Những mỏ vàng 'thổ phỉ', nỗi nhức nhối ở Ghana và châu Phi

Những mỏ vàng 'thổ phỉ', nỗi nhức nhối ở Ghana và châu Phi
4 giờ trướcBài gốc
Những mỏ vàng “thổ phỉ” tàn phá môi trường
Hàng triệu người dân Ghana phải đối mặt với hậu quả nguy hiểm của việc khai thác vàng trái phép. Hoạt động này, được người dân địa phương gọi là "galamsey", đã dẫn đến sự suy thoái môi trường trên diện rộng, đặc biệt là ở các cộng đồng nông thôn.
Bất chấp sự phản đối của toàn quốc, hoạt động khai thác bất hợp pháp vẫn tiếp diễn, làm suy yếu tiềm năng nông nghiệp và sức khỏe cộng đồng của Ghana vì các con sông bị ô nhiễm bởi hóa chất độc hại. Cả người dân địa phương và người nước ngoài đều tham gia vào hoạt động "thổ phỉ" này tại Ghana.
Một mỏ vàng khai thác trái phép tại Ghana, được người dân gọi là galamsey, đổ ra môi trường rất nhiều chất thải độc hại. Ảnh: DW
Giáo sư khoa học pháp y người Ghana, Paul Poku Sampene Ossei cho biết một nghiên cứu do nhóm của ông thực hiện gần đây đã phát hiện sự hiện diện của các kim loại nặng, chẳng hạn như xyanua, asen và thủy ngân, trong nhau thai của phụ nữ mang thai sống trong các khu vực có hoạt động galamsey, dẫn đến trẻ sơ sinh bị dị tật bẩm sinh.
Phát hiện này hỗ trợ các nghiên cứu đã công bố khác về mối liên hệ giữa khai thác mỏ bất hợp pháp và dị tật bẩm sinh. Erastus Asare Donkor, một nhà báo điều tra và môi trường ở Ghana, nói rằng hầu như mọi con sông lớn trên khắp đất nước đều bị ô nhiễm và nhiễm bẩn nghiêm trọng, chủ yếu vì hoạt động khai khoáng bất hợp pháp.
Các chuyên gia cho biết Ghana có thể phải nhập khẩu nước vào năm 2030. Nghiên cứu liên kết ô nhiễm nước từ galamsey với các bệnh mãn tính như suy thận, dị tật bẩm sinh và ung thư, như đã thấy ở nhiều cộng đồng khai thác mỏ của đất nước Tây Phi này.
Ủy ban Lâm nghiệp Ghana đã lên tiếng lo ngại về tình trạng phá hủy liên tục các khu rừng lớn. Đã có 34 trong số 288 khu bảo tồn rừng của đất nước bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác vàng trái phép, với sự tàn phá 4.726 ha đất rừng. Nhiều khu bảo tồn lớn đã bị phá hủy bởi các hoạt động bất hợp pháp này.
Galamsey cũng đang phá hủy đất canh tác, đặc biệt là những vùng trồng ca cao. Dữ liệu của Hội đồng Ca cao Ghana cho thấy sản lượng năm nay chỉ đạt 429.323 tấn, ít hơn 55% sản lượng theo mùa, chủ yếu là do ảnh hưởng của việc khai thác khoáng sản bất hợp pháp. Chỉ riêng trong khu vực Mankurom, galamsey đã xóa sổ hơn 40.000 hecta ca cao.
Nỗ lực ngăn chặn như muối bỏ bể
Những tiếng nói chỉ trích, bao gồm các công đoàn lao động, các nhóm tôn giáo và những người Ghana nổi tiếng, đã kêu gọi chính phủ chấm dứt nạn khai thác vàng lậu.
Chính phủ Ghana từng ban hành Đạo luật khai thác vàng quy mô nhỏ ra đời năm 1989 nhằm mục đích hợp pháp hóa khai thác thủ công và ngăn chặn các hoạt động phi pháp. Kể từ đó, các quốc gia trong khu vực liên tiếp đã có nhiều cố gắng trong việc chống lại vấn đề này.
Khi ông Nana Akufo-Addo nhậm chức Tổng thống Ghana vào năm 2017, ông tuyên bố sẵn sàng đặt chức tổng thống của mình vào thế nguy hiểm để chống lại galamsey. Ông đã thành lập Ủy ban liên bộ về khai thác bất hợp pháp cùng năm đó, do bộ trưởng môi trường làm chủ tịch.
