Những loài chim bay cao nhất thế trong giới tự nhiên

Những loài chim bay cao nhất thế trong giới tự nhiên
7 giờ trướcBài gốc
Kền kền Gyps rueppellii: Phân bố chủ yếu ở miền Trung châu Phi, chúng được đặt tên theo nhà thám hiểm người Đức Eduard Rüppell. Chúng là loài ăn xác chết của các loài động vật và là quán quân về độ cao trong thế giới các loài chim. Loài kền kền này có thể bay cao tới 11.300 m.
Sếu cổ trắng: Hay còn được gọi là sếu Á - Âu. Chúng sinh sống tại hầu hết các khu vực thuộc lục địa Á - Âu và cả khu vực Bắc Mỹ. Sếu cổ trắng cũng là một loài chim di cư, chúng thường bay thành từng đàn lớn xuống phương Nam để tránh rét vào mùa Đông, tạo thành những hình chữ V. Sếu cổ trắng có thể bay đến độ cao 10.000 m.
Ngỗng Ấn Độ: Còn được gọi là ngỗng ba sọc. Loài ngỗng này có một cơ thể màu xám sáng và màu trắng trên mặt và cổ, chân màu da cam. Loài này được biết đến là loài di cư, chúng có thể bay cao hơn đỉnh Everest. Ngỗng Ấn Độ thường về phía Nam, trong quá trình này chúng có thể bay đến độ cao 8.800 m.
Thiên nga lớn: Thiên nga lớn là một loài thuộc họ Vịt. Loài này sinh sản ở Iceland và các vùng gần cực bắc châu Âu, châu Á. Vào mùa Đông chúng thường di cư xuống phương Nam nơi có khí hậu ấm áp hơn. Thiên nga lớn có mối quan hệ chặt chẽ với loài thiên nga Bắc Mỹ. Trong lúc di cư, chúng thường phải bay đến độ cao 8.200 m.
Quạ mỏ vàng: Quạ mỏ vàng hay quạ núi mỏ vàng là một loài chim thuộc họ Corvidae. Chúng là một trong hai loài thuộc chi Pyrrhocorax. Chúng phân bố chủ yếu ở Châu Âu, Bắc Phi, Trung Đông và Trung Á. Quạ mỏ vàng có thể bay đến độ cao 8.000 m.
Kền kền râu: Chúng có kích thước rất lớn, với chiều dài trên 1,2m và sải cánh lên đến gần 3 m. Khối lượng từ 4,5 - 8,0 kg. Chúng ăn chủ yếu xác chết của các loài động vật và thi thoảng là cả con mồi sống, sinh sản trên những vách núi cao ở phía nam Châu Âu, Kavkaz và Bắc Phi. Chúng có thể bay đến độ cao 7.300 m để quan sát những con mồi trong khu vực lãnh thổ của chúng.
Vịt cổ xanh: Vịt cổ xanh hay le le có lẽ là loài vịt được biết đến nhất và dễ nhận ra nhất, sinh sống trên khắp các vùng ôn đới và cận nhiệt đới tại Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á, New Zealand và Australia. Vịt cổ xanh được cho là tổ tiên của tất cả các giống vịt nhà. Loài vịt này có thể bay đến độ cao 6.400 m.
Choắt nhỏ thẳng đuôi vằn: Loài chim có chuyến di cư dài nhất thế giới. Choắt nhỏ thẳng đuôi vằn thường sinh sản ở các bờ biển Bắc Cực và lãnh nguyên Bắc Âu, đến mùa Đông chúng sẽ di cư đến những vùng ấm áp hơn ở Ấn Độ, Châu Phi và thậm chí là Australia. Trong quá trình di cư chúng có thể bay đến độ cao 6.000 m.
Chim thần ưng Andes: Thần ưng Andes còn được gọi là kền kền khoang cổ là một loài chim thuộc Họ Kền kền. Chúng phân bố chủ yếu ở Nam Mỹ, khu vực dãy núi Andes. Thần ưng Andes thích các khu vực đồng cỏ núi cao có không gian mở, nơi đây cho phép chúng phát hiện ra các con mồi khi bay trên không. Loài chim này có thể bay đến độ cao 5.000 m.
Hạc trắng: Hạc trắng có tên khoa học là Ciconia ciconia, chúng là một loài chim lớn trong Chi Hạc thuộc họ Hạc. Bộ lông của chúng chủ yếu là màu trắng, với màu đen trên đôi cánh. Là một loài động vật ăn thịt bao gồm côn trùng, cá, động vật lưỡng cư, bò sát... Hạc trắng là một loài di cư đường dài, chúng thường có mặt ở châu Phi vào mùa đông và di cư lên phía Bắc vào mùa hè. Khi di chuyển một quãng đường dài, chúng có thể bay đến độ cao lên đến 4.800 m.
Tuấn Lưu (Tổng hợp)
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/nhung-loai-chim-bay-cao-nhat-the-trong-gioi-tu-nhien-post610408.antd