Những món ăn giúp chống ngán trong dịp Tết Nguyên đán

Những món ăn giúp chống ngán trong dịp Tết Nguyên đán
16 giờ trướcBài gốc
Mâm cỗ truyền thống của Việt Nam ngày Tết. (Ảnh: TTXVN)
Tết Nguyên đán với những bữa cỗ liên tiếp gồm rất nhiều món dễ gây cảm giác ngán, đặc biệt là khi ăn đồ nếp và các thức ăn chiên, rán.
Dưới đây là những thực phẩm giúp chống ngán ngày Tết và giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn.
Dưa, cà, hành, củ kiệu muối chua
“Thịt mỡ, dưa hành” không chỉ là một phần câu đối, là những món ăn quen thuộc ngày Tết mà còn là một “bí kíp” kết hợp món ăn trong ngày Tết đã được dân gian đúc kết từ ngàn xưa. Ngày Tết với nhiều món ăn giàu đạm, giàu chất béo, việc ăn kèm dưa hành sẽ giúp cân bằng vị giác và giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
Đĩa dưa hành muối cũng là một món ăn truyền thống trong ngày Tết để cân bằng với các món nhiều dầu mỡ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Vì vậy, hành muối, củ kiệu, cà rốt, su hào muối chua, dưa chua làm từ các loại rau cải là các thực phẩm vừa ngon miệng vừa rất hiệu quả để chống ngán.
Các món gỏi, nộm
Nếu dưa, hành muối chua cần thời gian để thực phẩm lên men thì gỏi, nộm lại là những món có thể chế biến nhanh chóng mà vẫn chống ngán hiệu quả.
Nguyên liệu thực hiện các món gỏi, nộm cũng rất linh hoạt, đa dạng, từ các loại thịt đến rau củ quả… trộn cùng nước gia vị pha từ muối, dấm, chanh đường. Ngày Tết nhiều thức ăn và thường dư từ bữa trước sang bữa sau nên làm gỏi, nộm cũng là cách vừa tận dụng các thực phẩm dư.
Nguyên liệu thực hiện các món gỏi, nộm cũng rất linh hoạt, đa dạng, từ các loại thịt đến rau củ quả… trộn cùng nước gia vị pha từ muối, dấm, chanh đường. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam)
Một số gợi ý về các món gỏi, nộm dễ làm ngày Tết như gỏi đu đủ tôm thịt, nộm đu đủ bò khô, nộm hoa chuối teo heo, nộm su hào cà rốt, nộm rau muống, nộm ngó sen tôm thịt, nộm củ hũ dừa, gỏi gà rau răm…
Các món luộc, hấp
Trong các cách chế biến thực phẩm thì luộc, hấp luôn là phương thức được các chuyên gia dinh dưỡng đặt ưu tiên hàng đầu vì giữ được tốt nhất hàm lượng dinh dưỡng và thân thiện với hệ tiêu hóa. Đây cũng là những món nên được đặt lên mâm cỗ Tết bên cạnh các món ăn nhiều đạm và nhiều dầu mỡ để cân bằng vị giác và giúp bữa ăn trở nên ngon miệng hơn.
Rau củ luộc có thể dễ dàng trình bày đẹp mắt trên mâm cỗ ngày Tết. (Ảnh: Facebook Đặc sản Tây Nguyên)
Một đĩa rau củ quả luộc đa dạng và sắc màu cũng giúp cho mâm cỗ Tết đẹp và bắt mắt hơn với màu đỏ của cà rốt, màu trắng của củ cải hoặc su hào, súp lơ; màu xanh của súp lơ xanh hoặc su su, đậu đỗ…
Kết hợp món ăn phù hợp, cân bằng
Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, nên kết hợp thực phẩm trong một bữa ăn hợp lý để đảm bảo sức khỏe cho hệ tiêu hóa theo công thức: béo đi với chua (bánh chưng ăn cùng dưa hành, thịt mỡ ăn kèm với dưa bẹ), đạm đi với cay (thịt gà chấm muối tiêu), lạnh đi với ấm nóng (cá thêm chút gừng).
Món gà nướng ăn với muối, chanh và ớt. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam)
Bên cạnh đó, cần ăn đa dạng thực phẩm để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, không ăn quá nhiều trong một bữa sẽ gây đầy bụng, khó tiêu và tạo cảm giác ngán.
Các thực phẩm bổ trợ tiêu hóa
Các loại thực phẩm như mứt gừng, sữa chua, nước chanh, nước ép hoa quả cũng rất tốt cho hệ tiêu hóa, giúp bớt cảm giác đầy bụng, khó tiêu trong những bữa ăn giàu đạm ngày Tết./.
Sữa chua là một trong những món hỗ trợ rất tốt cho hệ tiêu hóa. (Ảnh minh họa: sf.funcheap.com)
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/nhung-mon-an-giup-chong-ngan-trong-dip-tet-nguyen-dan-post1008104.vnp