Nhận thức chung trong một thế giới phân cực
Sự phân cực có thể hiểu là sự phân chia thành hai phần đối lập rõ rệt, đặc biệt là một trạng thái trong đó quan điểm, niềm tin hoặc lợi ích của một nhóm hoặc một xã hội không còn diễn ra liên tục mà trở nên tập trung ở các thái cực đối lập. Từ này đã được sử dụng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Hãng thông tấn MSNBC nhận xét rằng: “Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2024 đã khiến đất nước chúng ta phân cực hơn bao giờ hết”. Từ này cũng được dùng để mô tả sự chia rẽ ngoài cuộc bầu cử, như khi Forbes cảnh báo rằng ở nơi làm việc, “sự phân cực về văn hóa đang trở thành một thách thức cấp bách”.
Chúng ta vẫn biết ở đây đó, thậm chí ngay cả trong một quốc gia, vẫn có những khác biệt trong việc tìm hiểu giáo lý nhà Phật và phương thức hành trì tu tập tùy theo tông phái, bộ phái... Tuy nhiên, chúng ta hãy cùng ngồi lại trong dịp cuối năm để xem những giá trị vĩnh hằng nào Phật giáo đã gìn giữ phát triển trong hàng nghìn năm qua và ảnh hưởng của những giá trị ấy trong đời sống và với tư cách những người viết báo, lập ngôn, chúng ta có trách nhiệm tán thán và tôn vinh những giá trị ấy theo cách thực tiễn nhất.
Những giá trị vĩnh hằng
Lòng từ bi (Compassion-Karuna)
Tại một cuộc hội thảo bàn tròn về “Tôn giáo và tự do” với sự tham dự của ngài Dalai Lama và thần học gia người Brazil Leonardo Boff. Boff viết:
Lúc tạm nghỉ, tôi hỏi ngài Dalai Lama với thái độ vừa tinh nghịch vừa tò mò: “Thưa ngài, tôn giáo nào tốt nhất?”. Tôi nghĩ ngài sẽ nói: “Phật giáo Tây Tạng” hoặc “Các tôn giáo phương Đông, lâu đời hơn Ki-tô giáo nhiều”.
Đức Dalai Lama trầm ngâm giây lát, mỉm cười và nhìn vào mắt tôi… Điều này làm tôi ngạc nhiên vì tôi biết đây là một câu hỏi ranh mãnh. Ngài trả lời: “Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo đưa anh đến gần Đấng tối cao nhất. Là tôn giáo biến anh thành con người tốt hơn”.
Tri kiến về Duyên khởi giúp ta nhìn ra sự thống nhất của vạn vật và khiến ta có trách nhiệm hơn với tha nhân và môi trường. Nó cho thấy, mọi hiện hữu trong thế giới này đều vận hành theo nguyên tắc của sự tương thuộc, tương quan lẫn nhau. Sự vật, hiện tượng này sinh khởi do hội đủ điều kiện hỗ trợ cho sự sinh khởi ấy. Và ngược lại, sự vật, hiện tượng chấm dứt hay hoại diệt khi các điều kiện, các thành phần, yếu tố cấu tạo nên chúng thay đổi hay không còn nữa.
Để giấu sự bối rối của tôi trước một câu trả lời đầy khôn ngoan như thế, tôi hỏi: “Cái gì làm tôi tốt hơn?”.
Ngài trả lời:
“Tất cả cái gì làm anh: Biết thương cảm hơn, biết theo lẽ phải hơn, biết từ bỏ hơn, dịu dàng hơn, nhân hậu hơn, có trách nhiệm hơn, có đạo đức hơn”.
