Lốp xe
Lốp xe là một trong những bộ phận quan trọng hàng đầu, trực tiếp ảnh hưởng đến sự an toàn và hiệu suất vận hành của chiếc xe. Do phải chịu đựng tác động liên tục từ mặt đường, lốp xe cũng là bộ phận dễ bị hư hỏng nhất.
Vì vậy, không chỉ trước mỗi chuyến đi xa mà chủ xe cần thường xuyên kiểm tra bề mặt lốp và áp suất lốp. Đảm bảo áp suất lốp luôn ở mức khuyến nghị của nhà sản xuất để chiếc xe vận hành tối ưu và an toàn nhất.
Áp suất không phù hợp không chỉ đẩy nhanh quá trình mài mòn, gây ra các hiện tượng như mòn không đều, rạn nứt, thậm chí nổ lốp, mà còn làm giảm đáng kể khả năng bám đường và sự ổn định khi di chuyển, tăng mức tiêu thụ nhiên liệu và gây khó chịu cho người lái.
Khoang động cơ
Được ví như “trái tim” của ô tô, động cơ là một phần thiết yếu cần lưu ý trong quá trình kiểm tra xe, để mỗi chuyến đi xa được an toàn và trọn vẹn hơn. Việc kiểm tra động cơ tại nhà được thực hiện đơn giản bằng cách kéo cần số về N (Số 0), đề máy, sau khoảng 1 phút hãy đạp ga sâu, quan sát số vòng tua máy và khói xả có gì bất thường không.
Lắng nghe tiếng máy xe và cảm nhận độ rung khi xe hoạt động có bình thường không. Nếu nhận thấy dấu hiệu bất thường hoặc không yên tâm, hãy mang xe đến trung tâm để kiểm tra và bảo dưỡng ngay trước chuyến đi.
Bên cạnh đó, dầu động cơ và nước làm mát là 2 hạng mục cần lưu tâm bởi chúng ảnh hưởng trực tiếp tới sự ổn định của động cơ khi hoạt động liên tục và chạy đường dài. Bình chứa các dung dịch này đều có mức giới hạn có thể kiểm tra bằng que thăm hoặc vạch trên bình.
Nếu mức dung dịch còn lại trong bình thấp hơn vạch ‘Min’ hoặc có mùi lạ, cần bổ sung hoặc thay mới ngay. Các bộ phận liên quan khác như lọc gió, bugi cũng cần được kiểm tra trước mỗi chuyến đi xa để đảm bảo động cơ hoạt động ổn định.
Hệ thống phanh
Phanh là bộ phận quan trọng để xe kiểm soát tốc độ, dừng đỗ và đảm bảo an toàn với các phương tiện giao thông khác trên đường. Do đó, kiểm tra tình trạng phanh là việc không thể bỏ qua trong các hạng mục kiểm tra xe trước khi đi xa.
Hệ thống phanh bao gồm má phanh, đĩa phanh, dầu phanh, bộ trợ lực phanh,... Những bộ phận này cần hoạt động hiệu quả để đảm bảo khả năng giảm tốc độ hoặc dừng xe an toàn. Nếu đèn báo lỗi phanh sáng, phanh không ăn, bàn đạp phanh bị hụt, cứng hoặc quá nhẹ, có tiếng kêu bất thường khi phanh, vô lăng rung khi phanh thì cần sửa chữa hoặc thay mới sớm nhất có thể.
Hệ thống treo và tay lái
Khi đi xa, xe phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống treo và tay lái. Để kiểm tra các bộ phận này một cách chính xác, nên đưa xe ra trung tâm bảo dưỡng ô tô. Tuy nhiên, nếu có hỏng hóc vẫn có thể biết được qua dấu hiệu như xe bị rung, có tiếng động lạ, tiếng gõ lạch cạch khi đi qua chỗ xóc...
Nên kiểm tra các thanh giảm xóc ở gần bánh xe xem có vết dầu rỉ ra không. Nếu đi trên đường cao tốc xe bị lạng từ bên này sang bên kia có thể do xe bị lệch thước lái, khi đó cần đưa xe đến xưởng dịch vụ để chỉnh lại.
Ắc-quy và hệ thống đèn chiếu sáng
Ắc-quy là bộ phận quan trọng cung cấp năng lượng cho xe có thể khởi động và các hệ thống điện hoạt động ổn định. Cách kiểm tra bình ắc-quy đơn giản nhất chính là sử dụng vôn kế, đồng hồ điện để đo điện áp của thiết bị.
Trên một số loại bình ắc-quy, nhà sản xuất thường thiết kế một chấm nhỏ giúp người dùng quan sát để kiểm tra. Nếu chấm nhỏ này hiện màu xanh lục, chứng tỏ bình ắc-quy còn có thể hoạt động tốt.
Ngoài ra, cần kiểm tra xem ắc-quy có bị rò rỉ, xuất hiện vết nứt hay có dấu hiệu của sự ăn mòn không, nếu có nên thay mới. Kiểm tra các đầu điện cực, nếu bị ăn mòn ắc-quy dễ bị hỏng, nhất là khi đang đi trên đường.
Với hệ thống đèn quanh xe, cần khởi động xe bật hết các đèn rồi đi một vòng quan sát xem có bóng đèn nào bị cháy hoặc hoạt động kém hay không. Ngoài ra, nếu đèn pha của xe có bám bụi bẩn hoặc bùn đất, cần lấy khăn lau sạch để đảm bảo độ sáng tốt nhất.
Nước rửa kính, thanh gạt mưa
Việc kiểm tra nước rửa kính và thanh gạt mưa để đảm bảo khả năng quan sát của tài xế trong chuyến đi dài.
Trước tiên, cần kiểm tra mức nước rửa kính còn lại trong bình. Thông thường, bình chứa nước rửa kính sẽ nằm trong khoang động cơ phía trước, nhưng cũng có thể được đặt sau cốp ở một số loại xe. Nên dùng nước rửa kính chính hãng hoặc dung dịch tẩy rửa phù hợp để đảm bảo kính lái được vệ sinh sạch.
Cách kiểm tra thanh gạt nước nằm trên kính lái là bật thử xem chúng có hoạt động tốt hay không. Nên vệ sinh sạch sẽ bụi bẩn nằm bên dưới phần lưỡi gạt để đảm bảo khi gạt nước, những hạt bụi này sẽ không làm trầy, gây ảnh hưởng đến độ "sạch" và êm ái khi các thanh gạt hoạt động.
Ngoài ra, chủ xe cần kiểm tra cả gương chiếu hậu, hai gương bên cùng hệ thống camera, cảm biến quanh xe (nếu có), cũng như điều chỉnh trước khi khởi hành để tối ưu hóa tầm nhìn.
Lê Tuấn