Những kho báu ở Phong Nha - Kẻ Bàng

Những kho báu ở Phong Nha - Kẻ Bàng
7 giờ trướcBài gốc
Trong lòng chúng là vô vàn hang động, sông ngầm, hóa thạch và trầm tích quý hiếm.
Sáng sớm, mây vắt ngang những dãy núi đá vôi trùng điệp. Từ đỉnh U Bò, nhìn xuống rừng Phong Nha - Kẻ Bàng, từng tán cây già phủ sương như đang thì thầm những bí mật của địa cầu.
Lưu giữ một phần quá khứ
Đây không chỉ nổi tiếng với cảnh quan kỳ vĩ mà còn là một "bảo tàng địa chất" sống động hiếm có trên thế giới. Ông Lê Thúc Định, Trưởng Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế Ban Quản lý Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng, nói như thế khi dẫn tôi qua con dốc nhỏ phủ rêu trên những khối núi đá vôi hình thành cách đây hơn 400 triệu năm - thuộc hàng cổ nhất châu Á.
Quá trình kiến tạo địa chất lâu dài đã tạo nên hệ thống núi đá vôi karst đồ sộ, với hàng trăm hang động, sông ngầm và lớp trầm tích quý hiếm dưới lòng đất.
Quang cảnh hùng vỹ núi rừng Phong Nha - Kẻ Bàng
Phong Nha - Kẻ Bàng không chỉ là kỳ quan về thắng cảnh như nhiều người đã biết. Với các nhà khoa học, đây còn là một thực thể sống, ví như một "phòng thí nghiệm ngoài trời" - nơi thiên nhiên và con người cùng thấu hiểu, cùng bảo vệ nhau, mở ra những chân trời mới của khoa học và sinh kế bền vững.
Trên bản đồ bảo tồn quốc tế, tên Phong Nha - Kẻ Bàng nổi bật với 3 tiêu chí danh giá được UNESCO công nhận: hệ địa chất - địa mạo độc nhất, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ. Và đằng sau những danh hiệu ấy là cả một hành trình miệt mài khám phá của các nhà khoa học, kiểm lâm, cộng đồng bản địa và những người thầm lặng gìn giữ di sản.
"Phong Nha - Kẻ Bàng không chỉ là điểm đến du lịch nổi tiếng toàn cầu, mà còn là nơi rất nhiều người trên thế giới đến để học cách hiểu và sống hòa hợp với tự nhiên" - ông Định cho biết mắt không rời khỏi lớp địa tầng bị bóc lộ, nơi các lớp đá trầm tích cổ xếp chồng như cuốn sử ký hàng trăm triệu năm của vỏ Trái đất.
Bên trong khối đá vôi là hàng ngàn mẫu hóa thạch, dấu tích cổ xưa. Các lớp địa tầng trầm tích còn bảo tồn nguyên vẹn vết tích cổ sinh học, giúp giới khoa học lần theo dấu vết của sự sống hàng triệu năm trước. Nhờ những giá trị này, Phong Nha - Kẻ Bàng 2 lần được UNESCO công nhận vào năm 2003 và 2015.
Không chỉ nổi tiếng với hệ thống hang động kỳ vĩ, giữa lòng rừng nguyên sinh Phong Nha - Kẻ Bàng còn ẩn chứa báu vật sinh học là quần thể bách xanh cổ thụ quý hiếm, có tuổi đời trên 500 năm - một trong số ít nơi trên thế giới còn tồn tại loài cây này. Những cây bách xanh sừng sững bám rễ vào vách đá vôi dựng đứng, sinh trưởng ở độ cao gần 700 m so với mực nước biển.
