Lực lượng an ninh gác gần hiện trường vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái của Ấn Độ xuống Karachi, Pakistan, ngày 8/5. Ảnh: THX/TTXVN
Các chuyên gia cho biết đằng sau hậu trường, các nhà hòa giải Mỹ cùng với nhiều kênh ngoại giao ngầm và các bên liên quan trong khu vực, đã chứng tỏ vai trò quan trọng trong việc ngăn Ấn Độ - Pakistan tiến sâu đến bờ vực chiến tranh.
Tối 10/5, Tổng thống Trump tuyên bố Ấn Độ và Pakistan đã đồng ý ngừng bắn sau cuộc họp kéo dài 48 giờ với giới chức Mỹ do Phó Tổng thống Mỹ JD Vance và Ngoại trưởng Marco Rubio dẫn dắt. Giới chức Ấn Độ và Pakistan cũng đã chính thức xác nhận đạt được lệnh ngừng bắn này.
Tổng thống Trump ca ngợi lãnh đạo của cả Ấn Độ và Pakistan vì đã đồng ý chấm dứt giao tranh. Trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Trump nêu bật: “Dù chưa được thảo luận nhưng tôi sẽ tăng cường thương mại với cả hai quốc gia này. Bên cạnh đó, tôi sẽ hợp tác với cả hai bên để tìm kiếm một giải pháp khả thi cho vấn đề Kashmir”.
Bà Tanvi Madan, một thành viên cấp cao tại Viện Brookings (Mỹ) nhận định rằng cuộc gọi của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tới Tổng tư lệnh quân đội Pakistan Asim Munir vào ngày 9/5 "có thể là điểm then chốt". Bà lập luận: “Chúng ta vẫn chưa biết nhiều về vai trò của các bên quốc tế khác nhau, nhưng rõ ràng là trong 3 ngày qua, ít nhất 3 quốc gia đã nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng Ấn Độ - Pakistan, đó là Mỹ, Anh và Saudi Arabia”.
Các chuyên gia tại Pakistan nhận định rằng, khi chu kỳ leo thang căng thẳng ngày càng sâu sắc, Pakistan đã gửi "tín hiệu kép" trả đũa bằng quân sự đồng thời thông báo về cuộc họp của Cơ quan chỉ huy quốc gia (NCA) - một lời nhắc nhở rõ ràng về sự tồn tại của vũ khí hạt nhân. NCA vốn kiểm soát và đưa ra quyết định liên quan đến vũ khí hạt nhân của Pakistan. Chính ở thời điểm đó, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã vào cuộc.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pakistan Ishaq Dar nói với giới truyền thông địa phương rằng có 30 quốc gia đã tham gia vào hoạt động ngoại giao, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Mỹ.
Theo BBC (Anh), các nhà ngoại giao Ấn Độ nhìn nhận có 3 hướng ngoại giao quan trọng ở giai đoạn căng thẳng vừa qua. Thứ nhất là sức ép từ Mỹ và Anh. Tiếp đó là hòa giải của Saudi Arabia, với Ngoại trưởng Saudi Arabia đến thăm thủ đô của cả Ấn Độ và Pakistan. Cuối cùng là kênh trực tiếp Ấn Độ - Pakistan giữa hai cố vấn an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại hoài nghi về tính bền vững của lệnh ngừng bắn sau các sự kiện ngày 10/5. Sáng sớm 11/5 (theo giờ Việt Nam), chỉ vài giờ sau khi đạt được lệnh ngừng bắn, Ấn Độ và Pakistan đã cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận. Đêm 10/5 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Ấn Độ Vikram Misri tuyên bố Pakistan nhiều lần vi phạm thỏa thuận đã đạt được giữa hai quốc gia. Về phần mình, Bộ Ngoại giao Pakistan cho rằng lực lượng Ấn Độ là bên vi phạm lệnh ngừng bắn trước, đồng thời khẳng định các lực lượng Pakistan vẫn cam kết thực hiện thỏa thuận và đang xử lý tình hình một cách có trách nhiệm và kiềm chế.
Theo các nhân chứng của hãng thông tấn Reuters (Anh), đến rạng sáng 11/5, giao tranh và tiếng nổ đã lắng xuống ở cả hai phía biên giới.
Hà Linh/Báo Tin tức và Dân tộc