Những lý do khiến khán giả toàn cầu chê Squid Game 3: Kết tệ hại còn 'vắt sữa'

Những lý do khiến khán giả toàn cầu chê Squid Game 3: Kết tệ hại còn 'vắt sữa'
4 giờ trướcBài gốc
* Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim
Sự lặp lại các “công thức”
Có thể nhận thấy dù các trò chơi trong Squid Game 3(Trò Chơi Con Mực 3) không giống hệt mùa đầu tiên, có các trò mới; dàn người chơi ngoại trừ nam chính Seong Gi Hun (Lee Jung Jae) thì đều là người mới; thì mùa 3 vẫn có sự lặp lại “công thức” của mùa 1. Như trong dàn người chơi sẽ có một ông chú xấu tính độc ác, một bà cô sân si, số 001 thực chất là trùm trà trộn…
Điều này khiến khán giả dễ “bắt bài”. Có thể họ không biết chính xác chuyện gì sẽ xảy ra, hay chính xác người chơi nào sẽ ngã xuống, nhưng họ có thể “dự báo” trước và do đó có sự “chuẩn bị”. Câu chuyện bỗng thiếu đi sự bất ngờ, mất đi sự tác động vào tâm lý và cảm xúc.
Một số tình huống mới trong Squid Game 3thì lại gây tranh cãi. Trong đó nổi bật nhất là tình tiết người mẹ 149 tự tay giết con trai mình, dù bà vốn là người bảo bọc con, để cứu mẹ con Jun Hee 222 mới quen không bao lâu khiến nhiều người cảm thấy không được thuyết phục.
Trò chơi “thú vị hơn” - nhưng chỉ bằng miệng
Các trò chơi trong Squid Game 3 có thể leo thang về độ tàn bạo nhưng về sự kịch tính và căng thẳng thì phải nói là kém hơn so với mùa 1. Đa số các trò chơi trong mùa 3, dù là trốn tìm hay nhảy dây, đều có chung một khuôn mẫu là kích các người chơi lao vào tàn sát lẫn nhau. Một lần còn gây sốc, nhưng lặp lại thì ít nhiều gây nhàm chán.
Mỗi khi các khách VIP reo lên, tỏ vẻ phấn khích, bảo với nhau rằng trò chơi đang ngày càng trở nên thú vị hơn, việc bỏ phiếu chơi nữa hay thôi còn thú vị hơn cả trò chơi, việc cho đứa bé tham gia làm trò chơi thêm hấp dẫn… khiến khán giả hoài nghi. Nếu khán giả mà có trong phim chắc họ sẽ quay sang các VIP và ngán ngẩm hỏi ngược lại: “Bà nói thiệt hả bà thơ?”.
Những khách VIP “thảm họa”
Từ mùa 1, Squid Game đã tiết lộ khách VIP là những kẻ cực kỳ giàu có, chi tiền để tạo ra trò chơi tàn bạo này nhằm “giải trí”, thích thú xem qua màn hình các người chơi cạnh tranh đến chết để giành giải thưởng là số tiền mặt khổng lồ. Sang mùa 3, khách VIP quay trở lại đảo, lần này còn tham gia trò chơi bằng cách mặc áo hồng của lính canh để trà trộn vào sân chơi và “đi săn”.
Tuy nhiên, ngay từ mùa 1, các khách VIP này đã bị chê là “thảm họa” vì diễn quá dở. Sang mùa 3, điều này không hề được khắc phục mà còn tệ thêm. Các nhân vật VIP này vốn đã bị xây dựng sơ sài, khuôn mẫu, không có chiều sâu mà các diễn viên còn diễn rất cường điệu, “làm màu”, đọc thoại hết sức “chuông xe đạp”.
Nhân vật gắn bó “bay màu” quá sớm
Việc các người chơi - dù khán giả có yêu thích đến đâu - “bay màu” vốn là “đặc sản” của Squid Game, mùa 3 cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, việc tiễn biệt phần lớn các nhân vật quen thuộc - dù thích hay ghét - ngay khi mùa 3 chỉ mới bắt đầu là một sai lầm.
