Những loại bánh ngon trứ danh nhất định phải thưởng thức khi đến Huế

Những loại bánh ngon trứ danh nhất định phải thưởng thức khi đến Huế
5 giờ trướcBài gốc
Mê mẩn khay bèo, nậm, lọc, ram ít
Nằm trên một khay nhưng thực tế lại là sự kết hợp của nhiều loại bánh cùng làm từ các loại bột như bột gạo, bột mì và bột lọc. Đôi khi, những loại bánh này thường được các quán bán kết hợp trong một khay với mỗi thức một xíu để thực khách thử cảm nhận và trải nghiệm cái ngon riêng của từng loại bánh. Qua đó, có nếu thấy loại bánh nào ngon có thể kêu riêng một đĩa để ăn cho đã thèm.
Khay bánh đủ loại bèo, nậm, lọc, ram ít của xứ Huế khiến nhiều thực khách mê mẩn.
Bánh nậm: là một trong những đặc sản Huế nổi tiếng và dễ dàng tìm thấy ở bất cứ đâu khi đến Huế, từ các gánh hàng rong, quán ăn bình dân trên phố hay các nhà hàng sang trọng. Loại bánh Huế này được làm từ bột gạo tráng mỏng, gói trong lá dong, ăn cùng chả tôm và nước mắm cay ngọt. Ở Huế, bánh ram ít là một trong những món ăn dân dã rất quen thuộc với người dân.
Những chiếc bánh nậm xứ Huế nhìn tưởng chừng đơn giản nhưng lại có hương vị khiến thực khách khó quên.
Bánh ram ít: Bánh ram và bánh ít là hai thứ không ăn nhập gì với nhau nhưng qua bàn tay tài hoa của người Huế, bánh ram ít Huế trở thành một món ăn dân dã được du khách gần xa biết tiếng. Bánh ram ít gồm 2 phần là ram và ít nên khi chế biến, người ta sẽ làm riêng ram và ít . Phương pháp để làm 2 loại này rất khác nhau nhưng lại có chung nguyên liệu là bột nếp. Người dân xứ Huế thường lựa chọn loại bột nếp được xay từ nếp nguyên chất.
Nhân bánh ít không phải là thịt như những loại bánh khác mà là nhân tôm đất. Tôm đất là một đặc sản đặc trưng của ẩm thực Huế. Tôm sẽ được xào trong mỡ hành đến khi chín rồi múc ra. Dùng tôm đất làm nhân bánh sẽ tạo nên một hương vị rất riêng của Huế trong món bánh ram ít.
Bánh ram không cần làm nhân, bánh được chiên trên chảo nhiều dầu mỡ đến khi bánh giòn và có màu vàng sậm. Vớt bánh ra để trên lớp giấy thấm cho ráo dầu. Đặt một cái bánh ít lên trên cái bánh ram, dùng đũa dằn cho bánh mỏng ra và ép chặt vào cái bánh ram.
Bánh ram ít được chia làm 2 phần là phần bánh ít mềm dẻo ở phía trên và phần bánh ram thơm giòn ở bên dưới. Hai thứ hương vị tưởng chừng không thể kết hợp này khi qua bàn tay khéo léo của người làm bánh tạo nên một hương vị cuốn hút riêng. Thêm vào bánh một ít tôm cháy và chấm vào nước chấm chua ngọt thì hấp dẫn không gì bằng.
Bánh bột lọc: Thật ra có khá nhiều địa phương ở miền Trung làm như Quảng Bình, Quảng Trị... nhưng bánh lọc của người Huế luôn có những đặc trưng và hương vị riêng. Nếu như người dân Quảng Trị thường làm bánh bột lọc với vị vừa ăn thì người Huế lại làm nhạt hơn một chút để chấm với chén nước mắm ruốc ớt xanh để tạo ra hương vị đặc trưng riêng.
Bánh bột lọc chấm với nước mắm ruốc, ớt xanh của xứ Huế tạo ra hương vị riêng, khác biệt với bánh bột lọc của các địa phương khác.
Nguyên liệu chính được dùng chế biến món đặc sản này đó chính là bột năng, tôm và thịt heo. Phần bột năng sẽ được làm từ loại gạo ngon nhất, tôm tươi sẽ được rửa sạch, để nguyên vỏ để lúc hấp bánh tôm sẽ có màu đỏ đẹp mắt. Nhân của món ngon xứ Huế này sẽ có cả phần thịt heo kho rim. Vị giòn giòn thơm thơm của tôm, hòa quyện cùng thịt heo sẽ giúp cho bánh thêm phần đậm đà. Đặc biệt, nước chấm bánh sẽ tận dụng luôn phần nước xào nhân tôm còn trong chảo.