Ngài nói tiếp: “Anh bạn tôi ơi! Tôi không quan tâm đến tôn giáo của anh. Điều thật sự quan trọng đối với tôi là cách cư xử của anh đối với người đồng đẳng, gia đình, công việc, cộng đồng và đối với thế giới. Hãy nhớ rằng vũ trụ dội lại hành động và tư tưởng của chúng ta. Quy luật của hành động và phản ứng không chỉ dành riêng cho vật lý. Nó cũng được áp dụng cho tương quan con người. Nếu tôi ở hiền, thì tôi gặp lành. Nếu tôi gieo gió, thì tôi gặt bão. Những gì ông bà nói với chúng ta là sự thật thuần túy. Chúng ta luôn nhận được những gì chúng ta mong muốn cho người khác. Hạnh phúc không phải là vấn đề số mệnh. Đó là vấn đề lựa chọn”.
Cuối cùng ngài nói: “Không có tôn giáo nào cao trọng hơn sự thật”.
Trong cuốn sách Beyond Religion, Ethics for a Whole World, Dalai Lama từng ví Phật giáo và Thiên Chúa giáo như trà và cà-phê, lòng từ bi là nước. Tôn giáo nào mà không dựa trên lòng từ bi cũng không thể tồn tại và phát triển.
Chánh niệm hay tỉnh thức
Chánh niệm (Mindfulness) là khả năng nhận thức và sống trong giây phút hiện tại với sự tỉnh thức hoàn toàn, nuôi dưỡng tuệ giác, sự tập trung và sự kiên định cảm xúc trong một thế giới biến đổi nhanh. Hiểu đơn giản hơn là khi ta ý thức được ta đang ở đâu, đang làm những gì với thái độ không phán xét, không phản ứng thái quá hoặc bị choáng ngợp với những gì diễn ra xung quanh.
Các nghiên cứu cụ thể về lợi ích của chánh niệm, ứng dụng trong việc “chữa lành” tâm lý đã khẳng định thực hành chánh niệm giúp cải thiện trí nhớ; cải thiện giấc ngủ; tăng cảm giác hạnh phúc; kiểm soát nóng giận tốt hơn, nâng cao khả năng nhận thức, giảm căng thẳng, lo lắng và trầm cảm, giảm chứng đau nửa đầu và các chứng đau mãn tính, cải thiện các mối quan hệ nhờ kết nối và tương tác tốt với mọi người. Ngoài ra, còn có thể kể đến việc thực tập chánh niệm giúp giảm cân và chứng rối loạn ăn uống, từ đó ăn uống chánh niệm giúp bạn xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh hơn.
Chánh niệm đã trở thành một phong trào (trend) trên thế giới, được các doanh nghiệp, cơ quan công quyền, kể cả lực lượng quân đội, trường học áp dụng. Rất nhiều trung tâm chữa lành dùng chánh niệm như một phương pháp trị liệu.
Không chấp trước (Non-Attachment-Vairagya)
Đạo Phật dạy chúng ta không chấp trước cảm xúc vướng mắc và bám víu vào đời sống vật chất, vốn được xem là nguồn gốc của khổ, đồng thời khiến nội tâm an bình hơn và thoát khỏi những ham muốn thái quá. Đức Phật nói người cố chấp góp phần làm cho Chánh pháp băng hoại. Ngài dạy: “Này các Tỳ-kheo, các Tỳ-kheo nào là những người khó nói, đầy đủ những tánh khiến họ trở thành khó nói, khó kham nhẫn, không cung kính đón nhận khi được giảng dạy. Đây là pháp khiến diệu pháp hỗn loạn và biến mất” (Tăng chi bộ kinh, chương V, phẩm XVI, kinh số 156: Diệu pháp hỗn loạn).
Là người học Phật, câu “Duy tuệ thị nghiệp” ai cũng ghi nhớ. David Loy phát biểu ý này bằng cách nói khác, rằng: “Mục đích của đạo Phật là sử dụng trí tuệ để chuyển hóa cá nhân và xã hội” (The goal of the Buddhist path is wisdom in service of personal and social transformation).
Cố chấp thuộc về kiến thủ, tà kiến và biên kiến, là những món căn bản phiền não, gốc rễ sâu dày, đừng mong bứng một lần là lên ngay! Một hình tượng gần gũi giúp chúng ta có thể dễ dàng liên tưởng về người cố chấp là những con tằm kéo kén để rồi tự ràng buộc mình vào trong tổ kén bịt bùng và chật chội ấy. Người cố chấp cũng như thế.
