Những mùa Xuân lịch sử và hạnh phúc của Nhân dân

Những mùa Xuân lịch sử và hạnh phúc của Nhân dân
8 giờ trướcBài gốc
Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra
Quyền con người, quyền mưu cầu tự do, hạnh phúc được kết tinh từ lịch sử sinh tồn hàng ngàn năm của nhân loại. Để bảo vệ các quyền ấy, loài người đã sáng tạo ra thể chế cộng hòa và quyền chính trị thiêng liêng: quyền công dân. Nền cộng hòa sơ khai hình thành từ thời cổ đại ở phương Tây, phát triển, tồn tại đến thời trung cổ, Phục hưng. Ở đó, tuy giai cấp thống trị thâu tóm mọi quyền lực nhà nước, nhưng một bộ phận công dân vẫn được tham gia vào đời sống chính trị, có quyền bày tỏ ý chí, nguyện vọng, quyết định chọn ai làm người “cai trị” mình.
Thế giới không ngừng phát triển, các cuộc cách mạng tư sản, cách mạng dân tộc, dân chủ Nhân dân và cách mạng XHCN thành công tại nhiều quốc gia, chính thể cộng hòa dân chủ mới ra đời, mọi công dân được trực tiếp cầm lá phiếu bầu cử bầu ra người thay mặt mình quản lý xã hội theo trật tự của Hiến pháp. Tất cả quyền lực Nhà nước được tuyên bố thuộc về Nhân dân.
Thiếu nữ thành phố Bảo Lộc - Thành phố Tơ lụa Việt thướt tha, dịu dàng trong Chương trình biểu diễn Lụa và Em tại Bảo Lộc chào mừng Festivat Hoa Dalat và Năm mới 2025. Ảnh: Văn Hậu
Ở nước ta, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một nước thuộc địa, nửa phong kiến với chính thể quân chủ chuyên chế. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã lật đổ và xóa bỏ hoàn toàn chế độ chính trị và chính quyền thực dân phong kiến tồn tại hàng nghìn năm, giành chính quyền về tay Nhân dân, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hiện thực hóa khát vọng từ ngàn đời của dân ta. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, người dân từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam, nữ đều được hưởng quyền công dân.
Đầu Xuân năm 1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6.1.1946 bầu Quốc hội Việt Nam Khóa I theo những nguyên tắc tiến bộ nhất của nhân loại: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã thành công. Quốc hội thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính quyền địa phương gồm HĐND và UBHC cũng được xác lập. Kể từ đây, nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc, dân chủ cộng hòa, “Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Cơ quan dân cử nước ta bắt đầu thực thi sứ mệnh thiêng liêng do Nhân dân ủy thác, trao cho.
Hoàn thành sứ mệnh lịch sử giao phó
Để bảo vệ nền dân chủ cộng hòa trước họa xâm lăng và mưu đồ chia cắt đất nước ta thành 2 miền Nam, Bắc; với tinh thần: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai có thể chia cắt được”, Nhân dân ta đã phải trải qua 30 năm kháng chiến trường kỳ để đi đến đích cuối cùng bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 - đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh với chiến thắng lịch sử ngày 30.4.1975 - giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc trường chinh cứu nước đầy hy sinh, gian khổ và ác liệt nhất trong lịch sử các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược của dân tộc ta; giữ vững độc lập, tự do, cả nước bước vào kỷ nguyên hòa bình, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thực hiện Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nước ta là nước dân chủ... Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ"; mùa Xuân năm 1976, cuộc Tổng tuyển cử ngày 25.4.1976 đã thành công, bầu ra Quốc hội Khóa VI - Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất, chính thức thống nhất về mặt Nhà nước trên toàn quốc. Quốc hội đã quyết định tên nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc kỳ, Quốc huy, Thủ đô và Quốc ca, thông qua Hiến pháp mới năm 1980 và những vấn đề quan trọng, mở lối tiên phong cho thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp cũng được tiến hành trong cả nước từ ngày 15.5 đến 30.6.1977 bầu ra cơ quan quyền lực nhà nước ở các địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân.
Trong 80 năm xây dựng nhà nước dân chủ, cộng hòa, lịch sử lập Hiến, lập pháp của nước ta có 5 bản Hiến pháp và 7 Luật về tổ chức chính quyền địa phương được ban hành (Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013); (Luật 1958, 1962, 1983, 1989, 1994, 2003, 2015). Mỗi bản Hiến pháp và Luật về tổ chức chính quyền địa phương đều gắn liền với một giai đoạn cách mạng của dân tộc, khẳng định nhất quán bản chất nhà nước dân chủ cộng hòa, của dân, do dân, vì dân.
Quốc hội, HĐND đã thay mặt dân thực thi các giá trị của nền dân chủ; cùng với hệ thống chính trị cả nước phát huy quyền dân chủ, bản sắc và truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, giữ vững nền độc lập, hòa bình, xóa thế bị bao vây cấm vận; không ngừng đổi mới, đưa đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng; kế thừa và hoàn thành sứ mệnh vẻ vang được lịch sử giao phó.
Sau 40 năm đổi mới, Việt Nam thuộc Top 40 nền kinh tế hàng đầu trên thế giới, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia toàn cầu. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay.
Tất cả vì ấm no, hạnh phúc của Nhân dân
Sinh thời, sau ngày Độc lập, trong thư gửi UBHC các kỳ, tỉnh, huyện và làng ngày 17.10.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì". Người cũng căn dặn các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, phải gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc, coi đó là mục tiêu cao nhất của chế độ ta.
Kế thừa những thành tựu vĩ đại và con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn; bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: phải tạo chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Mùa Xuân mới 2025 đang đến rất gần, cử tri và Nhân dân mong mỏi, tin tưởng và kỳ vọng rất lớn rằng: cùng với cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, chọn được người tài, đức phục vụ Nhân dân; cơ quan dân cử sẽ đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động, thực sự chuyển mình, biến “lượng” thành “chất” trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc vì ấm no, hạnh phúc của Nhân dân.
Trước hết, yêu cầu cấp bách sớm hoàn thiện thể chế và thực hiện đúng đắn, hiệu quả cơ chế Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9.11.2022 của Đảng về tiếp tục xây dựng hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong đó, một trong những trọng tâm là cơ chế Nhân dân phát huy các hình thức dân chủ trực tiếp như: tham gia quá trình đánh giá, lựa chọn cán bộ; đổi mới cơ chế bầu cử, nhất là trong quy trình hiệp thương, đề cử, ứng cử, bầu cử…
Cùng với đó, sớm hoàn thiện cơ chế để Nhân dân trực tiếp giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; bảo đảm công khai, minh bạch và quyền tiếp cận thông tin, quyền kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo và các quyền khác của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; góp phần xây dựng cơ quan dân cử xứng tầm trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/nhung-mua-xuan-lich-su-va-hanh-phuc-cua-nhan-dan-post402392.html