Những năm cuối thập niên 20 của thế kỷ XX, phong trào đấu tranh cách mạng ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Chủ nghĩa Mác - Lênin do Nguyễn Ái Quốc truyền bá về trong nước, cùng với phong trào “vô sản hóa” đã làm chuyển biến phong trào công nhân từ hình thức đấu tranh tự phát sang đấu tranh tự giác, có tổ chức, có lãnh đạo, có sự phối hợp sâu rộng trong các ngành và các giới.
Một số tài liệu lưu trữ như truyền đơn, sách báo viết tay do Nha Cảnh sát và An ninh Đông Dương thu thập được (hiện lưu tại Lưu trữ Hải ngoại Pháp).
Hội nghị hợp nhất các tổ chức đảng và quyết định kịp thời của Nguyễn Ái Quốc
Trong hoàn cảnh lịch sử đó, những cộng sản đoàn tiên phong trong phong trào cách mạng đã nhận thức được tình hình, và đứng ra thành lập những tổ chức cộng sản đầu tiên.
Ngày 17/6/1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên, Hà Nội, Hội nghị các đại biểu tiên tiến trong tổ chức Thanh niên Bắc Kỳ đã họp, quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng.
Tháng 8/1929 hơn 20 đại biểu tiên tiến của Kỳ bộ Thanh niên Nam Kỳ họp tại khách sạn Pháp mang tên Phong cảnh khách lầu quyết định thành lập An Nam Cộng sản Đảng.
Tháng 9/1929 những đảng viên ưu tú trong Đảng Tân Việt - một tổ chức yêu nước tiến bộ theo khuynh hướng quốc gia, đã trải qua nhiều biến thiên và cải tổ, thay đổi tên nhiều lần đã ra Tuyên đạt thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.
Sau khi thành lập, các tổ chức Đảng này đã nhanh chóng gây dựng cơ sở ở nhiều địa phương và trực tiếp tổ chức lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng. Một số tài liệu lưu trữ như truyền đơn, sách báo viết tay do Nha Cảnh sát và An ninh Đông Dương thu thập được (hiện lưu tại Lưu trữ Hải ngoại Pháp) đã cho biết điều đó.
Có thể kể đến như: Sơ đồ tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng, bìa sách “Cộng sản chủ nghĩa sơ học” do Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hội xuất bản tháng 9/1929, truyền đơn kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga của Đảng Cộng sản Đông Dương, truyền đơn của Đông Dương Cộng sản Đảng “Gởi binh lính Khố đỏ, Khố xanh”, đính kèm báo cáo ngày 19/11/1929 của Nha Cảnh sát và An ninh Đông Dương về hoạt động của các tổ chức chống Pháp; Tờ bìa ấn phẩm “Kách tổ chức kông hội”, đính kèm báo cáo ngày 28/10/1929 của Nha An ninh về hoạt động của các tổ chức chống Pháp…
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, ở Việt Nam đã đồng thời xuất hiện cả ba tổ chức cộng sản, cùng dựa trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, cùng theo đường lối cách mạng vô sản của Quốc tế cộng sản, cùng khẳng định mục tiêu chống đế quốc Pháp, chống phong kiến làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập, tiến lên chủ nghĩa xã hội cộng sản.
Tuy nhiên, sự tồn tại ba tổ chức cộng sản, tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau trong một đất nước, đã dẫn đến nguy cơ chia rẽ, phân liệt của phong trào đấu tranh cách mạng. Yêu cầu cấp bách của cách mạng Việt Nam lúc này là phải chấm dứt tình trạng chia rẽ giữa các tổ chức cộng sản, thống nhất các tổ chức đó thành một đảng cộng sản duy nhất trong cả nước.
Tranh hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam của họa sĩ Phi Hoanh.
Nhận thức sâu sắc về nguy cơ phân liệt sẽ gây bất lợi cho sự phát triển của phong trào cách mạng ở Việt Nam, ngày 27/10/1929, Quốc tế Cộng sản đã ra chỉ thị, nêu rõ: “Nhiệm vụ quan trọng nhất và cấp bách nhất của tất cả những người cộng sản Đông Dương là thành lập một đảng cách mạng có tính chất giai cấp của giai cấp vô sản, nghĩa là một đảng cộng sản có tính chất quần chúng ở Đông Dương. Đảng đó phải chỉ có một và là tổ chức cộng sản duy nhất ở Đông Dương”.
Lúc này, Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Xiêm, chưa biết tới nội dung bản chỉ thị ngày 27/10/1929 của Quốc tế Cộng sản, tuy nhiên, nhận thức được tầm quan trọng nguy cơ phân liệt, “với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương”, Người gấp rút đi Hồng Kông, gửi thư về nước mời đại diện của các tổ chức cộng sản sang Hồng Kông bàn việc hợp nhất các tổ chức cộng sản.
Từ ngày 6/1 đến ngày 7/2/1930, tại Cửu Long, Hồng Kông, hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản đã được tiến hành dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Tham dự hội nghị có các đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng là Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh; An Nam Cộng sản Đảng là Nguyễn Thiệu và Châu Văn Liêm. Đông Dương Cộng sản liên đoàn đã thành lập, song chưa có liên hệ, nên chưa cử được đại biểu tới dự. Tham gia giúp việc hội nghị là Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn.
