Những 'kẻ thù' không ngờ của nội thất ô tô

Những 'kẻ thù' không ngờ của nội thất ô tô
một ngày trướcBài gốc
Ngoài trang bị kỹ năng lái xe an toàn, tài xế cần tìm hiểu thêm những phụ kiện có thể gây hư hại cho xe nếu không được dùng đúng cách.
Sản phẩm tạo mùi hương
Các sản phẩm tạo mùi hương trên ô tô bao gồm dạng treo ở gương hậu, sáp thơm ở họng gió điều hòa và dung dịch trong bình khuếch tán thụ động. Trong thành phần chất tạo mùi của các sản phẩm tạo mùi này có chứa dung môi dễ bay hơi, nhằm lan tỏa mùi hương hiệu quả trong không khí. Tính chất chung của những dung môi này là ăn mòn bề mặt vải, sơn, nhựa...
Do đó, nếu các sản phẩm tạo mùi hương này tiếp xúc trực tiếp với nút bấm, họng gió, bệ tì tay...trong ô tô, rất dễ xảy ra hiện tượng bong tróc. Đặc biệt, nếu để tiếp xúc lâu đi kèm với thời tiết nóng ẩm, các chi tiết nhựa có thể bị chảy.
Để không ảnh hưởng đến nội thất ô tô, nên treo các sản phẩm tạo mùi hương chắc chắn ở vị trí gương chiếu hậu. Nếu cản tầm nhìn, có thể đặt tại hộc để đồ. Lưu ý, không nên treo sản phẩm tạo mùi tại vị trí cần số, trước họng gió điều hòa.
Với nước hoa dạng dung dịch khuếch tán, không nên đặt ở vị trí táp-lô. Bởi nếu va chạm, nước hoa sẽ bắn khắp khoang xe, có thể làm cháy xém bề mặt táp-lô.
Sản phẩm tạo mùi hương có thể gây hại cho nội thất xe. (Ảnh: Wuling)
Mỹ phẩm
Không chỉ các sản phẩm tạo mùi, mỹ phẩm sử dụng hàng ngày như kem chống muỗi, bình xịt chống muỗi chứa hợp chất DEET, có tính ăn mòn cao với nhựa, da, cao su, vải nhân tạo...
Bên cạnh đó, kem chống nắng chứa thành phần titan oxide có thể phản ứng với bề mặt nhựa và dầu tự nhiên trong ghế da, nhất là ở nhiệt độ cao, gây phai màu.
Hóa chất mạnh
Hóa chất mạnh được xem là "kẻ thù giấu mặt" của nội thất ô tô. Nhiều người cho rằng, sử dụng xà phòng, nước rửa kính hay chất tẩy mạnh sẽ giúp nội thất xe sáng bóng. Nhưng thực tế, hóa chất tẩy rửa mạnh có thể vô tình làm hỏng lớp bảo vệ bề mặt nội thất ô tô, khiến nội thất xe xuống cấp nhanh hơn.
Theo đó, hóa chất mạnh làm mất lớp bảo vệ khiến da và nhựa bị bạc màu, thậm chí khô cứng, rạn nứt...
Các loại dung dịch chứa axit hoặc kiềm mạnh có thể làm mờ, xước hoặc thậm chí chảy nhựa trên các chi tiết táp-lô, cần số, cửa xe...
Minh Phương (tổng hợp)
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/nhung-ke-thu-khong-ngo-cua-noi-that-o-to-ar927142.html