Những hình ảnh ấn tượng về quá trình hình thành tuyến metro số 1 tại Thành phố Hồ Chí Minh

Những hình ảnh ấn tượng về quá trình hình thành tuyến metro số 1 tại Thành phố Hồ Chí Minh
6 giờ trướcBài gốc
Một chuyến tàu metro số 1 rời ga Thảo Điền trong ánh hoàng hôn. Sau 17 năm xây dựng và nhiều lần trễ hẹn, tuyến chính thức khai thác thương mại từ ngày hôm nay, 22-12-2024. Ảnh: Minh Hòa
Dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, bắt đầu triển khai từ ngày 24-7-2012 và hoàn thành vào tháng 12-2024. Tuyến có 14 ga, bao gồm 3 ga ngầm (Bến Thành, Nhà hát Thành phố, Ba Son) và 11 ga trên cao. Đây là tuyến đường sắt đô thị có đoạn chạy ngầm được xây dựng đầu tiên tại Việt Nam.
Ga ngầm Bến Thành là nhà ga trung tâm của nhiều tuyến đường sắt đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Minh Hòa
Ga ngầm Bến Thành dài 236m, rộng 60m, sâu 32m, gồm 4 tầng ngầm. Đây là ga trung tâm của metro số 1 và cũng là điểm kết nối các tuyến metro số 2, 3a và 4.
Tuyến đường hầm chạy từ ga ngầm Bến Thành theo dọc đường Lê Lợi nối đến ga ngầm Nhà hát thành phố khi còn đang xây dựng. Ảnh: Minh Hòa
Giờ đây, ga ngầm lớn nhất Việt Nam và tuyến hầm đường sắt đô thị đầu tiên tại nước ta đã hoàn thành xây dựng, nằm sâu dưới quảng trường trước chợ Bến Thành nổi tiếng. Ảnh: Minh Hòa
Các công nhân đang xây dựng đường hầm và các tầng của ga ngầm Bến Thành. Toàn tuyến metro số 1 có hơn 2,7km đường hầm, nối từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố và ga Ba Son. Ảnh: Minh Hòa
Giờ đây, các đoạn đường hầm chạy tàu đã sẵn sàng đi vào hoạt động. Đoạn đường hầm vuông nối từ ga Ba Son đến ga Nhà hát thành phố. Ảnh: Minh Hòa
Đoạn đường hầm tròn nối từ ga Nhà hát thành phố đến ga Bến Thành. Ảnh: Minh Hòa
Depot (ga đầu mối kỹ thuật) của tuyến metro số 1 thành phố Hồ Chí Minh cũng là depot có quy mô lớn nhất Việt Nam. Đây là nơi bảo đảm cho 17 đoàn tàu trên tuyến luôn trong tình trạng kỹ thuật tốt nhất để vận hành. Ảnh: Minh Hòa
Hiện, Việt Nam đã tham gia tiếp nhận, quản lý, vận hành hầu như tất cả các hạng mục của tuyến metro số 1, sau thời gian được chuyên gia Nhật Bản đào tạo. Ảnh: Minh Hòa
Cùng với 1 đồng nghiệp ngoài Hà Nội, chị Phạm Thu Thảo là một trong 2 nữ lái tàu metro đầu tiên tại Việt Nam. Sau 11 năm làm giáo viên mầm non, nay chị là nữ lái tàu duy nhất trên tuyến metro số 1 thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Minh Hòa
Trung tâm kỹ thuật vận hành tuyến metro số 1 được trang bị hiện đại, bảo đảm các đoàn tàu hoạt động đúng giờ và an toàn. Ảnh: Minh Hòa
Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên (bên phải) và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trên một chuyến tàu chạy thử cuối năm 2024. Trước khi đi vào khai thác thương mại, các bên liên quan đã chạy thử hàng trăm chuyến tàu, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Ảnh: Minh Hòa
Một chuyến tàu metro số 1 rời ga Tân Cảng trong ánh bình minh, báo hiệu một chương mới của sự phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Minh Hòa
Dự án metro số 1 thành phố Hồ Chí Minh được phê duyệt lần đầu tiên vào năm 2007, được khởi công vào năm 2008 với tổng mức đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng.
Đến năm 2011, dự án được điều chỉnh lên hơn 47.000 tỷ đồng, tăng thêm 30.000 tỷ đồng so với dự tính. Trong đó, vốn vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là hơn 41.800 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách thành phố.
Sau nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng và triển khai xây dựng, tuyến metro số 1 đã phải vài lần lùi thời gian vận hành thương mại từ năm 2018 đến nay. Tuyến chính thức hoạt động từ ngày 22-12-2024.
Minh Hòa
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/nhung-hinh-anh-an-tuong-ve-qua-trinh-hinh-thanh-tuyen-metro-so-1-tai-thanh-pho-ho-chi-minh-688208.html