn 968 từ chiến trường Nam Lào sang thay thế cho Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 ở Bắc Kon Tum và Pleiku; Sư đoàn 316 từ miền Bắc vào tham gia tiến công mục tiêu then chốt Buôn Ma Thuột. Lúc này, Sư đoàn 3 và các trung đoàn đang chiến đấu ở Tây Nguyên cùng LLVT các địa phương, nên ta đã tạo được ưu thế áp đảo lực lượng đối với địch. Mặt khác, theo phương án tác chiến, ta đẩy mạnh hoạt động tác chiến trên các chiến trường Trị Thiên, miền Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long để kìm giữ lực lượng tổng dự bị chiến lược của địch, tạo thế trận lợi hại nhằm phân tán địch, giảm áp lực về lực lượng cho Tây Nguyên.
Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Khuất Duy Tiến (1931-2024) nhiều lần chia sẻ với chúng tôi: Để địch tin rằng ta chuẩn bị tiến công vào hướng Bắc của Tây Nguyên, ta điều động Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 vào Đắk Lắk, để lại toàn bộ cụm điện đài, tổ báo vụ, các trang bị thông tin quan trọng khác và đường dây hữu tuyến, tiếp tục phát các báo cáo, mệnh lệnh giả như đang hoạt động bình thường cùng hoạt động của tổ đài 15W. Để hoàn thành kế nghi binh hoàn hảo, ta bí mật cơ động lực lượng theo kiểu “đèn cù” qua các cánh rừng cao su, cà phê và hai con sông Pô Kô, Sêrêpôk, điều mà địch không ngờ tới. Ta thực hiện cơ động nhiều lần rồi mới di chuyển chính thức.
Phối hợp với các hoạt động cơ động lực lượng, ta sử dụng lực lượng nhỏ liên tiếp đánh vào phía Đông và Tây Đường 19, phía Bắc của thị xã Kon Tum, sử dụng lực lượng đặc công đánh phá kho xăng Pleiku và tung tin ta sẽ tiến công Pleiku, địch buộc phải điều phần lớn lực lượng của Sư đoàn 23 (lúc này đang sục sạo để tìm dấu vết hoạt động của Sư đoàn 10, Sư đoàn 320 ở Nam Tây Nguyên) về giữ Thanh An và Pleiku. Bên cạnh các hoạt động cơ động lực lượng, ta cho mở các tuyến đường ở Bắc Tây Nguyên. Những hoạt động này của ta đã làm cho địch phán đoán ta sẽ tiến công Kon Tum, địch sử dụng các liên đoàn biệt động để đối phó với ta ở khu vực này. Vì thế, ở Buôn Ma Thuột lúc này, địch chỉ còn Trung đoàn 53 (Sư đoàn 23), Bộ chỉ huy Tiểu khu Đắk Lắk, 2 chi đoàn thiết giáp, 2 tiểu đoàn pháo binh với lực lượng khoảng 8.000 tên.
Sau khi dàn trận hoàn hảo, rạng sáng 10-3-1975, quân ta mở màn trận Buôn Ma Thuột. Bằng tác chiến hiệp đồng binh chủng, Quân giải phóng liên tiếp đập tan hành động chống cự và phản kích của địch. Trưa 11-3-1975, cờ giải phóng bay trên nóc hầm chỉ huy của Sư đoàn 23 ngụy, thị xã Buôn Ma Thuột cơ bản được giải phóng.
Ý nghĩa của "đòn điểm huyệt chiến lược"
Chia sẻ với chúng tôi về ý nghĩa của Chiến thắng Buôn Ma Thuột cách đây tròn nửa thế kỷ, Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, cho hay: Chiến thắng của trận then chốt Buôn Ma Thuột không chỉ ở tầm chiến dịch mà đã mang tầm chiến lược, buộc địch phải rút chạy khỏi Tây Nguyên. Chiến thắng Buôn Ma Thuột không chỉ khẳng định tư duy chiến lược đúng đắn, sắc sảo của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, khẳng định tài năng quân sự của Bộ tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên, mà còn chứng minh thế và lực của ta đã có bước phát triển vượt bậc. Ở Tây Nguyên lúc đó, trên thực tế đã hình thành khối chủ lực mạnh, gồm lực lượng binh chủng hợp thành, xe tăng, pháo binh, đặc công, kết hợp chặt chẽ với LLVT và nhân dân địa phương. Chiến thắng Buôn Ma Thuột đã trực tiếp dẫn đến ta giải phóng và làm chủ Pleiku, Kon Tum, truy đuổi địch rút chạy, làm tan rã tinh thần quân địch, cổ vũ ý chí quyết tâm, tinh thần chiến đấu của bộ đội và nhân dân ta.
