Đồ họa: Vân Miên.
Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý III/2024, số dư nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) của 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính (bao gồm 27 ngân hàng niêm yết, BaoViet Bank và PVcomBank) đã quay đầu giảm so với thời điểm cuối quý II và cả cuối năm 2023. Trong khi đó, số dư nợ xấu (nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5) của các ngân hàng vẫn tiếp tục tăng.
Cụ thể, sau 9 tháng đầu năm 2024, số dư nợ nhóm hai của những ngân hàng nói trên đã giảm 2.153 tỷ đồng hay 1% so với đầu năm, xuống 196.387 tỷ đồng. Trong khi đó, số dư nợ xấu sau 9 tháng đã tăng tới 56.485 tỷ đồng hay 27,9% so với cuối năm 2023.
Tỷ lệ nợ nhóm 2/tổng cho vay khách hàng của 29 nhà băng trên là 1,7%, so với tỷ lệ nợ xấu là 2,3%.
Nợ nhóm 2 thường được coi như chỉ báo sớm cho tình hình nợ xấu của các ngân hàng. Trong thời kỳ khó khăn, các khoản nợ nhóm 2 có thể bị nhảy nhóm và trở thành nợ xấu. Ngược lại nếu diễn biến tích cực, nợ nhóm 2 có thể trở lại nhóm 1.
Thống kê cho thấy có 16/29 ngân hàng ghi nhận số dư nợ nhóm 2 giảm so với cuối năm 2023. Nếu lấy mốc là cuối quý II/2024, có 14/29 ngân hàng báo cáo nợ nhóm 2 đi xuống.
Trong đó, VIB ghi nhận nợ nhóm 2 giảm 3.978 tỷ đồng, tương đương 27% so với cuối năm 2023. Ngoài ra, nợ nhóm 2 của HDBank cũng giảm thêm 3.067 tỷ đồng hay 17%.
Ở chiều ngược lại, nợ nhóm 2 tại VPBank tăng thêm 5.884 tỷ đồng, hay 15% lên 44.843 tỷ đồng đưa tỷ lệ nợ cần chú ý lên 7,1%. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm cuối quý II, nợ cần chú ý của VPBank đã giảm 4.019 tỷ đồng.
Xét về tốc độ, PVcomBank là ngân hàng tỷ lệ tăng (%) của nợ nhóm 2 cao nhất, đi lên 61% so với cuối năm trước. Đến cuối quý II, ngân hàng này có 2.315 tỷ đồng nợ cần chú ý, chiếm 2,3% dư nợ cho vay khách hàng. Ở chiều ngược lại, sau ba quý, nợ nhóm 2 của VietABank chỉ còn 14 tỷ đồng, giảm 98% so với cuối năm trước.
Minh Quang