Những khối quần chúng diễu hành trong đại lễ 30/4

Những khối quần chúng diễu hành trong đại lễ 30/4
3 giờ trướcBài gốc
Khối Thiếu nhi và Thanh niên trong buổi tổng hợp luyện ngày 22/4 tại TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.
Tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 24/4, ông Hà Quốc Cường, Giám đốc Nhà hát Kịch Thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, công bố kế hoạch chi tiết chương trình diễu hành các khối quần chúng trong lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tổ chức (30/4/1975 – 30/4/2025).
Theo đó, Ban tổ chức đã tập trung họp bàn thống nhất việc lập danh sách, bố trí lực lượng, phân công nhiệm vụ công tác và lịch luyện tập, hợp luyện của Khối xe nghi trượng, Khối diễu hành quần chúng, Khối đứng nền tham gia trong Lễ Kỷ niệm cấp Quốc gia 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) với tinh thần quyết tâm cao, chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng.
Lễ diễu hành năm nay được kỳ vọng sẽ để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Các khối diễu hành được TP.HCM huy động từ nhiều lực lượng đại diện cho các tầng lớp nhân dân, trong đó nổi bật là khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, phụ nữ, thiếu nhi và thanh niên, cùng khối văn hóa - thể thao - truyền thông. Mỗi khối mang theo một câu chuyện, một thông điệp về tinh thần đại đoàn kết, sự nối tiếp truyền thống và khát vọng phát triển của đất nước.
Hơn 10.000 người thuộc lực lượng diễu binh, diễu hành xuất phát từ Thảo Cầm Viên hướng về Dinh Độc Lập (quận 1) tối 22/4. Ảnh: Duy Hiệu.
Khối mở đầu của đoàn diễu hành là ba xe mô hình do TP.HCM thiết kế và thực hiện. Xe đầu tiên mang biểu tượng Quốc huy đặt trên hình tượng chim Lạc - biểu trưng cho khát vọng vươn lên của dân tộc. Đi sau là xe rước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu, người mở đường và dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi. Chiếc xe thứ ba mang biểu tượng 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tái hiện không khí hào hùng của Đại thắng mùa Xuân 1975.
Đặc biệt, Khối Tôn vinh các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, nhân chứng lịch sử tiêu biểu gồm 350 đại biểu là các anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động và nhân chứng lịch sử tiêu biểu đến từ khắp mọi miền đất nước.
Họ sẽ diễu hành qua lễ đài trên 7 chiếc xe buýt hai tầng được trang trí hình ảnh cờ giải phóng, mỗi xe gắn liền với một vùng miền, từ Việt Bắc lịch sử đến Đông Nam Bộ kiên cường, từ Tây Nguyên đại ngàn đến Đồng bằng sông Cửu Long trù phú. Họ chính là những trang sử sống, nối kết giữa quá khứ và hiện tại, giữa gian khổ và vinh quang.
Các khối diễu hành quần chúng còn lại mang màu sắc tươi mới của xã hội đương đại. Mỗi thành viên đều là đại biểu tiêu biểu, được lựa chọn từ các đơn vị, tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn thành phố.
Khối phụ nữ mang vẻ đẹp của truyền thống và hiện đại. Khối thanh thiếu nhi là hiện thân cho tương lai. Khối trí thức, doanh nhân, nông dân và công nhân thể hiện tinh thần sáng tạo, lao động và cống hiến trong thời kỳ mới.
Nhóm 39 người ở Hội Phụ nữ Củ Chi xem tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành trên đường Lê Duẩn, quận 1 ngày 22/4. Ảnh: Linh Huỳnh.
Khối văn hóa – thể thao – truyền thông với hơn 450 người là lực lượng đông đảo nhất, bao gồm các văn nghệ sĩ, vận động viên, phóng viên, biên tập viên, nghệ nhân... Đây là khối đại diện cho đời sống tinh thần năng động, sáng tạo của TP.HCM – nơi đang từng bước trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước và khu vực.
Để chuẩn bị cho lễ diễu hành, tất cả lực lượng tham gia đã bắt đầu tập luyện từ ngày 15/3 đến 17/4 tại nhiều địa điểm trọng điểm gồm: sân vận động Hoa Lư (Quận 1), nhà thi đấu Phú Thọ (Quận 11), khuôn viên Bộ Tư lệnh TP (Quận 10) và trụ sở Lực lượng Thanh niên Xung phong.
Buổi sơ duyệt dự kiến diễn ra vào tối 25/4 và tổng duyệt toàn bộ chương trình vào 6h30 sáng 27/4, cũng tại trục đường này – nơi sẽ diễn ra lễ diễu hành chính thức.
Lễ diễu hành chính thức sẽ bắt đầu từ 6h30 ngày 30/4, với chương trình nghệ thuật mở màn, nghi lễ chào cờ và các khối diễu hành lần lượt tiến qua lễ đài đến khoảng 10h30 cùng ngày.
Về lộ trình, các khối sẽ xuất phát từ đường Lê Duẩn – Mạc Đĩnh Chi (khu vực Thảo Cầm Viên), di chuyển qua lễ đài tại giao lộ Lê Duẩn – Nam Kỳ Khởi Nghĩa, sau đó rẽ trái vào Nam Kỳ Khởi Nghĩa, rẽ phải sang Nguyễn Du và kết thúc tại khu vực Huyền Trân Công Chúa – công viên Tao Đàn.
Khối xe nghi trượng tập trung tại khu vực Lê Duẩn – Phạm Ngọc Thạch (trước Diamond Plaza), sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ rẽ về đường Lê Thánh Tôn. Trong khi đó, khối đứng nền sẽ ổn định vị trí từ 6h sáng tại khu vực lễ đài và giữ đội hình suốt thời gian diễn ra lễ kỷ niệm.
Ngoài sự chuẩn bị về đội hình, trang phục và mô hình xe, công tác y tế, an ninh và truyền thông cũng được triển khai đồng bộ.
12 khối diễu hành quần chúng bao gồm:
1. Khối Tôn vinh các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, nhân chứng lịch sử tiêu biểu
2. Khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
3. Khối Cựu Chiến binh
4. Khối Cựu Lực lượng Thanh niên Xung phong Giải phóng
5. Khối Công nhân
6. Khối Nông dân
7. Khối Trí thức
8. Khối Doanh nhân
9. Khối Đồng bào Việt Nam ở nước ngoài
10. Khối Phụ nữ
11. Khối Thiếu nhi và Thanh niên
12. Khối Văn hóa, Thể thao - truyền thông
Quỳnh Trang
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/nhung-khoi-quan-chung-dieu-hanh-trong-dai-le-304-post1548483.html