Hoa ly. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Theo phong thủy, lọ hoa trên bàn thờ có thể mang lại phúc lành và tăng thêm tính uy nghiêm cho không gian thờ cúng. Hoa thường được trưng trên bàn thờ vào các dịp quan trọng như ngày Rằm, mùng Một, ngày giỗ chạp và lễ Tết.
Tuy nhiên, không phải tất cả các loại hoa đều phù hợp để trưng trên bàn thờ ngày Tết. Để không gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, chúng ta cần chọn lọc cẩn thận các loại hoa phù hợp. Dưới đây là một số loại hoa không nên chưng trên bàn thờ.
Hoa ly
Hoa ly được biết đến với hình dáng đẹp và màu sắc rực rỡ, quyến rũ nhưng theo quan niệm phong thủy, bạn không nên sử dụng chúng để dâng lên bàn thờ tổ tiên, dâng lễ Phật. Lý do là vì tên gọi của hoa ly liên quan đến việc "ly tán" hoặc "chia ly," điều này có thể dẫn đến hiểu lầm và ảnh hưởng đến mối quan hệ trong gia đình, dòng họ hoặc bạn bè, đồng nghiệp.
Hoa phong lan
Phong lan là loài hoa được yêu thích vì độ bền cao, nhưng nó không thường được chọn để trang trí bàn thờ tổ tiên, đặc biệt là vào dịp Tết. Có một quan niệm rằng chữ "phong" trong "phong lan" gần nghĩa với "phong tình," "phóng túng" nên nhiều người hạn chế dùng hoa để cắm lên bàn thờ hoặc khi đi dâng Phật.
(Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Hoa lan móng rồng
Hoa móng rồng còn gọi là hoa lan cua được yêu thích bởi vẻ đẹp lạ mắt và hương thơm đặc biệt, thường được ép để ướp trà. Tuy nhiên, hình dáng cánh hoa giống móng rồng lại tạo cảm giác gai góc, không phù hợp với không gian linh thiêng của bàn thờ nên nó hiếm khi được sử dụng trong việc thờ cúng tổ tiên.
Hoa đại (sứ, chămpa)
Hoa đại được biết đến là loài hoa có hương thơm, màu sắc đẹp mắt. Tuy nhiên, người xưa quan niệm rằng loài hoa này không nên để trên ban thờ vì hình dáng bên ngoài giống với bộ phận nhạy cảm ở nữ giới.
Theo truyền thuyết của Lào, hoa đại không phải là loài hoa phù hợp trong chuyện tình yêu trai gái vì nó mang lại những điều không may mắn.
Hoa nhài
Hoa nhài được biết đến với màu trắng tinh khôi và mùi hương nhẹ nhàng, dễ chịu. Tuy nhiên, theo dân gian đây lại là loại hoa không đứng đắn, hay gặp nghịch cảnh. Trong gian thờ, nơi thờ cúng trang nghiêm và linh thiêng, hoa nhài không phải là một lựa chọn phù hợp.
Cúc vạn thọ
Hoa cúc vạn thọ thường mang sắc vàng hoặc cam rực rỡ, biểu tượng của may mắn và sự trường tồn. Tuy nhiên, trong một số nền văn hóa, cúc vạn thọ lại mang ý nghĩa không may mắn.
Trong tiếng Hy Lạp cổ đại, tên của cúc vạn thọ có nghĩa là "bông hoa của người chết." Không giống như một biểu tượng may mắn, hoa này thường được trồng ở các nghĩa trang, lăng mộ.
Một số gia đình Việt Nam cũng không ưa dùng hoa cúc vạn thọ trên bàn thờ vì mùi hương của nó có thể gây khó chịu, nên không được dùng để thờ cúng tổ tiên.
(Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN)
Hoa dâm bụt
Hoa dâm bụt với sắc đỏ rực rỡ và năm cánh nở lớn dễ trở thành điểm nhấn nổi bật trong các khu vườn. Tuy nhiên, nó không được sử dụng để thờ cúng vì trong tên hoa có chữ “dâm."
Theo truyền thuyết, hoa có ý chỉ những người con gái có lối sống không đàng hoàng, lẳng lơ, không chung thủy. Vì vậy loài hoa này không phù hợp với không khí trang trọng và tôn nghiêm của khu vực thờ cúng.
(Ảnh: Getty images)
Hoa phù dung
Hoa phù dung có màu sắc rực rỡ nhưng rất mau tàn. Hoa thay đổi từ màu trắng muốt sang hồng, đỏ, rồi sậm dần theo từng ngày và sau đó lụi tàn khiến nó đã trở thành loại hoa kiêng kị cho việc thờ cúng.
Những loại hoa giả
Hoa giả được xem là điều kiêng kỵ khi trưng bày trên bàn thờ. Hoa giả không nên trưng bày trên bàn thờ vì chúng không thể hiện được sự thành tâm và thanh tịnh. Việc trưng bày hoa giả có thể mang đến những ý nghĩ tiêu cực và ảnh hưởng không tốt đến gia đình.
Hoa héo và hoa khô cũng không nên chưng trên bàn thờ vì chúng mang ý nghĩa tiêu cực và có thể gây ra vận xui. Những loại hoa này có thể khiến công việc gặp khó khăn và cuộc sống trở nên trắc trở./.
(Ảnh: Getty images)
(Vietnam+)