Hiểu về lý Duyên khởi và sự tương tức tương sinh (Interconnectedness-Pratītyasamutpāda)
Thuyết Duyên khởi của đạo Phật cho rằng, đời sống hay thế giới này tạo thành là do một chuỗi tương quan liên hệ, trong đó sự sinh khởi và hoại diệt của các yếu tố tùy thuộc một số yếu tố khác làm điều kiện cho chúng. Kinh điển Phật giáo diễn tả khái quát nội dung này bằng đoạn kinh sau: “Do cái này có mặt, cái kia có mặt/ Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt/ Do cái này sinh, cái kia sinh/ Do cái này diệt, cái kia diệt”.
Tri kiến về Duyên khởi giúp ta nhìn ra sự thống nhất của vạn vật và khiến ta có trách nhiệm hơn với tha nhân và môi trường. Nó cho thấy, mọi hiện hữu trong thế giới này đều vận hành theo nguyên tắc của sự tương thuộc, tương quan lẫn nhau. Sự vật, hiện tượng này sinh khởi do hội đủ điều kiện hỗ trợ cho sự sinh khởi ấy. Và ngược lại, sự vật, hiện tượng chấm dứt hay hoại diệt khi các điều kiện, các thành phần, yếu tố cấu tạo nên chúng thay đổi hay không còn nữa. Và ngay cả các điều kiện hỗ trợ này cũng lại tùy thuộc vào các yếu tố, điều kiện khác để sinh khởi, tồn tại và hoại diệt.
Xả vô lượng tâm (Equanimity-Upekkhā)
Đạo Phật khuyến khích ta huân tập tâm tĩnh lặng, an nhiên đối phó với thăng trầm của cuộc đời với sự bình thản. Vậy, upekkhā là để tâm quân bình, vô tư, không luyến ái cũng không ghét bỏ, không ưa thích cũng như không bất mãn trước tất cả những tình huống của cuộc đời. Tâm xả ví như lá sen, nó không hề giữ lại mà làm trượt đi tất cả những giọt nước dù dơ dù sạch ở bất kỳ đâu rơi đến.
Upekkhā chính là tâm tự tại trước nghịch cảnh, trước những lời phỉ báng, nguyền rủa, khinh rẻ, chỉ trích của người khác. Và, nó cũng bình thản, điềm nhiên trước hạnh phúc, may mắn; lời tán dương, khen ngợi... của mọi người đối với chính mình. Nói tóm, là trước những thành bại, được mất, hơn thua, khen chê, vui khổ... tâm upekkhā vẫn điềm nhiên và bình lặng như mặt đất.
Vai trò người làm truyền thông
Với những giá trị vĩnh hằng vừa nêu, giới truyền thông, những người viết, học giả, khi đề cập đến Phật giáo phải tự thấy có trách nhiệm lập ngôn vì Phật pháp là cốt tủy, là suối nguồn tư tưởng Việt.
Nhiều người thường tự hỏi rằng tại sao Phật giáo được gọi là “Akālika”, nghĩa là “không thời gian” (timeless), một giáo lý hiện hữu trong hơn 20 thế kỷ qua. Càng thấy những thay đổi trong Phật giáo, chúng ta càng thấy rõ Phật giáo luôn tự điều chỉnh để đáp ứng mọi đòi hỏi của các dân tộc khác nhau, các nền văn hóa khác nhau trong các thời đại khác nhau, kể cả mọi cá nhân với những dị biệt và tính cách riêng. Nếu Phật giáo tồn tại được và ứng dụng trong thực tiễn ngày nay là do tính “phi thời gian” của Phật giáo bao gồm những giá trị vượt thời gian.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Phật học Mahinda ở Sri Lanka, Giáo sư Frank Lee Woodward (1871-1952), một trong những dịch giả nổi tiếng về lời dạy của Đức Phật, đã từng nói Phật giáo là “tôn giáo tự thân vận động”. Điều đó giải thích có hàng trăm, hàng triệu người chưa bao giờ nghĩ rằng mình theo đạo Phật, hay vào một ngôi chùa Phật giáo nào, cũng như chưa bao giờ thọ giới, quy y, hay có pháp danh, và tự nhủ mình chỉ cần sống theo lương tâm trong sáng của mình, không gây hại cho ai, tử tế với mọi người, là đủ. Đó chính là lối sống mà chúng ta, những người viết báo Phật giáo đang cổ xúy. Vì Đức Phật dạy rất đơn giản, chỉ cần sống tuân thủ năm nguyên tắc: không sát sinh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối và không uống rượu. Đồng thời cần phải tu tập TÂM vì “tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ, tâm tạo tác”.
