Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/12/2024, Việt Nam nhập khẩu 5 mặt hàng có kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên với tổng giá trị 185,89 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 51% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa.
Đứng đầu là nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 102 tỷ USD, tăng 21,3% so với năm cùng kỳ. Năm 2024 là năm đầu tiên Việt Nam có một mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 100 tỷ USD.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác là mặt hàng có kim ngạch lớn thứ hai trong nhóm với 46,3 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu vải đạt 14,2 tỷ USD, tăng 14% YoY; nhập khẩu sắt thép với 12,03 tỷ USD, tăng 20,1% YoY và nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu với 11,13 tỷ USD, tăng 18,5% YoY.
Trong 11 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện từ 33 thị trường chính. Trong đó, Trung Quốc giữ vị trí đầu bảng với 31,5 tỷ USD, tăng 49% YoY. Hàn Quốc đứng vị trí thứ hai với 29,2 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Đài Loan (Trung Quốc) đứng sau liền kề với 12,6 tỷ USD, tăng 34,3% so với 11 tháng đầu năm 2023.
Việt Nam chi 6,1 tỷ USD để nhập khẩu mặt hàng này từ Nhật Bản, giảm 7,2% YoY và là mặt hàng duy nhất trong 8 thị trường lớn nhất giảm về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam còn nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện từ Mỹ với 4,02 tỷ USD, tăng 17,9% YoY...
Trong kỳ 11 tháng, Việt Nam nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác từ 46 thị trường chính. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với 26,1 tỷ USD, tăng 28,7% YoY. Hàn Quốc giữ vị trí thứ hai với 4,86 try USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam chi 3,6 tỷ USD để nhập khẩu mặt hàng này từ Nhật Bản, giảm 2,3% YoY. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác từ Đài Loan với 1,25 tỷ USD, tăng 6,9% YoY; Đức với 1,21 tỷ USD, tăng 3% YoY.
Trong số các thị trường chính, Việt Nam còn nhập khẩu mặt hàng này từ Thái Lan với 919 triệu USD, tăng 10,6% YoY; từ Mỹ với 989 triệu USD, tăng 17,9% YoY...
Trong kỳ, 4/22 thị trường cung cấp vải nhập khẩu cho Việt Nam đã chiếm tới 92% tỷ trọng nhập khẩu mặt hàng này với tổng 12,45 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu vải chủ lực của Việt Nam với 9,09 tỷ USD, tăng 19,9% so với mức 7,58 tỷ USD tại cùng kỳ năm trước.
Đài Loan là thị trường nhập khẩu vải tiếp theo của Việt Nam với 1,38 tỷ USD, tăng tới 166% so với cùng kỳ năm trước và là thị trường duy nhất trong nhóm này tăng trưởng ba con số.
Trái ngược với đà tăng trên, vải nhập khẩu từ Hàn Quốc lại giảm 0,5% YoY, còn 1,37 tỷ USD: Nhật Bản giảm 1,8% YoY, đạt 604 triệu USD...
Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp chất dẻo nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam trong 11 tháng qua với 2,85 tỷ USD, tăng tới 42,8% so với cùng kỳ năm trước. Hàn Quốc đứng vị trí thứ hai với 2,12 tỷ USD, tăng 17,4% YoY; Đài Loan với 1,11 tỷ USD, tăng 13,9% YoY.
Trong 29 thị trường chính, Việt Nam còn nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu từ một số thị trường thuộc ASEAN như Thái Lan với 633 triệu USD, tăng 9,5% YoY; Malaysia với 342 triệu USD, tăng 17,6% YoY; từ Singapore với 280 triệu USD, tăng 16,9% YoY...
Đối với sắt thép, 5 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2024 lần lượt là Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc và Đài Loan. Trong đó, Việt Nam chi 6,92 tỷ USD để nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc, tăng 34,7% YoY; từ Nhật Bản với 1,33 tỷ USD, giảm 0,9% Yoy; từ Indoneisa với 1,11 tỷ USD, tăng 12,6% YoY.
Trong kỳ, Việt Nam nhập khẩu sắt thép từ Hàn Quốc với 1,1 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước; từ Đài Loan với 584 triệu USD, tăng 12,6% YoY...
Ngoài 5 thị trường trên, Việt Nam còn nhập khẩu sắt thép từ 28 thị trường khác trên thế giới.
Lê Hồng Nhung