Những hòn ngọc xanh giữa dòng Sông Hậu

Những hòn ngọc xanh giữa dòng Sông Hậu
2 ngày trướcBài gốc
Kỳ 1: Ngất ngây vị ngọt cây ăn trái ở cù lao Phong Nẫm
Chuyến phà sớm rẽ sóng, vượt dòng Hậu Giang đưa tôi tiến về cồn Phong Nẫm (xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách) khi trong không gian vẫn còn đặc quánh hương xuân 2025. Từ đằng xa, chúng tôi đã thấy mướt mát màu xanh của cây trái. Phà cập bến, tôi cùng người bạn đồng hành là chiếc xe gắn máy làm chuyến hành trình quanh đảo nhỏ xanh thẫm này. Dưới từng nếp nhà khang trang, trong từng khu vườn oằn sai trái ngọt làm rộn rã niềm vui, niềm tin không lâu nữa, cù lao này như con rồng ngủ quên sẽ chuyển mình, quay đầu, vươn xa ra biển Đông với những bước tiến ngoạn mục. Tôi càng phấn khích và rạo rực trong lòng khi nghe các vị cao niên kể chuyện của cồn từ ngàn xưa truyền lại.
Bây giờ cuộc sống người dân ổn định và phát triển bằng nghề làm vườn có giá trị kinh tế cao với nhiều loại cây đặc sản. Ảnh: HOÀNG PHÚC
Nằm trải dọc giữa sông Hậu mênh mông, có rất nhiều dải đất nhô lên lớn, nhỏ khác nhau với màu xanh um bất tận, người dân miệt sông nước khi gọi là cồn, khi gọi là cù lao, thậm chí có người gọi là đảo, rồi tiếp đến là đảo ngọt, trong đó có cù lao Phong Nẫm. Cù lao này chuyên trồng cây ăn trái quanh năm với sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, nhãn, bưởi... Đây cũng là điểm du lịch miệt vườn đã có từ trước giải phóng. Cùng với cồn Quốc gia (cồn Mỹ Phước cũng thuộc huyện Kế Sách) và Cù Lao Dung tạo nên một chuỗi du lịch sinh thái thu hút khách đông nhất vào dịp tết Nguyên đán và tết Đoan ngọ hằng năm.
Và cũng không biết tự bao giờ cái tên “đảo ngọt” được ví von cho cù lao Phong Nẫm. Tôi chỉ biết được câu chuyện “đảo ngọt” qua lời kể của các bậc cao niên về một truyền thuyết khá huyền bí mà đến nay các thế hệ trẻ còn ít người biết tới cái từ “đảo ngọt” dành cho cù lao này cũng như các cù lao khác trên dòng Cửu Long giang.
Nghe kể lại, vào thời kỳ khai hoang lập nghiệp, có một ông lão muốn qua sông Cái Côn để về xứ cồn hoang vu lắm thú dữ nhưng không có ghe xuồng nào để qua sông mà trời đã tối. Ổng bèn “trổ tài” qua sông bằng chiếc nón lá, một chân trên nón, một chân đạp nước lướt nhanh như gió. Đến bên cồn, có 2 con ngỗng thần nhô lên khỏi mặt nước, đập cánh mấy cái ở vàm Cái Côn hướng về ông gật gật đầu như bái phục rồi lặn xuống lòng sông mất dạng. Lúc đó, biển còn sâu trong đất liền, cồn này bị nước mặn bao phủ, không thể trồng cây ăn trái hay sử dụng nước uống được. Thấy vậy, ông lão “hóa phép” cho nước ở cồn trở nên ngọt để người dân khắp nơi đến sinh cơ lập nghiệp. Còn ông lão, nghe nói đi khắp vùng châu thổ phương Nam, đi tới đâu ông cũng đều trổ tài "hóa phép" biến nước mặn thành nước ngọt phục vụ người dân và sau đó cũng không ai biết chính xác ông đi về phương nào. Chỉ biết rằng cù lao Phong Nẫm ngày càng trù phú và cồn Phong Nẫm trông giống như một con tàu lớn, mũi hướng về phía Cần Thơ, hứng chịu những con sóng bạc đầu, dòng nước xoáy hung dữ từ vàm Cái Côn đổ ra gặp con nước chảy xiết từ thượng nguồn đổ về mà thành, đập vào mũi cồn bọt nước tung tóe, trắng xóa.
Giao thông thuận tiện, người dân vui mừng vì điều kiện đi lại, vận chuyển hàng hóa, mua bán thuận tiện hơn. Ảnh: HOÀNG PHÚC
Đến thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước, khu vực giữa và cuối đuôi cồn Phong Nẫm là căn cứ địa cách mạng và là đường dây giao bưu chính giữa Khu 8 và Khu 9; nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và quân đội đã từng đi qua con đường này trong thời chiến. Nơi đây diễn ra những trận đánh nảy lửa giữa ta và địch ở vùng đất kiên cường này, tiêu biểu nhất là trận đánh “Chòm bàng” ở ấp Phong Hòa. Du kích xã đã chiến đấu kiên cường, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của đại đội Bảo an thuộc Chi khu Phong Thuận, tỉnh Phong Dinh (nay thuộc thị trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách), diệt hàng chục tên địch và bắn cháy tàu chiến tuần tra trên sông Hậu của chúng. Địa danh này, bây giờ không còn vết tích chiến tranh, thay vào đó, chỗ nào cũng "ngập tràn" vườn cây ăn quả. Sau giải phóng, nhân dân đi tản cư trở về dựng lại nhà, cải tạo lại vườn cây ăn trái của mình.