Hội nghị hợp nhất diễn ra khẩn trương, thuận lợi và đạt được sự nhất trí hoàn toàn, trên cơ sở bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, đặt tên đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt, Chương trình tóm tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc dự thảo.
Công điện ngày 24/4/1930 của Thống đốc Nam Kỳ gửi toàn bộ thủ trưởng cơ quan địa phương. Nguồn: TTLTQGII.
Những hoạt động đấu tranh đầu tiên của Đảng và phản ứng của chính quyền Pháp
Ngay sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân cả nước đoàn kết đấu tranh, sử dụng các hình thức đấu tranh chủ yếu là đấu tranh chính trị của quần chúng như mít tinh, biểu tình, bãi công, biểu tình có vũ trang…
Lo sợ trước sự xuất hiện của Đảng và sự lớn mạnh của các phong trào cách mạng, bộ máy chính quyền thuộc địa Pháp đã có những phản ứng quyết liệt. Chúng tiến hành theo dõi gắt gao mọi hoạt động của Đảng và thực hiện nhiều biện pháp trấn áp, thậm chí khủng bố nhằm ngăn chặn phong trào cách mạng...
Một số tài liệu lưu trữ là các truyền đơn cách mạng do mật thám Pháp thu thập được, hay những công điện trao đổi giữa các cơ quan của chính quyền thuộc địa trong thời kỳ này hiện lưu tại các Trung tâm Lưu trữ ở Việt Nam và Lưu trữ Hải ngoại Pháp đã cho biết điều này.
Chẳng hạn như Công điện ngày 24/4/1930 của Thống đốc Nam Kỳ gửi toàn bộ thủ trưởng cơ quan địa phương phản cho thấy chính quyền thực dân Pháp luôn trong tư thế sẵn sàng trấn áp, khủng bố Đảng và các hoạt động do Đảng tổ chức, phát động.
Toàn văn bức điện này như sau:
“Tình báo Bắc kỳ vừa mới xác định các tổ chức bài Pháp đã hợp nhất thành một Đảng cộng sản mang tên 'Việt Nam Cộng sản Đảng'.
Các cơ quan an ninh địa phương của các ngài đã nhận thông tin Hà Nội về sự phát truyền đơn từ Đảng này mời công nhân biểu tình công khai ngày 1 tháng 5 chống thực dân Pháp, ủng hộ nước Nga Sô viết và cách mạng thế giới.
Đảng khuyên dịp nói trên và theo thời gian đó tuyên truyền biểu tình công khai nói chung, phát truyền đơn và đoàn người với khẩu hiệu, cờ đỏ và biểu trưng cách mạng.
Buộc phải báo cho các vị biết chính thức rằng không có bất kỳ một sự biểu tình nào được dung thứ vào ngày hôm đó.
Phải chắc chắn ở mức cao nhất rằng mỗi người trong các vị đều hết sức cẩn thận để ngăn ngừa ý đồ kích động nhỏ nhất và ban hành mọi biện pháp để thực thi ngay cả việc trấn áp ngay lập tức nếu cần thiết”.
Công điện số 31c ngày 24/4/1930 của Thống đốc Nam kỳ gửi các Chánh Tham biện ở Nam kỳ. Nguồn: TTLTQGII.
Liên quan đến việc ngăn chặn hoạt động tuyên truyền, biểu tình, đình công của cộng sản nhân ngày 1/5, cùng ngày, Thống đốc Nam Kỳ tiếp tục gửi Công điện số 31c tới các Chánh Tham biện ở Nam kỳ. Toàn văn bức điện này như sau:
“Sài Gòn, ngày 24/4/1930
Thống đốc Nam kỳ gửi các Chánh Tham biện ở Nam kỳ
Số 31C - Truyền đơn chống phá chính quyền được rải tại Sài Gòn vào đêm 23 rạng sáng ngày 24, theo đó đề nghị những tên nổi loạn người An Nam hoặc Trung Quốc tiếp tục rải truyền đơn của cộng sản, chủ yếu trong tầng lớp quân nhân và công nhân, mục đích kêu gọi biểu tình nhân ngày 1/5.
Các Chánh Tham biện phải lưu ý đưa ra những biện pháp cản trở việc rải truyền đơn này và giải những tên rải truyền đơn đến Tòa Biện lý và báo cáo bằng điện tín cho tôi biết.
(và các ông phải có mặt tại nơi làm việc vào ngày 30/4 và 1/5 để đảm bảo không có cuộc biểu tình nào được diễn ra)”.
Tóm lại, qua một số tài liệu lưu trữ kể trên, có thể thấy ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, với việc đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên trên hết, Đảng ta đã quy tụ, đoàn kết chung quanh mình tất cả các giai cấp, các tầng lớp yêu nước, xây dựng nên lực lượng cách mạng to lớn và rộng khắp, đảm đương sứ mệnh dẫn dắt lãnh đạo cách mạng dân tộc, nhân dân, tạo nên những mốc son trong lịch sử dân tộc.
Minh Châu