Những ngày tháng 4-1975 lịch sử qua ký ức các vị tướng

Những ngày tháng 4-1975 lịch sử qua ký ức các vị tướng
7 giờ trướcBài gốc
Ngày 20-4, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ Công an, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Đại thắng mùa Xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam”.
Hội thảo nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025).
Tại hội thảo, nhiều nhân chứng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã tề tựu, ôn lại ký ức về một thời hào hùng, thời khắc lịch sử trong những ngày tháng 4 của 50 năm về trước.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: THUẬN VĂN
Chuyện về má Sáu Ngẫu
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhắc lại ký ức về tấm bản đồ viết tay của một “bà má miền Nam” mà ông gặp được trong chiến dịch Hồ Chí Minh.
50 năm trước, ông Nguyễn Huy Hiệu lúc đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, thuộc Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1 - Binh đoàn Quyết Thắng. Sau khi giải phóng Huế vào tháng 3-1975, đơn vị được lệnh quay ra Đông Hà, vượt đèo Ang Bun và bắt đầu cuộc hành quân theo tuyến Trường Sơn Đông, tập kết tại Đồng Xoài để chuẩn bị cho chiến dịch lịch sử.
“Thời điểm đó là mùa khô, đất bazan khói bay mù mịt, tất cả cán bộ, chiến sĩ ngồi trên xe bị bụi phủ kín hết, chỉ còn đôi mắt. Hành quân suốt ngày đêm, anh em chỉ ăn lương khô, gạo rang và thịt hộp, chỗ nào có suối thì dừng lại nấu cơm”- ông Hiệu kể.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh: THUẬN VĂN
Khi đến đèo Ang Bun, Trung đoàn 27 nhận được bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”.
Đêm 29-4, Trung đoàn 27 đến Búng, cách Lái Thiêu khoảng 10 km. Đường 13 tối mịt mù, chỉ có một căn nhà lá đơn sơ với ánh đèn leo lét. Lúc đó, ông nghĩ đây có thể là cơ sở của ta nên cùng tổ trinh sát băng qua nghĩa địa, bìa rừng, cho trinh sát hô “Hồ Chí Minh” ba lần.
Lát sau, có một bà má ra mở cửa, đáp lại: “Muôn năm”. “Đúng là cơ sở của cách mạng” - ông khẳng định, nhớ lại khoảnh khắc 50 năm trước.
Đây chính là căn nhà của bà Huỳnh Thị Sáu (tên thường gọi là Sáu Ngẫu). Vào nhà, ông Hiệu thưa: “Thưa má, con là chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày mai đơn vị chúng con có nhiệm vụ đánh chiếm Lái Thiêu, chiếm cầu Vĩnh Bình và tiến công vào Bộ Tư lệnh thiết giáp quân ngụy. Nếu má có thông tin gì, xin má giúp”.
Ông Hiệu đưa bản đồ, “bà má miền Nam” nhìn bản đồ chỉ huy rồi nói: “Má không cần bản đồ này”. Rồi má vào buồng, mang ra một tấm bản đồ viết tay với nét chữ rất đẹp, ghi kỹ càng từng chi tiết.
Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại hội thảo. Ảnh: THUẬN VĂN
Theo bản đồ của má, cách nơi đóng quân khoảng 5 km là trại Huỳnh Văn Lương, có khoảng 2.000 hạ sĩ quan và một đại tá chỉ huy. Khi đó, má dặn ông Hiệu: “Ngày mai tiến công, các con không cần đánh, họ sẽ kêu hàng nhưng phải chiếm thật nhanh Lái Thiêu, chiếm cầu Vĩnh Bình. Nếu không chiếm được cầu thì các con không vào được Sài Gòn bằng cơ giới”.
Khi tướng Hiệu hỏi còn con đường nào khác không thì má nói: “Có đường sắt Lái Thiêu nhưng xe tăng các con không đi được. Sáng mai, má và hai đứa con của má sẽ ngồi lên xe tăng để dẫn đường cho các con tiến công vào Gò Vấp”. Tuy nhiên Tướng Hiệu từ chối vì má đã già, các em còn nhỏ.