Quần thể bách xanh cổ thụ quý hiếm, có tuổi đời trên 500 năm ở Phong Nha - Kẻ Bàng
Theo ông Định, quần thể bách xanh có diện tích lên đến 5.000 ha, tạo thành một cánh rừng nguyên sinh rộng lớn, nơi hàng ngàn cây cao vút trên 30 m, thân cây có đường kính hơn 2 m, như một kỳ quan sinh học vừa phát hiện 20 năm về trước. Điều thú vị, bách xanh ở núi đá là loài "khó tính", chỉ sống một mình trên đá, ở độ cao nhất định. Nhưng kỳ lạ thay, lại có 3 loài lan quý hiếm cùng sống với chúng là hài xanh, hài đốm và hài xoắn. Cả 3 loài lan này đều nằm trong Sách đỏ quốc tế, có nguy cơ tuyệt chủng.
Với diện tích hơn 123.000 ha, trong đó phần lớn là địa hình karst, Phong Nha - Kẻ Bàng là hiện trường thực địa quý báu của địa chất học, cổ sinh học và khí hậu học. Giới khoa học gọi đây là "cánh cửa thời gian" dẫn vào lịch sử hành tinh, nơi mỗi hang động, sông ngầm đều lưu giữ một phần quá khứ của Trái đất.
Phong phú và độc đáo bậc nhất
Giữa lòng những khối núi đá vôi cổ đại ở Phong Nha - Kẻ Bàng có một "thế giới khác" là hệ thống hang động và sông ngầm dài hơn 400 km dưới lòng đất, tạo nên "vương quốc ngầm" bí ẩn, nơi con người mới như chỉ chạm đến phần nổi của tảng băng chìm.
Ngoài "mê cung trong lòng đất" như hang Sơn Đoòng, hang Én, động Phong Nha, Thiên Đường... đã nổi tiếng thế giới, trong 5 năm gần đây, các nhà khoa học ở Phong Nha - Kẻ Bàng đã ghi nhận phát hiện thêm hàng chục hang động, sông ngầm mới, mở rộng thêm 14 km vào bản đồ hang động. Tổng chiều dài hang động khảo sát đã lên tới 246 km. Đáng chú ý, bên trong các hang động có thêm 7 loài động, thực vật mới được phát hiện, nâng tổng số loài mới tại khu vực này lên 48 - con số khiến nhiều chuyên gia quốc tế bất ngờ.
Bên trong các hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng ẩn chứa nhiều bí mật đang chờ khám phá
Trong chuyến khảo sát gần đây, nhóm chuyên gia hang động Hoàng gia Anh - những người đã hơn 30 năm gắn bó với vùng karst Phong Nha - tiếp tục phát hiện các nhánh hang mới nối giữa hang Va, hang Nước Nút và khu vực Sơn Đoòng. Bên trong, thạch nhũ khổng lồ vươn lên như tượng đài thời gian, hồ ngầm trong vắt phản chiếu trần hang uốn lượn. Không khí lạnh buốt nhưng sự sống vẫn hiện hữu. Cá không mắt, bọ cạp, tắc kè đá, tôm phát quang, dơi tụ đàn trên vòm hang và hàng loạt loài vi sinh vật thích nghi kỳ lạ trong bóng tối vĩnh cửu.
Bên trong hang Sơn Đoòng còn có hệ sinh thái riêng biệt - một khu rừng nguyên sinh phát triển nhờ ánh sáng lọt qua hố sụt. Rêu phủ đá, chim chóc và thằn lằn sinh sống quanh các giếng trời.
Bên trong hang Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới có hệ sinh thái riêng biệt. Ảnh: OXALIS
Mới đây, các nhà khoa học từ nhiều viện nghiên cứu Việt Nam công bố báo cáo về đa dạng sinh học khu vực này, phát hiện 80 loài chân khớp hình nhện, trong đó có 10 loài mới và 13 loài chưa định danh. Con số này cho thấy Sơn Đoòng là một trong những môi trường sống phong phú và độc đáo bậc nhất thế giới dưới lòng đất.
