Thận trọng nửa đầu năm 2025
Khép lại năm 2024, VN-Index nhiều lần tiệm cận mốc 1.300 điểm nhưng không vượt qua, dù thị trường khởi sắc trong quý đầu năm và hạ nhiệt dần về cuối năm. Dù vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá thành công với VN-Index đạt 1.266,78 điểm, tăng 12% so với đầu năm.
Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường tại Chứng khoán VPBank (VPBankS), xét trong tương quan với các thị trường thế giới và khu vực, VN-Index vẫn nằm trong nhóm tăng trưởng cao năm 2024. Mặc dù mức tăng không ấn tượng như Mỹ hay Nhật Bản, nhưng vẫn vượt trội so với các quốc gia châu Á.
Trong năm qua, dòng vốn từ Việt Nam đã chuyển dịch mạnh mẽ sang các thị trường phát triển như Mỹ và châu Âu, có thời điểm lên đến 3 tỷ USD. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán trong nước ổn định, phản ánh sự vững vàng của VN-Index và sự trưởng thành của nhà đầu tư cá nhân, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng.
Tỷ giá USD tăng cao sẽ tác động đến tỷ giá tại các thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam. Ảnh minh họa.
Đáng chú ý, chuyên gia VPBankS nhận định, đáy của thị trường đã được thiết lập từ năm 2022 và lợi nhuận doanh nghiệp đã có hai năm chạm đáy, sau đó bắt đầu phục hồi rõ rệt. Bước vào năm 2025, thị trường Việt Nam tiếp tục mang theo hành trang là nền kinh tế tăng trưởng cao cùng môi trường chính trị ổn định, tạo động lực cho lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện mạnh mẽ.
Dù vậy, chuyên gia vẫn thận trọng với nửa đầu năm 2025 do nhiều biến động. USD Index tăng mạnh khi ông Donald Trump chuẩn bị nhậm chức ngày 20/1, cùng các tuyên bố tăng thuế nhập khẩu, khiến tỷ giá USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao, tác động đến tỷ giá tại các thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam.
Để giảm thiểu tác động từ yếu tố quốc tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện hút tiền trên kênh tín phiếu và đồng thời bơm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng nhằm ổn định giá trị tiền đồng. Dù thị trường hiện tại vẫn trong trạng thái tích lũy và đi ngang, ông Sơn dự báo đây sẽ là nền tảng cho một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ vào giữa và cuối năm 2025.
Ông Sơn cũng nhấn mạnh định giá VN-Index ở giai đoạn này đang ở mức hấp dẫn nhất trong 10 năm qua, và khuyến nghị nhà đầu tư tập trung vào nhóm bluechip và cổ phiếu vốn hóa lớn. Đây là các nhóm được hưởng lợi khi Việt Nam có khả năng được nâng hạng thị trường, thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nước ngoài.
Theo kinh nghiệm từ các thị trường khác, trước khi được nâng hạng, dòng vốn ngoại thường có xu hướng mua ròng khoảng 3 tháng trước quyết định chính thức. Với thời điểm FTSE Russell dự kiến công bố vào tháng 9/2025, thanh khoản của thị trường Việt Nam có thể gia tăng đáng kể từ nay đến đầu năm 2026.
Những ngành nào nên rót tiền trong năm 2025?
Ông Sơn đánh giá, nhóm ngân hàng và chứng khoán còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong năm 2025, với lợi nhuận ngành ngân hàng dự kiến tăng khoảng 17,7% và ngành chứng khoán đạt mức 15%. Đặc biệt, câu chuyện nâng hạng thị trường được kỳ vọng sẽ trở thành động lực lớn, giúp cổ phiếu chứng khoán thu hút mạnh dòng vốn.
Theo ông, hai nhóm ngành này có triển vọng trở thành điểm đến của dòng tiền, đặc biệt nếu thị trường có những nhịp điều chỉnh sâu trong năm, tạo cơ hội cho nhà đầu tư mua vào với mức định giá hấp dẫn hơn.
Khu công nghiệp được đánh giá là lĩnh vực tiềm năng trong năm 2025. Ảnh: Vinfast.
Nhóm bất động sản khu công nghiệp cũng được ông Sơn đánh giá là một trong những lĩnh vực hấp dẫn trong năm 2025. Việt Nam đang tích cực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án đường cao tốc, góp phần gia tăng sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, dòng vốn FDI rút khỏi Trung Quốc và có xu hướng chuyển dịch sang các quốc gia khác, trong đó Việt Nam nổi lên như một điểm đến lý tưởng.
Xu hướng tăng trưởng FDI tại Việt Nam đã được duy trì trong năm 2024 và được kỳ vọng tiếp tục tăng mạnh trong năm 2025, nhờ sự cải thiện về tăng trưởng kinh tế, cơ sở hạ tầng hiện đại hóa, và nền chính trị ổn định.
Bên cạnh đó, nhóm dầu khí cũng được dự báo sẽ có triển vọng tích cực trong năm tới. Trong năm 2024, cổ phiếu dầu khí từng có sự bứt phá rõ rệt nhờ thông tin về dự án lô B – Ô Môn, dù đợt tăng này diễn ra khá ngắn hạn.
Năm 2025, Việt Nam dự kiến đẩy mạnh khai thác các dự án năng lượng và mỏ dầu mới, hứa hẹn mang lại cơ hội tăng trưởng cho các cổ phiếu trong ngành. Sau những đợt điều chỉnh giá đáng kể, nhiều mã dầu khí đang ở mức định giá hấp dẫn, tạo nền tảng tốt để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong năm tới.
Thanh Thắng