Những nàng hậu từng bị tước danh hiệu gây xôn xao

Những nàng hậu từng bị tước danh hiệu gây xôn xao
3 giờ trướcBài gốc
Cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế (Miss Grand International) từ lâu được biết đến là một trong những sân chơi sắc đẹp thu hút sự quan tâm rộng rãi từ cộng đồng người yêu nhan sắc toàn cầu. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công và danh tiếng, cuộc thi cũng từng nhiều lần trở thành tâm điểm chú ý vì những vụ việc tước danh hiệu gây tranh cãi của các người đẹp.
Á hậu 2 Thae Su Nyein, đại diện Myanmar tại mùa giải 2024, bị hủy danh hiệu.
Một trong những sự kiện gây xôn xao gần đây nhất liên quan đến Hoa hậu Hòa bình là vụ Á hậu 2 Thae Su Nyein, đại diện Myanmar tại mùa giải 2024, bị hủy danh hiệu. Cô gái 17 tuổi này từng tuyên bố mạnh mẽ trả lại danh hiệu, khẳng định mục tiêu tham gia cuộc thi là để giành ngôi vị hoa hậu chứ không phải Á hậu 2. Tuy nhiên, tổ chức Hoa hậu Hòa bình chỉ ra những điểm hạn chế trong cách hành xử và quản lý cảm xúc của Thae Su Nyein suốt quá trình thi, đồng thời cho rằng cô không đủ trưởng thành để đảm nhận vị trí cao nhất.
Ông Nawat Itsaragrisil – Chủ tịch tổ chức Hoa hậu Hòa bình – từng đánh giá người đẹp Myanmar có nhiều điểm mạnh như sắc vóc, kỹ năng trình diễn và sự nỗ lực không ngừng, nhưng lại thiếu sự tự lập và tinh thần trách nhiệm cần thiết. Ông nhấn mạnh: “Hoa hậu phải là người có thể làm việc độc lập, quản lý bản thân và di chuyển một cách tự chủ”. Những điều này được cho là những nguyên nhân chính khiến cô không thể giữ danh hiệu Á hậu 2.
Anea Garcia bị tước vương miện sau 5 tháng đăng quang
Trước đó, năm 2015, cuộc thi Hoa hậu Hòa bình từng chứng kiến việc truất ngôi hoa hậu của Anea Garcia – đại diện Cộng hòa Dominica. Sau 5 tháng đăng quang, Anea bị loại bỏ vì không sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ được giao và vi phạm nhiều quy định. Việc này đã dẫn đến một cuộc tranh cãi kéo dài giữa phía cô và ban tổ chức. Người thay thế Anea là Claire Elizabeth Parker (Australia), người sau này cũng bị tước danh hiệu vì đăng ký tham gia một cuộc thi sắc đẹp khác.
Claire Elizabeth Parker cũng bị tước danh hiệu vì đăng ký tham gia một cuộc thi sắc đẹp khác.
Ngoài ra, Á hậu 5 năm 2022 Yuvna Rinishta (Mauritius) từng bị tổ chức hủy danh hiệu vì không hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng. Những vụ việc này cho thấy sự nghiêm ngặt và khắt khe trong việc quản lý danh hiệu của tổ chức Hoa hậu Hòa bình.
Á hậu 5 năm 2022 Yuvna Rinishta (Mauritius) từng bị tổ chức hủy danh hiệu
Ông Nawat từng khẳng định tiêu chí lựa chọn hoa hậu của cuộc thi dựa trên “4B”: Beauty (vẻ đẹp), Body (dáng vóc), Brain (trí tuệ) và Business (khả năng thương mại). Theo ông, người chiến thắng phải có thái độ làm việc tốt và khả năng làm việc độc lập, vì ông là người quyết định cuối cùng mà không dựa vào ban giám khảo truyền thống. Quan điểm này giúp ông kiểm soát chất lượng và uy tín của cuộc thi.
Trong bối cảnh đó, vụ việc Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên – người từng được mệnh danh là “hoa hậu quốc dân” với hình ảnh tích cực, truyền cảm hứng – bị khởi tố, tạm giam với cáo buộc “lừa dối người tiêu dùng” liên quan đến sản phẩm kẹo rau củ Kera đang làm dấy lên làn sóng tranh luận mạnh mẽ.
Nhiều ý kiến trong cộng đồng sắc đẹp đặt câu hỏi liệu Thùy Tiên có bị tước vương miện hay không? Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long nhận định đây là tiền lệ chưa từng có ở Việt Nam khi một hoa hậu quốc tế bị xử lý hình sự với cáo buộc nghiêm trọng. Ông cho rằng việc thu hồi danh hiệu là cần thiết nhằm bảo vệ uy tín cuộc thi và hình ảnh người đẹp.
Hoa hậu Thùy Tiên bị khởi tố khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu người đẹp có bị tước danh hiệu?
Ông Long nhấn mạnh: “Hoa hậu không chỉ đại diện cho vẻ đẹp bên ngoài mà còn là biểu tượng của nhân phẩm, trí tuệ và sự gương mẫu. Khi vướng vào vòng lao lý với các tội danh nghiêm trọng, việc tiếp tục giữ danh hiệu là điều không thể chấp nhận”.
Ngoài ra, vụ việc còn mang ý nghĩa lớn trong việc cảnh tỉnh giới nghệ sĩ, người nổi tiếng và các KOLs về trách nhiệm tuân thủ pháp luật và đạo đức xã hội. Theo ông Long, nếu được xử lý nghiêm minh, đây sẽ là bài học răn đe hữu hiệu, giúp làm trong sạch môi trường quảng cáo, kinh doanh và buộc các cá nhân nổi tiếng phải thay đổi nhận thức, hành xử một cách nghiêm túc hơn.
Đáng chú ý, tính đến hiện tại, ông Nawat Itsaragrisil vẫn chưa có phát ngôn chính thức nào về trường hợp của Thùy Tiên. Trên các diễn đàn sắc đẹp và mạng xã hội, rất nhiều người hâm mộ và chuyên gia vẫn tiếp tục yêu cầu tổ chức công khai quan điểm và đưa ra quyết định về danh hiệu này.
Vụ việc Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên đặt ra câu hỏi lớn: Liệu cô có trở thành trường hợp tiếp theo bị tước danh hiệu trong lịch sử các nàng hậu của Miss Grand International? Đây là câu chuyện không chỉ của riêng Việt Nam mà còn có thể tạo tiền lệ quốc tế về cách các cuộc thi sắc đẹp xử lý những trường hợp liên quan đến pháp lý và uy tín thương hiệu.
Hà Phương/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/giai-tri/nhung-nang-hau-tung-bi-tuoc-danh-hieu-gay-xon-xao-post1201068.vov