Những lưu ý khi làm móng nhà tránh sụt lún

Những lưu ý khi làm móng nhà tránh sụt lún
6 giờ trướcBài gốc
Móng là kết cấu nằm dưới cùng của công trình xây dựng, đóng vai trò truyền và phân bổ tải trọng của công trình xuống nền đất. Móng nhà càng kiên cố, công trình càng chắc chắn ổn định. Móng nhà không có hình dạng và kích thước cố định, tùy thuộc vào tính chất công trình, khu nền đất và đặc điểm địa chất.
Yếu tố ảnh hưởng đến tải trọng móng nhà
Tải trọng công trình
Tải trọng công trình lên móng là tổ hợp của nhiều tác động như trọng lượng công trình, khối lượng nội thất, gió, động đất...Quan trọng nhất là tải trọng công trình gồm số tầng cao, vật liệu xây dựng. Số tầng càng cao thì tải trọng càng lớn.
Kết cấu móng của công trình lân cận
Việc chọn phương án làm móng nhà cần dựa vào các công trình lân cận. Nếu công trình xây ở điều kiện địa chất giống nhau, kiểu dáng và kết cấu móng không khác biệt.
Nền đất khu vực đào móng
Nền đất tại khu vực đào móng ảnh hưởng trực tiếp đến móng nhà. Mỗi loại đất (đất sét, đất cát, đất rời...) đều có đặc tính khác nhau. Do đó, trước khi đào móng cần khảo sát địa chất để tìm hiểu đặc điểm đất nền, mực nước ngầm, chiều dày lớp đất và khả năng chịu tải của đất theo độ sâu. Đặc biệt, với những công trình cao tầng, càng phải được tính toán cẩn thận địa chất nền đất.
(Ảnh minh họa)
Những lưu ý khi làm móng nhà
Để móng nhà vững chắc, tránh sụt lún, cần lưu ý những vấn đề sau khi làm móng:
Đào độ sâu phù hợp
Độ sâu của móng nhà cần được xác định dựa trên địa chất của nền đất, tải trọng của công trình cũng như tiêu chuẩn tại khu vực. Tùy từng loại móng nhà để đào độ sâu phù hợp, nhằm đảm bảo tính ổn định, tránh hiện tượng trượt và lún đất. Thông thường, móng đơn cần đặt ở độ sâu 0,5 - 2m, móng băng từ 1 - 3m, móng bè và móng cọc có thể đào sâu hơn.
Khảo sát địa chất
Đây là bước quan trọng để quyết định chọn loại móng, phương án thi công...Các đơn vị thi công thường thẩm định độ bằng phẳng của đất nền, đất loại gì, có chặt không, dễ thấm nước không...
Ngoài ra, cũng cần xác định móng nhà có gần mạch nước ngầm không. Tốt nhất nên tránh các mạch nước vì khá ẩm ướt.
Chọn vật liệu phù hợp
Vật liệu thi công móng nhà (cát, xi măng, đá, sắt thép...) cần phải đáp ứng các yêu cầu về khả năng chịu tải trọng, độ bền vững.
Vệ sinh hố móng
Hố móng cần được vệ sinh sạch sẽ trước khi thi công để đảm bảo sự liên kết giữa các vật liệu đạt hiệu quả cao. Điều này giúp đảm bảo tốt những yêu cầu khi thi công và độ bền công trình.
Tính toán lỗ kỹ thuật
Khi thi công móng nhà cần chừa các khoảng trống cho công đoạn lắp đặt hệ thống kỹ thuật như điện, nước...tránh sai sót và tránh đục phá tốn kém.
Tránh thi công trời mưa
Hạn chế thi công vào mùa mưa vì có thể khiến việc đổ bê tông gặp nhiều khó khăn, dễ bị rửa trôi và ảnh hưởng chất lượng công trình. Trong trường hợp bị mưa, cần chuẩn bị các biện pháp bảo vệ như che chắn, dựng vách xung quanh hoặc tăng tỷ lệ xi măng trong bê tông để tăng độ kết dính.
Bằng Lăng (tổng hợp)
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/nhung-luu-y-khi-lam-mong-nha-tranh-sut-lun-ar944029.html