Nghị định gồm 6 chương, 38 điều quy định về thủ tục nhập, trở lại, thôi, tước quốc tịch, hủy bỏ, quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam; thông báo kết quả giải quyết về quốc tịch; cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam, cấp giấy xác nhận là người gốc Việt Nam; trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nhà nước về quốc tịch; xây dựng, quản lý, cập nhật, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc tịch.
Nghị định quy định một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam như sau:
1. Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam là khả năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt phù hợp với môi trường sống và làm việc của người xin nhập quốc tịch Việt Nam.
2. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam mà không được miễn điều kiện về thường trú quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam, phải là người đang thường trú tại Việt Nam và đã được cơ quan Công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp Thẻ thường trú.
Thời gian thường trú tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được tính từ ngày người đó được cấp Thẻ thường trú.
3. Khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, Nghị định nêu rõ, cho phép nhập quốc tịch Việt Nam đối với trường hợp người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cụ thể:
Người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam phải là người được tặng thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu cao quý khác của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận về công lao đặc biệt đó trên cơ sở hồ sơ, ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan và quy định của pháp luật chuyên ngành.
Các trường hợp có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm: Người có tài năng vượt trội trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế, pháp luật, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, thể thao, y tế, giáo dục hoặc các lĩnh vực khác đã được cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ xác nhận về tài năng hoặc được giải thưởng quốc tế, huân chương, huy chương và có cơ sở cho thấy người đó sẽ đóng góp tích cực, lâu dài cho sự phát triển lĩnh vực nói trên của Việt Nam.
Doanh nhân, nhà đầu tư là cá nhân có hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam đã được cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ xác nhận về việc người đó sẽ đóng góp tích cực, lâu dài cho sự phát triển của Việt Nam.
Nghị định cũng nêu rõ: Cơ quan có thẩm quyền quản lý, tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức quyết định việc tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Quốc tịch Việt Nam trên cơ sở xác định có lợi cho Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam theo quy định.
Ngoài ra, Nghị định còn quy định về những hành vi không được thực hiện. Theo đó, cá nhân, tổ chức không được thực hiện các hành vi sau: Dùng giấy tờ giả, giấy tờ bị sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung; khai báo không trung thực, có hành vi gian dối, cam đoan sai sự thật để làm thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch.
Dùng giấy tờ không còn giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này để chứng minh đang có quốc tịch Việt Nam.
Lợi dụng thẩm quyền được giao để cấp giấy tờ về quốc tịch Việt Nam, giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ khác có ghi quốc tịch Việt Nam trái quy định của pháp luật; xác nhận không có cơ sở, không đúng sự thật về người xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam.
Lợi dụng việc nhập, trở lại, thôi quốc tịch Việt Nam; lợi dụng việc xin giữ quốc tịch nước ngoài khi được nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam để xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam.
Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật; giấy tờ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, giấy tờ được cấp trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều này không có giá trị pháp lý, phải bị thu hồi, hủy bỏ.
Trường hợp người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam, người được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam mà bị phát hiện có hành vi quy định tại điểm a và điểm d khoản 1 Điều này thì Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 33, Điều 34 Luật Quốc tịch Việt Nam và Điều 25 Nghị định này.
P.V