Chỉ sau một trò trốn tìm, đa số các nhân vật đã có sự gắn bó với khán giả từ mùa 2 như người con trai Park Yong Sik 007, người mẹ Jang Geum Ja 149, anh lính “giả” Kang Dae Ho 338 (Kang Ha Neul), đặc biệt là cô nàng chuyển giới Cho Hyun Ju 120 (Park Sung Hoon) đều “hết mạng”.
Những trò chơi sau đó ngoi lên các gương mặt mới. Ở trò chơi cuối - “lên sàn” cùng nam chính Seong Gi Hun đa số là người chơi “quần chúng”. Đám người này lại còn dành phần lớn thời gian để cãi nhau ỏm tỏi, thật sự khiến khán giả vừa bực bội, vừa chán nản.
Một trong những điểm khiến Squid Game mùa 1 gây chấn động và tạo được ấn tượng sâu sắc với khán giả đến từ sự cảm thông mà họ dành cho nhân vật trong phim. Gắn kết đủ sâu sẽ khiến cảm xúc của khán giả trở nên chân thật và dữ dội hơn khi nhân vật đó “hết mạng” trong trò chơi. Đáng tiếc, điều này được khai thác khá lỏng lẻo trong Squid Game 3.
Những nhân vật phụ thừa thãi
Ngoài những gì đang diễn ra bên trong trò chơi, Squid Game 3 còn xây dựng câu chuyện phụ diễn ra song song ở bên ngoài. Đó là hành trình đi tìm đảo trò chơi của chàng cảnh sát Hwang Jun Ho (Wi Ha Joon), hay nỗ lực giải cứu người bố đơn thân 246 của lính canh Kang No Eul (Park Gyu Young). Tuy nhiên, với việc mùa 3 chỉ có 6 tập, việc này khiến mạch phim chính có phần bị loãng.
Thay vì xây dựng các câu chuyện phụ, nếu kịch bản Squid Game 3 tập trung vào đào sâu các người chơi hơn, hay thậm chí là quá khứ khắc nghiệt của Front Man (Lee Byung Hun) thì bộ phim có lẽ sẽ có chiều sâu hơn.
Cái kết tệ hại và kế hoạch “vắt sữa”
Cái kết của Squid Game 3 bị chê khắp MXH là một cái kết tệ hại. Chứng kiến nam chính Seong Gi Hun bừng bừng quyết tâm lao vào trò chơi tàn bạo này lần nữa với tuyên bố sẽ chấm dứt nó, nhưng không có một kế hoạch cụ thể nào, đến được vòng cuối phần lớn nhờ may mắn, để rồi cuối cùng rơi khỏi tháp như một con thiêu thân lao vào lửa là một khoảnh khắc phá hủy cảm xúc.
Việc để cảnh sát Hwang Jun Ho lãng phí quá nhiều thời gian lênh đênh trên biển để tìm hòn đảo, rồi khi đặt chân được lên đảo cũng là lúc trò chơi kết thúc, và cuộc chạm mặt ngắn ngủi tính bằng giây với ông anh trai thật tàn ác (và theo một cách mỉa mai, cũng thật hài hước).
Cuối Squid Game 3, trò chơi tàn độc này không chấm dứt, ngược lại nó còn “di cư” sang Mỹ. Với sự xuất hiện của nữ diễn viên đoạt giải Oscar Cate Blanchett trong vai cameo - người chơi đập giấy giống hệt vai của Gong Yoo - Trò Chơi Con Mực được cho biết là sẽ có phiên bản Mỹ. Khán giả phấn khích vì Cate Blanchett, nhưng thực sự ngán ngược khi thương hiệu này đang bị “vắt sữa” cho đến tận cùng.
Squid Game 3 đã phát sóng đủ các tập trên Netflix.
CỐC BƠ
Nguồn HHT : https://hoahoctro.tienphong.vn/nhung-ly-do-khien-khan-gia-toan-cau-che-squid-game-3-ket-te-hai-con-vat-sua-post1756294.tpo