Những kỳ tích ở công trình Trung tâm Triển lãm Quốc gia

Những kỳ tích ở công trình Trung tâm Triển lãm Quốc gia
14 giờ trướcBài gốc
Công trình này không chỉ là điểm nhấn hạ tầng chiến lược của Thủ đô mà còn là minh chứng cho năng lực thực sự của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, với dấu ấn đậm nét của Tập đoàn Vingroup và đặc biệt là việc thi công mái vòm thép khổng lồ 24.000 tấn.
Mái vòm Kim Quy và kỳ tích của cơ khí Việt Nam
Nhiều chuyên gia từng góp phần xây dựng Luật Doanh nghiệp năm 1999 - nền tảng cho sự phát triển khu vực tư nhân Việt Nam, đã không giấu được xúc động khi tận mắt chứng kiến công trình quy mô này.
Là một trong số đó, bà Phạm Chi Lan chia sẻ: "Tôi thật sự vui mừng khi trong đời mình được chứng kiến doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đủ năng lực dựng nên một công trình mang tầm vóc như vậy".
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), người từng tham gia xây dựng Luật Đất đai, cho rằng cho rằng thật khó tưởng tượng các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lại có thể thiết kế và thi công một công trình mang tính kỳ tích như VEC.
“Tôi rất ngạc nhiên và cảm thấy tự hào vì người Việt đã làm được nhiều điều, như công trình này”, ông bày tỏ.
Nổi bật nhất trong toàn bộ tổ hợp là Nhà triển lãm Kim Quy với diện tích 13ha trong nhà, cao 56m, cùng 9 cửa lớn và 9 đại sảnh đa năng. Điểm nhấn của công trình chính là mái vòm thép nặng tới 24.000 tấn, được xác lập là kết cấu mái vòm thép lớn nhất thế giới. Đây là con số choáng ngợp, thể hiện sự vượt trội về quy mô và kỹ thuật.
Phó Chủ tịch Vingroup Nguyễn Việt Quang kể rằng, ban đầu, thiết kế do một đơn vị Đức thực hiện, nhưng Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng đã trực tiếp chỉ đạo chuyển sang hình tượng Kim Quy - một biểu tượng mang đậm dấu ấn văn hóa Việt, độc đáo và ý nghĩa.
Công trình có kế hoạch xây dựng trong vòng 2 năm, sau đó được rút xuống còn 10 tháng để chuẩn bị cho nhiều sự kiện quan trọng.
Trung tâm Triển lãm Quốc gia được hoàn thành trong thời gian kỷ lục. "Đây là kết tinh của năng lực quản lý, kinh nghiệm, tài chính của chúng tôi và các nhà thầu trong tổ chức thi công", ông Quang chia sẻ.
Theo ông Trịnh Tiến Dũng, CEO của Đại Dũng, đơn vị thi công chỉ có 5 tháng để hoàn thành lắp dựng toàn bộ mái vòm 24.000 tấn. Số sắt thép này được Đại Dũng sản xuất ngay tại Việt Nam.
Hơn 1.000 công nhân và kỹ sư phải làm việc 24/24 giờ, chia 3 ca, huy động tối đa nguồn lực, vật tư và các thiết bị siêu trọng, trong đó có những loại cẩu tải trọng lên tới 500 tấn.
Mái vòm được thiết kế dạng giàn không gian với các kèo xuyên tâm mô phỏng nan mai rùa, sử dụng thép tiêu chuẩn ASTM có khả năng chịu gió bão cấp 12 và động đất cấp 8. Hơn 100.000 nút cầu thép và ốc vít cường độ cao được lắp đặt với sai số cho phép chỉ dưới 3mm, cùng với công nghệ quét laser 3D để kiểm soát biến dạng, đảm bảo độ chính xác tuyệt đối.
Thành công của dự án này khẳng định vị thế của một doanh nghiệp Việt Nam đã vươn tầm quốc tế.
Trước đó, Đại Dũng đã trúng gói thầu thiết bị kết cấu thép cho hai sân vận động phục vụ World Cup 2022 tại Qatar là Lusail (80.000 chỗ ngồi) và Ras Abu (40.000 chỗ ngồi). Điều này chứng tỏ năng lực và uy tín của cơ khí Việt Nam trên trường quốc tế.
Đặt niềm tin vào kinh tế tư nhân
Dành những lời khen ngợi cho công trình và năng lực của Vingroup, chuyên gia Phạm Chi Lan cho hay: "Doanh nghiệp tư nhân thực sự hiểu thời gian là tiền bạc, họ làm bằng chính đồng vốn của mình nên từng ngày thi công đều phải được tối ưu về chi phí, tiến độ và hiệu quả. Họ cũng chủ động hoàn toàn trong việc ra quyết định, huy động nguồn lực, phối hợp các bên liên quan để đạt mục tiêu cuối cùng".
Theo bà, Vingroup đã chứng minh khả năng tập trung tối đa nguồn lực - nhân lực, tài chính, công nghệ và đối tác, để hoàn thành một dự án chiến lược với tốc độ "thần tốc", vượt kỳ vọng.
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhấn mạnh: "Với một đất nước rất mở và đang hội nhập sâu rộng, việc có được một trung tâm như vậy đáp ứng chính nhu cầu của Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Công trình này còn mang ý nghĩa biểu tượng rất cao, thể hiện vị thế và khả năng kết nối của Việt Nam với thế giới".
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, KTS. Trần Ngọc Chính, cũng khẳng định: "Các công trình được triển khai nhanh, quyết liệt, đặc biệt không đội vốn, thể hiện tinh thần chống lãng phí, tiết kiệm nguồn lực to lớn cho đất nước".
Thành công của Vingroup đã mở ra một hướng đi rõ ràng và hiệu quả cho việc xã hội hóa hạ tầng, chứng minh rằng doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có khả năng đảm nhiệm những nhiệm vụ quan trọng để kiến thiết quốc gia.
Ngày 27/6, Vingroup đã chính thức bàn giao Nhà triển lãm Kim Quy và khu vực triển lãm ngoài trời cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để sẵn sàng cho Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh. Triển lãm diễn ra từ 28/8-5/9, hứa hẹn có quy mô chưa từng có.
Với tổng quy mô hơn 900.000m2 và quy mô thiết kế lên tới 304.000m2 diện tích triển lãm trong nhà, VEC không chỉ là tổ hợp lớn nhất Đông Nam Á mà còn là không gian triển lãm liên thông lớn thứ hai thế giới.
Các hạng mục như 4 khu công viên triển lãm ngoài trời (hơn 200.000m2 - top 3 thế giới), trung tâm triển lãm thường xuyên, trung tâm hội nghị tiêu chuẩn quốc tế với 3 ballroom lớn có sức chứa lên đến 5.000 người, cùng khu vực tiện ích hiện đại như loading bay cho container và bãi đỗ xe hơn 10.000 chỗ.
VEC đi vào hoạt động không chỉ là nền tảng thúc đẩy phát triển nền kinh tế "Expo" mà còn tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp giao lưu, quảng bá, xúc tiến thương mại.
Tư Giang
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/nhung-ky-tich-o-cong-trinh-trung-tam-hoi-cho-trien-lam-quoc-gia-2422183.html