Những đóng góp của Thanh Hóa khi đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc

Những đóng góp của Thanh Hóa khi đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc
4 giờ trướcBài gốc
Cách đây tròn 70 năm, sau thắng lợi của Chiến cuộc Đông - Xuân 1953 – 1954, đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Việt Nam và các nước Đông Dương được ký kết.
Thanh Hóa đón đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc tại Cảng Hới (TP Sầm Sơn) năm 1954. Ảnh: tư liệu
Theo Hiệp định, trước mắt nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào công cuộc xây dựng CNXH; miền Nam tạm thời do Pháp quản lý, tiếp tục công cuộc đấu tranh để thống nhất nước nhà. Vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị) được lấy làm giới tuyến quân sự tạm thời.
Hiệp định cũng nêu rõ thời gian chuyển vùng, chuyển quân hai bên trong vòng 300 ngày kể từ ngày 21/7/1954; sau hai năm, hai miền sẽ tổ chức hiệp thương và tổng tuyển cử để thống nhất đất nước.
Hiệp định ký kết chưa ráo mực, đế quốc Mỹ vội vã vào miền Nam nước ta, nhanh chóng hất cẳng Pháp và tay sai, đưa Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền, dựng lên ở miền Nam một chế độ độc tài phát xít làm công cụ chống lại nhân dân miền Nam, nhằm thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, làm bàn đạp tấn công miền Bắc.
Với tầm nhìn xa, trông rộng, thấy trước dã tâm của kẻ thù, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định bố trí một bộ phận cán bộ, đảng viên ở lại miền Nam để lãnh đạo cuộc chiến đấu và chuyển hàng vạn đồng bào, con em các gia đình cách mạng đi cùng với bộ đội và cán bộ tập kết ra Bắc để tiếp tục học tập, nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ vừa phục vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam và tái thiết đất nước sau chiến tranh.
Chỉ hơn một tháng sau Hiệp định Giơnevơ, ngày 31/8/1954, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 87-CT/TW “Về việc đón tiếp bộ đội, thương binh, một số cán bộ và đồng bào miền Nam ra Bắc”; trong đó, yêu cầu: “Việc đón tiếp, phân phối công tác, tìm nơi tạm ở và công ăn, việc làm cho số người nói trên cần phải làm thật chu đáo và có kết quả thật tốt,... Phải làm cho cán bộ và nhân dân nhận thấy việc đón tiếp và giúp đỡ này là một nghĩa vụ và cũng là một vinh dự của mình… Cần đề cao tinh thần yêu nước, yêu mến đồng bào miền Nam, đề cao tinh thần đoàn kết của nhân dân, cán bộ và bộ đội toàn quốc đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất và hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc”.
Cuộc chuyển quân tập kết ra Bắc lần này là đợt chuyển quân đặc biệt, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Bác Hồ, làm sáng ngời chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.
Trong thời điểm lịch sử trọng đại ấy, tỉnh Thanh Hóa vinh dự là một trong những địa phương đầu tiên được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết.
Khu vực cửa Lạch Hới, xã Quảng Tiến, nay là phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn được lựa chọn là điểm đầu tiên đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết
Theo kế hoạch, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An dự kiến đón tiếp 6 đến 7 vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên và một số địa phương ở miền Nam ra. Thực hiện kế hoạch, Thanh Hóa đã tổ chức đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tại các địa điểm, như: Sầm Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa…
Khu vực cửa Lạch Hới, xã Quảng Tiến, nay là phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn được lựa chọn là điểm đầu tiên đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết.
Vào những năm tháng đó, đời sống Nhân dân miền Bắc nói chung, đồng bào Thanh Hóa nói riêng hết sức khó khăn, thiếu thốn do bị chiến tranh và thiên tai tàn phá nặng nề. Ở nhiều huyện trong tỉnh, đê điều bị vỡ, sạt lở; Nhân dân trong tỉnh rơi vào nạn đói gay gắt. Từ một vài huyện ban đầu, dần dần nạn đói lan rộng ra khắp toàn tỉnh.
Vượt lên tất cả những khó khăn, gian khổ, phát huy truyền thống quê hương cách mạng và vai trò hậu phương lớn của nhiều cuộc kháng chiến; với trách nhiệm lớn lao trước Trung ương Đảng và tình cảm sâu nặng “Bắc - Nam một nhà”, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực khắc phục khó khăn, “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, vừa tập trung khôi phục cơ sở hạ tầng sau chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, vừa khẩn trương chuẩn bị cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và những điều kiện cần thiết để đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh, cùng nhiều gia đình cách mạng miền Nam ra tập kết, như đón những người thân yêu ruột thịt của mình.
Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo mượn nhà dân để thành lập và tổ chức 12 trạm đón tiếp. Ngành y tế đã xây dựng một trạm cấp cứu tại Sầm Sơn, 2 trạm y tế đặt ở 2 xã Hoằng Quang và Hoằng Lộc (huyện Hoằng Hóa), xây bệnh xá ở xã Thiệu Đô để kiểm tra sức khỏe; đồng thời, chỉ đạo các địa phương đóng góp lương thực và các nhu yếu phẩm cần thiết giúp đỡ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết.
Sự đón tiếp chu đáo, tận tình và tình cảm đằm thắm của đồng bào Thanh Hóa đã làm ấm lòng những người con miền Nam trên đất Bắc.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các huyện: Nông Cống, Đông Sơn ủng hộ 600 con bò, 700 con lợn, 15.000 con gà, con vịt và 12 vạn quả trứng; các huyện miền núi đóng góp hàng chục bè luồng, nứa, hàng vạn lá kè để xây dựng 1.000 gian nhà; huyện Như Xuân, Cẩm Thủy cung cấp trên 1 vạn cây gỗ, hàng trăm tấn củi; các huyện trung du cung cấp 20 vạn bao thuốc lá, trên 1 vạn kg cà chua, 3 tấn cá và 415 kg mục nhỉ.
Các huyện Nga Sơn, Quảng Xương cung cấp 8.384 đôi chiếu; các huyện Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định may 2.800 màn cá nhân, 1.000 màn đôi, 4.100 mền chăn và 1.450 cốt áo bông. Các huyện Đông Sơn, Quảng Xương, thị xã Thanh Hóa cung cấp 49.000 bộ quần áo và 6.161 đôi dép cao su.
Được lựa chọn làm nơi đón tiếp 225 cụ già, huyện Vĩnh Lộc đã chỉ đạo nhân dân hai xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Phúc bố trí đón tiếp các cụ về an dưỡng trên quê hương mình trong suốt 7 năm. Trong những ngày ấy, khắp mọi miền trong tỉnh, từ các thôn, xóm, bản, làng, trên các nẻo đường đều hướng về Sầm Sơn, chào đón những người con thân yêu từ miền Nam ra Bắc.
Tuy còn khó khăn, nhưng nhiều gia đình ở Thanh Hóa đã “nhường cơm sẻ áo”, giành những gì tốt nhất có thể cho những người thân yêu từ miền Nam ra tập kết.
Những đồ dùng sinh hoạt của các gia đình đã sử dụng phục vụ nuôi học sinh tập kết ra Bắc.
Sau công tác đón tiếp, ổn định sức khỏe cho từng người, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam đã được đưa đến các tỉnh, thành của miền Bắc, như: Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng… để lao động, học tập và công tác. Đối với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ở lại, đã được tỉnh Thanh Hóa chăm sóc, nuôi dưỡng, giúp đỡ trong học tập, công tác, phát triển sản xuất, bảo đảm đời sống lâu dài.
Trong thời gian chưa đầy 1 năm, Thanh Hóa đã tổ chức đón tiếp 7 đợt, với 1.869 thương bệnh binh, 47.346 cán bộ, 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ miền Nam; là địa phương đón số lượng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc nhiều nhất cả nước.
Thanh Hóa đã đầu tư xây dựng trường học sinh miền Nam số 9 tại xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương nhằm đáp ứng yêu cầu học tập của con em đồng bào, cán bộ miền Nam, góp phần đào tạo, bồi dưỡng những “hạt giống đỏ” cho cách mạng miền Nam và cho phát triển đất nước…
Sống trong vòng tay yêu thương trên đất Bắc, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, hàng ngàn, hàng vạn người con phương Nam đã sống và chiến đấu cho cả hai miền. Nhiều đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam đã không ngừng ra sức học tập, lao động, sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; xem nơi tập kết là quê hương thứ hai của mình.
Trong số những đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, nhiều người đã trở thành cán bộ, lãnh đạo chủ chốt các cấp, các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, các nhà khoa học đầu ngành ở nhiều lĩnh vực
Nhiều người sau khi dưỡng bệnh, học tập, rèn luyện đã tự nguyện làm đơn lên đường nhập ngũ, kề vai sát cánh cùng đồng chí, đồng đội, trở lại quê hương, xông pha khắp các chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhiều con em học sinh của đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc được Đảng, Nhà nước đào tạo không ngừng trưởng thành; nhiều người đã trở thành những cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các tướng lĩnh quân đội, công an, các nhà giáo, bác sỹ, nhà khoa học, các doanh nhân thành đạt, các văn nghệ sĩ nổi tiếng… đã và đang mang tâm sức cống hiến cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Hà Anh
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/nhung-dong-gop-cua-thanh-hoa-khi-don-tiep-dong-bao-can-bo-chien-si-va-hoc-sinh-mien-nam-tap-ket-ra-bac-post316698.html