Cánh đồng khu phố Vinh Thanh là niềm tự hào của chị em phụ nữ tại đây
Hoạt động thiết thực
"Tổ Truyền thông cộng đồng của chúng tôi đã luôn cố gắng đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, lựa chọn hình thức phù hợp với từng nội dung, đối tượng người dân, bước đầu thu được những kết quả tích cực", anh Đào Văn Giả, dân tộc Chơ Ro, tổ trưởng tổ Truyền thông cộng đồng khu phố Vinh Thanh bắt đầu câu chuyện.
Là Bí thư chi bộ của khu phố, anh Đào Văn Giả cũng là nhân vật uy tín, có ảnh hưởng trong cộng đồng người dân tộc Chơ Ro tại địa phương này.
Năm 2024, Hội LHPN thị trấn Ngãi Giao đã xây dựng kế hoạch số 130/KH-BTV, ngày 26/04//2024 của Hội LHPN thị trấn về thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đến cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân.
Hội LHPN thị trấn tham mưu, xây dựng kế hoạch số 107-KH/BCH ngày 18/03/2024ra mắt Tổ Truyền thông cộng đồng khu phố Hoàng Giao với 9 thành viên; ra mắt tổ hợp tác trồng lúa tại khu phố Vinh Thanh với 10 thành viên; duy trì hoạt động Tổ Truyền thông cộng đồng khu phố Vinh Thanh với 10 thành viên.
Lễ ra mắt Tổ Truyền thông cộng đồng khu phố Vinh Thanh
Anh Đào Văn Giả cho biết: "Các hoạt động của Tổ Truyền thông cộng đồng tại khu phố chúng tôi khá đa dạng. Chúng tôi có câu lạc bộ sinh hoạt Nhóm cha mẹ có con từ 0 đến 16 tuổi, có chia sẻ các kinh nghiệm trồng lúa cho năng suất cao, rồi còn tổ chức mô hình Ngôi nhà xanh để nâng cao nhận thức về sống xanh, bảo vệ môi trường nữa. Ngoài ra, Tổ Truyền thông còn tặng học bổng cho trẻ học giỏi và tặng bảo hiểm cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn".
Theo anh Đào Văn Giả, Tổ hợp tác trồng lúa tại khu phố Vinh Thanh là một trong các hoạt động đặc biệt, được Tổ Truyền thông cộng đồng quan tâm sát sao, tổ chức các hoạt động thường xuyên. Các chị em phụ nữ được mời đến để nghe các chuyên gia nói chuyện, chỉ dẫn các kỹ thuật trồng lúa theo đúng khoa học kỹ thuật hiện đại, phù hợp với thổ nhưỡng, với hệ sinh thái tại địa phương.
Từ sự tập hợp của Tổ truyền thông cộng đồng, Tổ Hợp tác trồng lúa của khu phố Vinh Thanh đã ra đời. Mười chị em phụ nữ dân tộc Chơ Ro đã tham gia tích cực. Có chị em nhận làm 2 hecta, có chị em làm 1 hecta. Điều thú vị nhất đối với các chị em là được tiếp cận lần đầu với các phương pháp khoa học tiến bộ trong trồng lúa. Những cách làm cũ trước đây mà không hiệu quả đã dần bị thay đổi, để làm sao trồng lúa được tốt nhất, năng suất nhất.
Lễ ra mắt Tổ Họp tác trồng lúa Khu phố Vinh Thanh
Chị Dương Thị Sáng, sinh năm 1980, dân tộc Chơ Ro, 1 trong 10 thành viên của Tổ Hợp tác trồng lúa cho biết: "Tổ Hợp tác trồng lúa của khu phố Vinh Thanh được Tổ Truyền thông cộng đồng tập hợp chị em phụ nữ dân tộc lại, để cùng hỗ trợ nhau phát triển và hoàn thiện các kỹ thuật trong trồng lúa. Chúng tôi bắt đầu hoạt động từ tháng 8/2024 và đã có nhiều hoạt động gặp gỡ, trao đổi, trau dồi và giao lưu về kinh nghiệm kỹ thuật làm nông. Mọi người đều rất nhiệt tình và vui vẻ vì được hỗ trợ vốn và bao tiêu sản phẩm đầu ra".