Tổng thống Ghana, Nana Akufo-Addo quyết ngăn chặn nạn khai thác vàng trái phép. Ảnh: Kessben
Nhưng bất chấp một số sáng kiến , việc thực thi vẫn còn yếu. Vấn nạn galamsey tiếp tục leo thang, làm trầm trọng thêm tác động môi trường. Việc sử dụng các thiết bị hạng nặng, chẳng hạn như máy đào và máy ủi, đã phá hủy rừng, lòng sông và đất nông nghiệp. Các con sông lớn của Ghana, như Pra, Ankobra, Oti, Offin và Birim đều đã bị ô nhiễm.
Theo trung tâm nghiên cứu chính trị quốc tế ISS, những nỗ lực nhằm hạn chế galamsey tại Ghana thất bại chủ yếu do tham nhũng và thiếu ý chí chính trị. Ví dụ, cho đến nay, 500 máy đào bị tịch thu từ các hoạt động bất hợp pháp này đã mất tích không dấu vết.
Các viên chức nhà nước chủ chốt, các nhà tài trợ của những đảng phái và các chính trị gia cấp cao đã bị nêu tên là thủ phạm, nhưng chưa bị truy tố.
Một vấn đề của toàn châu Phi
Những gì xảy ra tại Ghana cũng đang là vấn đề làm đau đầu nhiều quốc gia châu Phi. Chẳng hạn tại Nam Phi, những người khai thác vàng và kim cương bất hợp pháp quy mô nhỏ, hay "zama zamas", thường chiếm giữ cả các mỏ đã đóng cửa và đang hoạt động. Theo Chính phủ Nam Phi, hoạt động này đã gây ra thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế.
Ước tính riêng lượng vàng bị mất hàng năm là 70 tỷ rand (4 triệu USD), dẫn đến tổn thất doanh thu lớn cho cả chính quyền và ngành khai thác mỏ. Chính phủ Nam Phi cũng lưu ý đến tác động tiêu cực của hoạt động khai thác mỏ bất hợp pháp đến sự an toàn và sức khỏe của cộng đồng nơi "zama zama" hoạt động.
Người thợ khai thác vàng gặp nhiều rủi ro do thiếu điều kiện an toàn và ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Wiredja
Trong khi đó, một báo cáo của Interpol về khai thác vàng bất hợp pháp ở Trung Phi cho biết bản thân những người thợ mỏ nằm ở dưới cùng của chuỗi. Họ thường là những cá nhân dễ bị tổn thương, những người đánh đổi sự an toàn của mình để có cơ hội mong manh thoát khỏi đói nghèo. Phụ nữ chiếm một nửa số thợ mỏ thủ công của châu Phi và trẻ em chiếm 10% nhân lực.
Đứng đầu chuỗi này là một số trùm buôn bán lớn, các nhóm tội phạm có tổ chức, các nhân vật chính trị và kinh tế cấp cao, cũng như các nhóm vũ trang phi nhà nước ở các khu vực xung đột tại các quốc gia như Cộng hòa Dân chủ Congo.
Vào tháng 5, một báo cáo từ Swissaid - một tổ chức phi chính phủ phát triển của Thụy Sĩ tiết lộ rằng một lượng vàng lên đến hàng tỷ USD được buôn lậu ra khỏi châu Phi mỗi năm, phần lớn được chuyển đi khắp thế giới thông qua Dubai (UAE).
Swissaid cho biết Dubai là trung tâm quốc tế về thương mại vàng của châu Phi đồng thời cũng nêu rằng khoảng 321 đến 474 tấn vàng của lục địa đen được sản xuất thông qua khai thác thủ công và quy mô nhỏ và có giá trị từ 24 đến 35 tỷ USD không được khai báo mỗi năm.
Theo tổ chức phi chính phủ này, nạn buôn lậu vàng châu Phi "đã tăng gấp đôi từ năm 2012 đến năm 2022" và đang gia tăng. Năm 2022, có tới "66,5% (tương đương 405 tấn) vàng nhập khẩu vào UAE từ châu Phi đã được buôn lậu ra khỏi các nước châu Phi".
Quang Anh
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/nhung-mo-vang-tho-phi-noi-nhuc-nhoi-o-ghana-va-chau-phi-post315550.html