Theo nghĩa thông thường, mục tiêu là đích cần đạt tới để thực hiện nhiệm vụ. Những mục tiêu khác nhau thường có đối với mỗi người. Có mục tiêu trước mắt, có mục tiêu lâu dài. Có mục tiêu mới tiếp nối những mục tiêu đã đạt được. Có mục tiêu thời người ta còn trẻ. Có mục tiêu khi tuổi đã chớm heo may. Lại còn có những mục tiêu đổi thay theo năm tháng.
Ảnh minh họa.
Học sinh có mục tiêu trước mắt là cuối năm được lên lớp; học sinh năm cuối cấp mong đỗ tốt nghiệp, tiếp tục học ở bậc học cao hơn. Người hoàn cảnh khó khăn, chỉ mong mình có được ba bữa trong ngày, cũng là một mục tiêu cụ thể, sát sườn. Người đau ốm có mục tiêu: tìm đến thầy thuốc tay nghề giỏi, xác định đúng bệnh, thực hiện theo những chỉ định của bác sĩ, để trị dứt bệnh, mong sớm hồi phục sức khỏe.
Rất nhiều người có những mục tiêu lâu dài. Thời đại ngày nay, khoa học tiến triển, công nghệ thông tin phát triển vượt bậc, nhiều ngành nghề mới ra đời. Rất nhiều học sinh, sinh viên phấn đấu theo những mục tiêu, những nghề nghiệp đa dạng. Sinh viên tốt nghiệp ra trường, mong sớm có việc làm ổn định, phù hợp với chuyên môn mình đã được đào tạo. Người chịu khó làm lụng, để dành mua xe, có phương tiện đi lại, ngày một tốt hơn. Có người phấn đấu, làm việc trong nhiều năm, tích lũy để xây nhà, ổn định cuộc sống.
Đó còn là những mục tiêu được thăng tiến trong nghề nghiệp. Từ nhân viên cấp dưới, các anh chị em nỗ lực trong công việc, để khi đáp ứng được các điều kiện, được cất nhắc, bổ nhiệm lên các vị trí cao hơn, làm quản lý bộ phận, làm lãnh đạo đơn vị. Phấn đấu vươn lên trong nghề nghiệp, xác định mục tiêu được thăng tiến, cũng là điều tất nhiên đối với các thành viên trong mỗi đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cả ngày trước cũng như bây giờ.
Zig Ziglar đã từng viết: “Bạn cần lên kế hoạch để xây nhà. Để xây một cuộc đời, việc lên kế hoạch hoặc có mục tiêu lại càng quan trọng”. Cùng trong những quan điểm về xác định mục tiêu để hành động, Francie Larrieu Smith cũng đã nêu: “Điều quan trọng nhất về động lực là thiết lập mục tiêu. Bạn luôn luôn nên có một mục tiêu”.
Lại còn thêm nữa, có khi, sau một quá trình làm việc, học tập, người ta lại có những mục tiêu mới. Điều ấy có thể là việc mở rộng kinh doanh so với phạm vi mình đã làm trước đó, về lĩnh vực, địa bàn, vốn… Đó còn có thể là chuyển đổi nghề nghiệp khác với ngành nghề mình đã làm trước đây, là một sự thử sức mình ở một lĩnh vực, một ngành nghề mới, với những mục tiêu mới mẻ hơn. Và có khi, xác định được mục tiêu mới, với những cách làm, sự chuẩn bị, đầu tư công phu, chu đáo, dồn tài lực, vật lực, trí lực phù hợp, người ta có thể gặt hái được những thành quả tốt hơn, khác hơn so với hoàn cảnh và sự đầu tư trước đó. Có người, sau khi đã hoàn thành bậc học dưới, lại có mục tiêu học cao hơn, kể cả những người trẻ, lẫn những người đã lớn tuổi. Học để tiếp tục làm tốt hơn công việc của mình.
Chỉ lướt qua vài điều, cũng phần nào thấy rằng: Xã hội đa dạng với những con người, những cảnh đời khác nhau. Người xác định cho mình mục tiêu lớn, đã nỗ lực phấn đấu và may mắn, thành công. Người chỉ mong đạt được những mục tiêu gần gũi. Có mục tiêu trong đời để người ta cố gắng, nỗ lực, từng ngày một, để đạt được những ước mơ, những hoài bão nào đó ở thuở hoa niên hay lúc đã bạc mái đầu.
MINH THÀNH