Những hành vi nào sẽ bị thu hồi, xử phạt liên quan đến thẻ BHYT?

Những hành vi nào sẽ bị thu hồi, xử phạt liên quan đến thẻ BHYT?
2 ngày trướcBài gốc
Theo quy định tại Luật BHYT 2008 và sửa đổi bổ sung 2014, các trường hợp dưới đây sẽ dẫn đến việc thu hồi hoặc tạm giữ thẻ BHYT:
Trường hợp 1: Gian lận khi cấp thẻ: Trường hợp cá nhân hoặc tổ chức cung cấp thông tin sai lệch để được cấp thẻ BHYT.
Trường hợp 2: Người có thẻ không còn tham gia BHYT: Khi một người không còn thuộc diện định tham gia BHYT như người lao động bỏ việc, học sinh - sinh viên tốt nghiệp hoặc chuyển trường...
Trường hợp 3: Thẻ BHYT bị cấp trùng: Một cá nhân có nhiều hơn 01 thẻ BHYT do lỗi trong quá trình quản lý.
Theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP, có quy định rõ ràng về việc xử phạt hành vi mượn thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) của người khác hoặc cho người khác mượn thẻ BHYT. Cụ thể, tại Điều 30 của Nghị định này, các hành vi mượn thẻ BHYT của người khác hoặc cho người khác mượn thẻ sẽ bị xử phạt như sau:
- Đối với trường hợp vi phạm nhưng chưa làm thiệt hại đến quỹ BHYT bị phạt từ 1-2 triệu đồng.
- Đối với trường hợp vi phạm làm thiệt hại đến quỹ BHYT bị phạt từ 3-5 triệu đồng và buộc phải hoàn trả số tiền đã vi phạm vào tài khoản thu của quỹ BHYT.
Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) hiện hành quy định 3 trường hợp bị thu hồi thẻ BHYT. Hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác trong khám chữa bệnh sẽ bị phạt. (Ảnh minh họa)
Trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực từ 1/7/2025 đã đưa ra một số thay đổi quan trọng trong việc quản lý và thực hiện các chính sách BHYT.
Theo đó, thẻ BHYT điện tử bị thu hồi đối với thẻ đã cấp không thuộc đối tượng tham gia BHYT; phát hiện hành vi gian lận trong việc cấp thẻ BHYT điện tử.
Thẻ điện tử bị tạm khóa giá trị sử dụng nếu sử dụng thẻ của người khác để đi khám chữa bệnh BHYT; có hành vi gian lận, giả mạo, vi phạm pháp luật trong việc sử dụng thẻ BHYT.
Cũng liên quan đến khám chữa bệnh BHYT của người tham gia, như Sức khỏe và Đời sống đã đưa tin, mới đây BHXH Việt Nam đã thông tin từ ngày 1/6/2025, cơ quan BHXH sẽ chỉ cấp thẻ BHYT phục vụ khám chữa bệnh bằng giấy cho những người không thể cài đặt ứng dụng VssID, VneID và không có Căn cước công dân có gắn chip.
Cụ thể từ ngày 01/6/2025, đối với các trường hợp đề nghị cấp lại, cấp đổi thẻ BHYT, yêu cầu cán bộ BHXH trực tiếp hướng dẫn người tham gia cài đặt ứng dụng BHXH số (VssID), ứng dụng định danh điện tử (VNeID) và hướng dẫn sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID, VNeID; Căn cước công dân có gắn chip để đi khám, chữa bệnh thay cho thẻ BHYT bản giấy.
Chỉ thực hiện cấp mới thẻ BHYT giấy đối với 3 trường hợp:
(1) Không thể cài đặt VssID;
(2) Không thể cài đặt VNeID;
(3) Không có căn cước công dân có gắn chip.
Để kiểm tra số căn cước công dân đã cập nhật trên ứng dụng VssID: Mở ứng dụng VssID trên điện thoại - Đăng nhập tài khoản. Nếu tài khoản đã hiển thị số căn cước thì không cần cập nhật. Nếu vẫn còn số chứng minh nhân dân cũ thì cần thực hiện thay đổi thông tin.
Bước1: Truy cập vào địa chỉ: https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn - Đăng nhập bằng tài khoản VssID của bạn.
Bước 2: Khi Đăng nhập thành công thì nhìn lên phía trên chọn vào Thông tin tài khoản để thay đổi số chứng minh thư/căn cước công dân.
Bước 3: Tại phần quản lý thông tin, bạn có thể dễ dàng chỉnh sửa số chứng minh thư/căn cước công dân.
Bước 4: Xác nhận tại cơ quan BHXH. Sau khi hoàn tất việc thay đổi thông tin trực tuyến, người dùng sẽ nhận được thông báo yêu cầu đến cơ quan BHXH gần nhất để xác nhận và hoàn tất việc thay đổi thông tin trên hệ thống BHXH.
Thái Bình
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/nhung-hanh-vi-nao-se-bi-thu-hoi-xu-phat-lien-quan-den-the-bhyt-169250414075321776.htm