Ngày nay, xã Phong Nẫm có 4 ấp với chiều dài hơn 10km, chiều ngang có chỗ chỉ vài trăm mét. Tuy vậy, nghề làm vườn ở đây có giá trị kinh tế cao với nhiều loại cây đặc sản. Đời sống người dân khá phồn thịnh, không thua gì đất liền, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn xã tiếp tục tăng trưởng và ổn định, giá cả các mặt hàng nông sản tăng so với những năm trước, đặc biệt là phát triển mạnh diện tích trồng cây ăn trái. Đến cuối năm 2024, toàn xã Phong Nẫm có diện tích cây lâu năm là 664,3/664ha đạt kế hoạch đề ra, trong đó các loại cây có tiềm năng phát triển là nhãn, xoài, mận, vú sữa, chanh, chôm chôm, mít, măng cụt, sầu riêng và các loại cây ăn trái khác… Diện tích nuôi thủy sản được 189/172ha, vượt 9,88% kế hoạch. Trên địa bàn hiện có 24/24 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đạt 100% so kế hoạch, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 4.000 triệu đồng. Số cơ sở thương mại - dịch vụ của xã là 146/134 cơ sở, vượt 4,17% so kế hoạch.
Xã có 100% hộ dân có điện sinh hoạt đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất; có 1.321 hộ dân được sử dụng nước sạch theo đúng tiêu chuẩn, đạt 97,86%; số học sinh ở các cấp học huy động đến trường được 709/668 học sinh, vượt 6,14% so với kế hoạch. Hiện nay, toàn xã còn 39 hộ nghèo. Địa phương tiếp tục phát huy thế mạnh ngành du lịch của xứ cù lao, Phong Nẫm đã quy hoạch trồng cây đặc sản chuyên canh và đưa dần mô hình du lịch sinh thái vườn, khoác lên xứ cồn một bộ mặt nông thôn mới và hứa hẹn nhiều triển vọng vươn lên. Bên cạnh đó, Phong Nẫm còn chú trọng đến công tác an sinh xã hội và các mặt hoạt động xã hội khác. Tích cực vận động nhân dân đóng góp làm đường giao thông, hiến đất xây cất trường học; chăm sóc sức khỏe nhân dân, chăm lo gia đình chính sách.
Đồng chí Lê Văn Nhớ - Chủ tịch UBND xã Phong Nẫm cho biết: “Nhìn chung, thời gian qua tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn xã tiếp tục tăng trưởng và ổn định, giá cả các mặt hàng nông sản tăng so với những năm trước, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, đặc biệt là diện tích trồng cây ăn trái tiếp tục phát triển. Đạt được kết quả trên có sự quyết tâm nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân xã Phong Nẫm. Đảng bộ và nhân dân xã quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII với tinh thần “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đoàn kết, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới”. Xã tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, phát huy vai trò tích cực của Mặt trận và các đoàn thể trên mọi lĩnh vực, nâng cao đời sống nhân dân”.
Bây giờ, cù lao đã hết mưa sình, nắng bụi mà thay vào đó là những con lộ nhựa, lộ đal xuyên suốt chiều dài giữa cồn, những con đường đal tẽ ra nhiều nhánh như chân rết, tạo sự lưu thông dễ dàng, rộng khắp các nẻo đường. Dọc hai bên đường đal, xưa kia là những căn nhà lá sơ sài, nay đã mọc lên những căn nhà tường khang trang. Xung quanh cồn là con đê bao bọc, trên đó là con đường đal bao lấy mảnh đất lắm cây trái này. Phía ngoài bãi là những hàng bần mọc cật tua tủa giữ lấy phù sa, như ngạo nghễ, thách thức với triều cường và sóng lớn.
Ông Nguyễn Minh Cảnh, ấp Phong Hòa, xã Phong Nẫm phấn khởi cho hay: “Trước đây, người dân muốn qua cồn Phong Nẫm chỉ duy nhất đi tàu khách từ chợ Kế Sách lên Cần Thơ hoặc ngược lại, mỗi ngày một chuyến vào khoảng 4 giờ sáng, nếu trễ tàu phải đợi hôm sau mới qua được. Có công việc gì gấp lắm thì thuê vỏ lãi vượt sông Hậu mênh mông, khi mùa gió chướng lúc giáp Tết tràn về, những con sóng lưỡi búa “hốt nước” thảy vào vỏ lãi như muốn nhấn chìm tất cả. Trước đây, xứ cù lao này "èo uột" lắm; rồi chính quyền địa phương và bà con đã đồng lòng quyết tâm bảo vệ, xây dựng cù lao nên mới được như hôm nay. Bây giờ, cuộc sống người dân ổn định và phát triển, giao thông thuận tiện, người dân vui mừng vì điều kiện đi lại, vận chuyển hàng hóa, mua bán thuận tiện hơn”.
Từ giã xứ cù lao Phong Nẫm khi ráng chiều tim tím buông xuống xã đảo, ngoài cửa biển với làn gió chướng lành lạnh tràn về làm chiếc phà tròng trành giữa muôn vàn con sóng lưỡi búa đập lên mạn phà, cứ ngỡ như là tiếng vọng lại từ thuở mở đất khai hoang, đang đánh thức giấc ngủ vùi của xứ cù lao vốn đầy tiềm năng phát triển ngành công nghiệp không khói. Không lâu nữa, đảo ngọt này như con rồng ngủ quên sẽ chuyển mình, quay đầu, vươn xa ra biển Đông với những bước tiến ngoạn mục.
Nhóm tác giả
(Còn tiếp)
Nguồn Sóc Trăng : https://baosoctrang.org.vn/huyen-cu-lao-dung/202502/nhung-hon-ngoc-xanh-giua-dong-song-hau-5ad7d0d/