Nhưng hiện nay xã hội đang bị bủa vây bằng biết bao nhiêu hình ảnh, tin tức, truyền hình, phim, nguy hiểm nhất là những thông tin được truyền tải vô trách nhiệm. Chúng ta phải nghe phải đọc không biết bao nhiêu những tin giật gân (hot news) kiểu “tình-tiền-tù-tội” cha giết con, vợ giết chồng… Nhiều báo hay trang web không chỉ dừng lại ở thông tin mà còn khai thác những chuyện bên lề, mô tả tỉ mỉ tội ác ấy. Loại thức ăn nhiễm độc ấy sẽ thâm nhập tâm hồn người đọc nhanh chóng, nhất là giới trẻ.
Tâm cũng giống như cơ thể nếu chúng ta tiếp nhận những món độc hại, thì tâm thức ta biểu hiện ra y báo, và chánh báo không lành mạnh. Những gì ta thu được qua các giác quan và trí tưởng tượng đều như muôn sông chảy về biển tâm thức. Và thế là những vô minh, hận thù và buồn khổ của chúng ta đều trở về với biển tâm ta. Nếu những phương tiện truyền thông tràn ngập thông tin tai hại thì chắc chắn tâm thức chỉ toàn trạo cử, hôn trầm, giải đãi, phóng dật.
Chúng ta hãy cùng ngồi lại trong dịp cuối năm để xem những giá trị vĩnh hằng nào Phật giáo đã gìn giữ phát triển trong hàng nghìn năm qua và ảnh hưởng của những giá trị ấy trong đời sống và với tư cách những người viết báo, lập ngôn, chúng ta có trách nhiệm tán thán và tôn vinh những giá trị ấy theo cách thực tiễn nhất.
Xã hội chúng ta hôm nay đang đối diện nhiều vấn đề: sự đổ vỡ niềm tin nơi một bộ phận người trẻ và cả những người lớn tuổi lý tưởng sống mù mờ. Bạo lực trở thành lối hành xử phổ biến trong các va chạm xích mích bất đồng, môi trường nhiễm độc cả nghĩa đen và nghĩa bóng vì những kẻ làm giàu bất chấp nhân sinh, tàn phá sức khỏe vật chất và tinh thần đồng loại. Nhiệm vụ của những người làm báo hay viết báo là gióng lên tiếng nói trung thực và thuyết phục công luận, ngăn ngừa sự suy thoái môi trường văn hóa và sinh thái tâm hồn, là xây dựng thiện nghiệp từ trong ý niệm. Con đường chúng ta đi phải là chính nghiệp.
Với mùa xuân mới, Ất Tỵ, theo ngôn ngữ quần chúng là năm con rắn, đại diện cho sự khôn ngoan, thường được xem là biểu tượng của sự biến đổi và khả năng thích ứng, sở hữu những phẩm chất quyến rũ, thông minh và có khả năng điều hướng sự phức tạp của cuộc sống một cách duyên dáng. Giống như cách con rắn lột da, năm nay được dự đoán sẽ mang đến cơ hội thay đổi, phát triển cá nhân và nghề nghiệp. Đây cũng là lúc chúng ta tập trung vào các kế hoạch dài hạn, tư duy đổi mới và đưa ra quyết định một cách cẩn thận và chính xác.
Nguyên Cẩn/Báo Giác Ngộ