Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: THX
FT dẫn lời ông Ashish Jha - cựu điều phối viên ứng phó COVID trong chính quyền Tổng thống Biden, Hiệu trưởng Trường Y tế công cộng của Đại học Brown - cho biết nhóm chuyển giao của ông Trump muốn Mỹ rút khỏi WHO ngay ngày đầu nhiệm sở của ông Trump, coi đó là biểu tượng đảo ngược động thái mà người tiền nhiệm Joe Biden đã làm trong ngày nhậm chức trước kia. "Có rất nhiều người sẽ trở thành một phần của chính quyền Tổng thống Trump, những người này không tin tưởng WHO và muốn thể hiện điều đó một cách tượng trưng vào ngày đầu tiên của chính quyền mới", ông Jha nói. Ông cho biết thêm rằng một số người trong đội ngũ của ông Trump muốn Mỹ ở lại WHO và thúc đẩy cải cách tổ chức này. Tuy nhiên, một nhóm khác - muốn cắt đứt quan hệ với WHO - đã giành chiến thắng trong cuộc tranh luận.
Năm 2020, ông Trump đã khởi xướng kế hoạch rút Mỹ khỏi WHO trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát. Ông đã nhiều lần chỉ trích về năng lực ứng phó của tổ chức này trong đại dịch. Ông Trump cáo buộc WHO bị Trung Quốc "kiểm soát" trong bối cảnh đại dịch. Ông nói Bắc Kinh đã gây áp lực buộc WHO "lừa dối thế giới" về virus. Ông tuyên bố sẽ chuyển nguồn tài trợ WHO của Mỹ cho các tổ chức từ thiện y tế công cộng toàn cầu khác. Tuy nhiên, người kế nhiệm ông là Tổng thống Joe Biden đã nối lại quan hệ với cơ quan này vào ngày đầu tiên nhậm chức hồi năm 2021.
Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO, cung cấp khoảng 16% nguồn tài trợ của tổ chức này trong giai đoạn 2022 - 2023. Các chuyên gia cảnh báo việc Mỹ rút khỏi WHO sẽ khiến cơ quan này mất nguồn tài trợ lớn nhất, làm tổn hại đến khả năng ứng phó với các cuộc khủng hoảng y tế công cộng, như đại dịch COVID-19. Ông Lawrence Gostin, Giáo sư về sức khỏe toàn cầu tại Trường Luật Georgetown, nói: "Mỹ sẽ để lại một khoảng trống lớn trong hệ thống tài chính và lãnh đạo y tế toàn cầu. Tôi không thấy nước nào có thể lấp đầy khoảng trống đó. Kế hoạch rút Mỹ khỏi WHO trong ngày đầu tiên nhậm chức của ông Trump sẽ gây tác động thảm khốc đối với y tế toàn cầu".
Ông Gostin cho biết: "Sẽ có những năm rất khó khăn đối với WHO khi tổ chức này phải vật lộn để ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe và sẽ phải cắt giảm đáng kể đội ngũ nhân viên khoa học". Ông cảnh báo nếu Mỹ rút khỏi WHO, các nước châu Âu khó có thể tăng cường tài trợ và Trung Quốc có thể sẽ gây ảnh hưởng nhiều hơn.
Trong khi đó, Giáo sư Jha cho biết các cơ quan như WHO đóng vai trò quan trọng trong hợp tác toàn cầu về phát triển và phân phối vaccine, cũng như các phương pháp điều trị khác trong các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe. Ông cảnh báo nếu Mỹ không tham gia vào các tổ chức này, họ sẽ không cập nhật được thông tin về những gì sẽ xảy ra trong đợt bùng phát tiếp theo.
Mối quan hệ giữa Washington và WHO đã trở nên căng thẳng hơn sau khi ông Trump đề cử một số đồng minh, trong đó có nhân vật hoài nghi về vaccine Robert F. Kennedy đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ trong chính quyền mới. Tuy nhiên, Giáo sư Gostin cho biết ông không chắc ông Trump sẽ ưu tiên rút Mỹ khỏi WHO ngay lập tức như một số người trong nhóm của ông nói hay không.
Trong tháng này, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết WHO là tổ chức duy nhất hy vọng hợp tác với các nhà hoạch định chính sách của Mỹ. "Về phía chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng hợp tác. Tôi tin rằng các nhà lãnh đạo Mỹ hiểu rằng họ không thể an toàn nếu phần còn lại của thế giới không an toàn", ông tuyên bố.
AN BÌNH