Thời gian qua, TP.HCM đã đẩy nhanh thực hiện các dự án nhằm chỉnh trang đô thị, giải quyết hàng loạt vấn đề về môi trường, chống ngập…
Để hiểu rõ hơn những nỗ lực, cũng như những khó khăn gặp phải và kế hoạch thực hiện các dự án trong thời gian tới, PV báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Đậu An Phúc (ảnh), Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (Ban hạ tầng) TP.HCM.
Khởi công hai dự án cải tạo môi trường với quy mô lớn
. Phóng viên: Việc chỉnh trang đô thị, xóa nhà tạm trên - ven kênh rạch luôn là vấn đề người dân TP rất quan tâm, ông có thể thông tin thêm về các dự án trọng điểm đang được triển khai trên địa bàn TP? Những dự án hạ tầng môi trường nào dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay, thưa ông?
+ Ông Đậu An Phúc: Trong thời gian vừa qua, Ban hạ tầng đã triển khai thực hiện nhiều dự án trọng điểm với đa mục tiêu về chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân trong khu vực.
Ông Đậu An Phúc cho biết trong năm nay sẽ khởi công hai dự án là dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm qua hai quận Bình Thạnh, Gò Vấp và dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ bắc kênh Đôi trên địa bàn quận 8.
Có thể kể đến các dự án bao gồm: Vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn 2; xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai qua sông Sài Gòn);
Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp; nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ bắc kênh Đôi trên địa bàn quận 8; nạo vét trục thoát nước rạch Xóm Củi.
Trong đó, dự kiến có ba dự án hoàn thành trong năm 2025 là dự án vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn 2; dự án nạo vét trục thoát nước rạch Xóm Củi; hoàn thành và thông xe toàn tuyến dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai qua sông Sài Gòn).
Dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: NGUYỄN CHÂU
Đồng thời, trong năm nay, chúng tôi sẽ khởi công hai dự án là dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp vào tháng 3-2025 (dự kiến hoàn thành dự án năm 2028) và dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ bắc kênh Đôi trên địa bàn quận 8 vào quý III-2025 (hoàn thành vào năm 2028).
Dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ bắc kênh Đôi trên địa bàn quận 8 sẽ xây dựng khoảng 4,3 km kè phía bờ bắc kênh Đôi; mở rộng đường giao thông dọc bờ bắc kênh Đôi theo quy hoạch; xây dựng mới tuyến đường Nguyễn Duy nối dài; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên tuyến...
Khó khăn lớn nhất là giải phóng mặt bằng
. Có thể thấy hiện TP đang thi công trên diện rộng với dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kênh dài nhất TP.HCM, vốn đầu tư hơn 9.000 tỉ đồng), xin ông thông tin thêm về tiến độ và thời gian hoàn thành của dự án này, thưa ông?
+ Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn) là dự án trọng điểm thuộc Đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2045.
Dự án sẽ thực hiện nạo vét trên toàn tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên với chiều dài 31,46 km; kè bờ toàn tuyến với tổng chiều dài 63,11 km; xây dựng tuyến đường giao thông hai bên bờ kênh với chiều dài 63,41 km; đồng thời hoàn thiện hạ tầng thoát nước, công viên, cây xanh, chiếu sáng và 12 bến thuyền.
Tiến độ chung của dự án tính đến nay đạt trên 45%, dự kiến hoàn thành và thông xe toàn tuyến trước ngày 31-12.
Dự án này sẽ giải quyết đa mục tiêu là chỉnh trang đô thị, cải thiện ô nhiễm môi trường, kết nối giao thông. Sau khi dự án hoàn thành sẽ góp phần xây dựng TP.HCM hiện đại, thay đổi điều kiện sống cho dân cư ven rạch, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, cải thiện môi trường và nâng cao khả năng chống ngập của TP.
Việc hình thành tuyến giao thông đường thủy, đường bộ liên kết khu vực của TP sau khi dự án này hoàn thành cũng sẽ là tiền đề, động lực phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
. Xin ông có thể chia sẻ thêm về thuận lợi, khó khăn, thách thức khi thực hiện những dự án hạ tầng môi trường có số vốn rất lớn của TP (bờ bắc kênh Đôi có vốn hơn 7.300 tỉ đồng, rạch Xuyên Tâm hơn 9.660 tỉ đồng…)?
+ Về thuận lợi, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, Ban hạ tầng luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao từ các cấp lãnh đạo Thành ủy, HĐND TP, UBND TP, sự giúp đỡ nhiệt tình của các sở ngành, quận huyện liên quan, sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân tại các địa phương nơi thực hiện dự án.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các dự án cũng gặp phải một số khó khăn, thách thức làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. Cụ thể như công tác chậm bàn giao mặt bằng của một số địa phương, sự thiếu hụt nguồn cung cấp vật liệu xây dựng (cát, đá), giá vật liệu lên cao và thủ tục triển khai công tác di dời hạ tầng kỹ thuật.
Theo nhận định của Ban hạ tầng, khó khăn, thách thức lớn nhất đối với các dự án trên chính là công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Ban hạ tầng mong rằng trong thời gian sắp tới, UBND các quận 8, Bình Thạnh, Gò Vấp sẽ triển khai và gặp nhiều thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư để chủ đầu tư có thể khởi công, hoàn thành dự án theo tiến độ đề ra.
Bên cạnh đó, Ban hạ tầng cũng kiến nghị các sở chuyên ngành hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại công trường để đảm bảo tiến độ thi công, đồng thời các đơn vị quản lý hạ tầng phối hợp chặt chẽ để di dời hạ tầng kỹ thuật phù hợp với tiến độ chủ đầu tư.
. Xin cảm ơn ông.•
NGUYỄN CHÂU