Ở Huế sẽ có hai loại bánh bột lọc, đó là bánh bột lọc Huế không cần lá chuối và một loại được gói bằng lá chuối (bánh lọc trần). Nhân tôm thịt có lẽ sẽ là linh hồn của món ăn nổi tiếng xứ Huế này. Người chế biến cần khéo léo trong việc sơ chế nguyên liệu, tẩm ướp, sau đó đem tôm sau khi xào để có được phần nhân đậm đà hơn. Nước chấm cũng rất quan trọng sẽ giúp cho món bánh bột lọc được chuẩn vị nhất. Người Huế thường sử dụng nước mắm ruốc nguyên chất và cắt vào trong một vài lát ớt xanh.
Bánh bèo: Bánh bèo là một trong những món đặc sản nổi tiếng và đã trở thành nét đặc sản của văn hóa ẩm thực xứ Huế. Từ những lễ hội lớn, ngày Tết, giỗ cho đến những bữa cơm hằng ngày, hay bữa cơm thân mật đãi khách từ xa đến đều có sự hiện diện của bánh bèo.
Những chén bánh bèo xứ Huế.
Sở dĩ món bánh này có tên gọi như thế là bởi hình ảnh như một cái lá của cây bèo. Bánh bèo Huế có thành phần chính là bột gạo nên có màu sắc trắng muốt, tròn đầy rất bắt mắt. Đặc biệt nó còn mang nét rất riêng không giống như những loại bánh bèo ở nơi khác, chẳng hạn như bánh bèo Hải Phòng phần nhân thường có mộc nhĩ, thịt nạc, hành khô, khi ăn thì rắc thêm tiêu; bánh bèo Nghệ An làm bằng bột lọc và gần giống với bánh lọc Huế; bánh bèo Quảng Nam thì thường đổ vào những chén dẹt to như chén ăn cơm nên nhanh no hơn…
Còn bánh bèo Huế thì được đổ vào những chén nhỏ to cỡ trái bóng bàn, tuy trông có vẻ mong manh nhưng lại hợp phong cách “ăn hương ăn hoa” của người cố đô, coi trọng chất lượng hơn số lượng. Nhân bánh là tôm cháy màu vàng rộm kết hợp với mỡ hành, ăn kèm có nước mắm ngọt với ớt băm cay cực ngon.
Bánh ép Thuận An - thứ bánh ăn hoài không ngán
Thuận An là vùng đất ven biển nay thuộc TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) nổi tiếng với những vựa cá, hải sản lớn bậc nhất ở Huế. Bánh ép thoạt nhìn rất giống bánh tráng nướng, nhưng mùi vị và cách chế biến rất khác nhau. Bánh được làm từ những nguyên liệu đơn giản là bột lọc, thịt heo, trứng, hành lá...
Trước khi ép, bánh sẽ được vo sẵn thành từng viên bột nhỏ, nhân bánh khá đa dạng với trứng, thịt, pate, bò khô. Giống như tên gọi của bánh, bánh ép được làm chín bằng cách ép bột bánh và nhân vào giữa hai miếng nhôm trên lò than hồng. Khi ép, bánh được đặt vào giữa hai tấm gang nóng đỏ rực được bôi dầu, đóng lại và dùng lực hai tay ép khuôn thật chặt trong khoảng 5 - 6 giây.
Bánh ép Thuận An là thứ bánh ngon mà nhiều người Huế và du khách ăn hoài không ngán.
Tiếp đó, người làm sẽ mở khuôn ra, thêm vào trứng cút sống rồi tiếp tục ép lần 2 thêm vài giây nữa. Việc ép bánh rất quan trọng, là công đoạn để quyết định xem bánh ra lò có ngon không. Nếu canh được đúng thời điểm khuôn bánh nóng vừa phải, ép đủ lực tay, lật bánh đúng lúc, khi bánh chín sẽ có vỏ hơi giòn bên ngoài nhưng vẫn có độ dẻo và dai bên trong.
Bánh ép được biến tấu ăn kèm với rau răm, nộm chua ngọt và dưa leo. Nước mắm được pha sẵn hoặc khách có thể tự mình pha chế tùy thích với ớt khô chiên dầu và tương ớt. Khi ăn bánh sẽ có vị dai dai, giòn giòn của bột lọc và mùi thơm béo của nhân hòa quyện cùng rau dưa, nước chấm tạo nên hương vị đặc biệt khiến món này ăn hoài mà không ngán.
Bánh ép là món đặc sản lâu đời của ẩm thực Huế. Tùy theo khẩu vị và thói quen mà chiếc bánh ép được làm ra sẽ mang những nét riêng biệt. Bánh ép được bày bán nhiều nơi ở Huế, chính vì vậy nếu có dịp về thăm Huế, đừng quên thưởng thức món bánh độc đáo và hấp dẫn này.
Nguyễn Vương
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/nhung-loai-banh-ngon-tru-danh-nhat-dinh-phai-thuong-thuc-khi-den-hue-ar912054.html