Tổ Hợp tác trồng lúa của Tổ Truyền thông cộng đồng Khu phố Vinh Thanh được đánh giá là điểm sáng, điểm độc đáo của người Chơ Ro trên địa bàn này. Người dân tộc Chơ Ro vốn chịu thương chịu khó làm nông, nên các hoạt động thiết thực của Tổ Hợp tác trồng lúa thu hút được các chị em sinh hoạt, trao đổi đều đặn. Họ cảm thấy lý thuyết được đi cùng thực hành, thực tế, chứ không phải là những chỉ dẫn xa xôi, mơ hồ hay khó hiểu.
Quan tâm phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số
Ngoài duy trì tích cực Tổ Hợp tác trồng lúa, Tổ Truyền thông cộng đồng Khu phố Vinh Thanh còn sát sao trong việc tổ chức sinh hoạt Nhóm cha mẹ có con từ 0 đến 16 tuổi Thông qua những buổi sinh hoạt phối hợp cùng trạm y tế, các tuyên truyền với nội dung như phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, cách dạy dỗ con sao cho trẻ khỏe mạnh và ngoan ngoãn đã được truyền tải tới các chị em phụ nữ dân tộc Chơ Ro.
Anh Đào Văn Giả kể: "Chúng tôi mở Câu lạc bộ Nhóm cha mẹ có con từ 0 đến 16 tuổi để chị em phụ nữ dân tộc có thêm nhận thức, kỹ năng cho bản thân và dạy dỗ con cái. Họ được hiểu thêm về quyền của người phụ nữ, cách giáo dục con cái sao cho đúng, phù hợp tập quán dân tộc nhưng cũng phải tuân theo pháp luật".
Nhờ các buổi sinh hoạt của Nhóm cha mẹ có con từ 0 đến 16 tuổi mà các chị em được hiểu thêm rằng, bạo lực trong gia đình là vi phạm pháp luật. Trước đây, cha mẹ dạy dỗ con có thể sử dụng bằng roi vọt và những lời mắng mỏ, tất nhiên cũng chỉ là mong các con trưởng thành hơn. Nhưng thực sự điều đó là không nên và không được phép. Nếu bạo lực gia đình không được ngăn chặn, thì những đứa trẻ lớn lên sẽ bị tác động lớn tới nhận thức, cũng sẽ dùng bạo lực với người nhà và người khác. Thêm nữa, việc chăm sóc trẻ dưới 16 tuổi cũng cần để tâm về dinh dưỡng và tinh thần. Dinh dưỡng cho trẻ cần đầy đủ, để trẻ có đủ thể lực. Hạn chế tối đa những lời la mắng, để trẻ không bị tổn thương và làm các hành động tiêu cực dại dột, ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của trẻ.
Ra mắt Mô hình "Cha mẹ có con từ 0 đến 16 tuổi" khu phố Vinh Thanh
"Các chị em phụ nữ được nghe các chuyên gia tư vấn, bản thân chúng tôi cũng sinh hoạt và được tiếp thu thêm những điều hay lẽ phải của Câu lạc bộ này", anh Đào Văn Giả đưa ý kiến.
Mỗi ngày, anh Đào Văn Giả đi làm công việc nhà nông của gia đình, nhưng bất cứ lúc nào, anh cũng có thể dành thời gian để giúp đỡ người dân trong khu phố Vinh Thanh. Anh cũng làm gương trong việc gom góp chai nhựa đã dùng rồi, thu gom để vào Ngôi nhà xanh, ủng hộ cho phong trào sống xanh của các cấp Hội LHPN. Những chai nhựa đã dùng rồi, sẽ được để gọn gàng vào địa điểm Ngôi nhà xanh, khiến tình trạng rác thải được hạn chế rất nhiều, khu phố nhờ vậy cũng khang trang, đẹp đẽ hơn.
Tại khu phố Vinh Thanh, con em dân tộc Chơ Ro chăm chỉ học hành, có em Đào Dương Xơ Ra vừa được nhận bằng khen Học sinh giỏi của tỉnh, có em đã được nhận học bổng để đi du học Nhật Bản.
Mỗi người góp tay một chút, nhờ vậy Tổ Truyền thông cộng đồng khu phố Vinh Thanh hoạt động tích cực, sôi nổi và có ý nghĩa thiết thực với người dân tộc Chơ Ro sống trên địa bàn.
Đinh Thu Hiền