Dọc theo hệ sông ngầm dưới các hang Én, Tú Làn, hang Va... là các tầng trầm tích giàu canxi và magie - nơi nhiều loài côn trùng, nhện núi, nhuyễn thể phát triển. Một số loài ốc hang chỉ tồn tại trong các hang ở Phong Nha - Kẻ Bàng, không có mặt ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Giữa vùng đất có từ hàng trăm triệu năm trước, những sinh cảnh đặc hữu này đang lưu giữ ký ức sống động nhất về tiến hóa - nơi khoa học theo dõi những biến động sâu kín của hành tinh.
Giữ tương lai của mình
Phong Nha - Kẻ Bàng không chỉ là di sản địa chất mà còn là "bảo tàng sống" với hệ sinh thái rừng nguyên sinh, hang động và sông ngầm gần như nguyên vẹn. Nhưng giữa vùng đá vôi hùng vĩ ấy, các dấu hiệu xói mòn tự nhiên lẫn nhân tạo đang dần hiện rõ, ấy là thách thức không chỉ đến từ con người, biến đổi khí hậu cũng đang tác động rõ rệt đến hệ sinh thái.
Mới đây, Trung tâm Bảo vệ rừng và Di sản thế giới được thành lập thay cho Hạt Kiểm lâm nhằm tiếp nối sứ mệnh bảo vệ VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.
"Ngày nào cũng có người đi rừng. Không phải ai cũng vào để ngắm cảnh. Có người vào tìm lan, tìm gỗ hoặc chỉ khám phá rừng nguyên sinh. Các trạm kiểm soát liên tục tăng cường tuần tra nhưng địa hình hiểm trở khiến việc kiểm soát toàn bộ hơn 123.000 ha rừng là thách thức lớn" - ông Phạm Văn Tân, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ rừng và Di sản thế giới, chia sẻ.
Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, cho biết đơn vị đang bước vào giai đoạn số hóa toàn diện. Một cơ sở dữ liệu điện tử về địa chất, sinh học, hang động và tri thức bản địa đang được xây dựng, phục vụ nghiên cứu, giám sát rừng và hoạch định chính sách. Từ ảnh viễn thám, trí tuệ nhân tạo (A hép giáo dục bảo tồn vào trường học, hỗ trợ sinh kế bền vững như trồng dược liệu dưới tán rừng, du lịch cộng đồng, nông nghiệp hữu cơ.
"Phong Nha - Kẻ Bàng là kỳ quan nhưng cũng là sinh thể sống cần được bảo vệ từng ngày. Bảo tồn không thể làm một mình, xung quanh đó còn có người dân cùng chung tay, đồng hành và che chở, bởi giữ rừng di sản không chỉ là giữ một danh hiệu, mà là giữ lấy chính tương lai của mình" - ông Thái bộc bạch.
Theo Ban Quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, công tác bảo tồn hiện nay không chỉ dừng ở việc giữ rừng mà đang được mở rộng theo hướng chủ động và hội nhập. Ban Quản lý đang tích cực hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước để xây dựng hồ sơ đề cử Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, hướng đến danh hiệu "Danh lục Xanh". Đồng thời, việc huy động và đa dạng hóa nguồn lực cũng được đẩy mạnh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường năng lực bảo tồn di sản.
Đơn vị này cũng đang tăng cường kết nối với UNESCO, các tổ chức quốc tế và các thành viên mạng lưới các VQG thế giới để học hỏi kinh nghiệm, chung tay bảo vệ hệ sinh thái quý giá của khu vực.
Hơn hai thập niên kể từ ngày được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng ở Quảng Bình không chỉ là niềm tự hào về cảnh quan kỳ vĩ, mà còn là hiện trường sống động của khoa học, khai mở nhiều bí ẩn của tự nhiên và sự sống. Đây là một trong hai vùng karst cổ đại nhất châu Á, là "bảo tàng địa chất" khổng lồ.
Bài và ảnh: HOÀNG PHÚC
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/nhung-kho-bau-o-phong-nha-ke-bang-196250517221156034.htm