Sau trận đánh ở Buôn Ma Thuột, tướng Mỹ Charles Timmes, cố vấn ngụy quyền Sài Gòn, thừa nhận: “Bằng nghi binh qua làn sóng điện, Việt Nam đã thành công trong kế hoạch giam chân bộ phận chủ yếu của quân đội Sài Gòn thuộc Quân khu 2 ở Pleiku và Kon Tum”. Còn Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng ngụy quân Sài Gòn, chua chát: “Kế hoạch tái chiếm Buôn Ma Thuột cũng bị thất bại và quân đoàn không còn quân. Cộng sản chiếm được Kon Tum và Pleiku không tốn một viên đạn". Ngay sau Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định thành lập Quân đoàn 3-Binh đoàn Tây Nguyên, trực tiếp nâng sức mạnh tiến công, chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược giải phóng Sài Gòn sau đó.
Chiến thắng Buôn Ma Thuột chứng minh bước phát triển mới của nghệ thuật quân sự, trong đó đặc biệt xuất sắc là ta đã giải quyết đúng, có hiệu quả toàn bộ hoạt động nghi binh cả ở tầm chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. Đó là nghệ thuật tổ chức và xây dựng LLVT 3 thứ quân ngay trên chiến trường trọng điểm Tây Nguyên; là nghệ thuật sử dụng lực lượng chủ lực của Tây Nguyên đúng sở trường, phát huy tốt khả năng bám sát thực tiễn, am hiểu địa hình, địa vật chiến trường của các đơn vị đã đứng chân trên Tây Nguyên; là tổ chức làm công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo và thực hành tác chiến hiệp đồng binh chủng hết sức hiệu quả giữa đặc công, bộ binh, xe tăng và pháo binh, hiệp đồng chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực với LLVT địa phương cùng nhân dân... Trong trận tiến công Buôn Ma Thuột, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Đắk Lắk, trực tiếp là Thị ủy Buôn Ma Thuột, nhân dân và LLVT địa phương không chỉ góp công sức chuẩn bị chiến trường, kéo căng lực lượng địch ngay tại khu vực, mà còn là "tai mắt" giúp bộ đội chủ lực nắm chắc địch, là nhân tố cùng với đại ngàn Tây Nguyên bảo vệ và giữ bí mật tuyệt đối cho trận then chốt này. Đó thật sự là nghệ thuật quân sự thiên biến vạn hóa, nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân.
“Chiến thắng Buôn Ma Thuột chứng minh vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của địa bàn chiến lược Tây Nguyên nói chung và Buôn Ma Thuột nói riêng. Vị trí đó, vai trò đó không chỉ là yếu tố mang tính khách quan mà còn mang đậm dấu ấn chủ quan. Chính con người kết hợp với vùng đất này đã làm nên lịch sử. Đối với ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn lúc đó, trận thua ở Buôn Ma Thuột đã in đậm dấu ấn thất bại mang tầm chiến lược bởi sai lầm chiến lược của cả Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn. Đối với nhân dân ta, dân tộc ta, Chiến thắng Buôn Ma Thuột khẳng định sức mạnh của con người trên vùng đất lịch sử”, Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo nhấn mạnh.
(còn nữa)
SƠN BÌNH - DUY ĐÔNG
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/50-nam-dai-thang-mua-xuan-1975/nhung-don-danh-quyet-dinh-trong-chien-dich-tay-nguyen-bai-1-buon-ma-thuot-don-diem-huyet-chien-luoc-821809