Như thế, đúng 4 giờ 30 phút sáng 30- 4-1975, Trung đoàn 27 bắt đầu tiến công bằng cơ giới. Một tiểu đoàn đã luồn sẵn vào Lái Thiêu, phát hiện xe tăng địch, bắn cháy ba chiếc, bắt sống một pháo tự hành M107 – “vua chiến trường”. Sau đó, tiếp tục đuổi, đánh vào cầu Vĩnh Bình - tuyến phòng thủ cuối cùng trước khi vào Sài Gòn. Địch kháng cự quyết liệt, Trung đoàn 27 phải dùng toàn bộ hỏa lực để chế áp, mở đường cho lực lượng cơ giới chiếm cầu.
“Cầu này, như má nói, có dây thép gai chằng chịt, có thùng phuy đựng cát chắn đường. Các con phải đánh nhanh” - Tướng Hiệu nhớ lại lời dặn của má Sáu Ngẫu.
Như thế Trung đoàn 27 thuận lợi tiến vào Sài Gòn, chiếm được Bộ Tư lệnh thiết giáp quân ngụy tại quận Gò Vấp, tiếp quản 13 căn cứ lục quân và công sở. Ngay hôm sau, ông cùng đồng đội đã tổ chức về thăm và cảm ơn má Sáu Ngẫu cùng đồng bào. “Nhân dân Lái Thiêu đứng dọc hai bên đường, vẫy cờ hoa, tung hô và tặng rất nhiều sầu riêng, măng cụt, chôm chôm…” - ông Hiệu xúc động nhớ lại.
Ký ức giải phóng Côn Đảo
Bà Hoàng Thị Khánh, Đội trưởng Đội Võ trang tuyên truyền thuộc Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn - Gia Định, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM, Trưởng Ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP.HCM, đã nhắc nhớ ký ức Giải phóng Côn Đảo vào những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5-1975.
Bà Hoàng Thị Khánh, Trưởng Ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN
Trước đó, hồi cuối tháng 1-1973, Hiệp định Paris “về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Với bản chất tráo trở, địch vẫn không chịu trao trả tất cả tù binh chính trị cho Chính phủ ta mà cố tình tiếp tục giam giữ và cưỡng bức tù chính trị phải nhận mình là gian nhân hiệp đảng - tức tội phạm trộm cướp chứ không phải tù chính trị.
Thấu hiểu ý đồ thâm độc của địch, lực lượng tù chính trị, đặc biệt lực lượng “chống chào cờ”, đã quyết liệt đấu tranh chống lại, dứt khoát không chịu lăn tay, không để chúng chụp được hình làm lại hồ sơ như chúng muốn. “Đây là cuộc đấu tranh đẫm máu, không ít người đã hy sinh, bị thương” – bà Khánh kể.
Bà Khánh còn nhớ như in khoảnh khắc trại trưởng trại 6B đến mở cửa phòng bà nói: “Mấy bà ra đi, bên mấy bà thắng rồi” hồi 4 giờ sáng ngày 1-5. Nghe giọng Thượng tướng Trần Văn Trà đọc thiết quân luật mạch lạc, trang nghiêm, dũng mãnh vang lên trong đài Sài Gòn từ chiếc radio catset 3 băng, bà cùng các chị em hô lên sung sướng: “Mình thắng rồi, mình thắng rồi mấy chị ơi. Mình sống rồi, Bác Hồ muôn năm, Đảng Lao động Việt Nam muôn năm”.
“Niềm vui chiến thắng được chờ đợi suốt thời gian bị bắt, tù đày, căng thẳng trong suốt những ngày đó gần như vỡ òa và chúng tôi không ai còn có thể đứng vững, mọi người khuỵu xuống vừa hô, vừa khóc” – bà Khánh chia sẻ.
Lãnh đạo, tướng lĩnh chụp ảnh tại hội thảo. Ảnh: THUẬN VĂN
Bà Khánh xúc động nói cho đến tận hôm nay, bà vẫn thấy mình nghẹn ngào sung sướng khi hồi tưởng lại những giây phút đó. Cảm xúc đó đúng như lời bài hát “Mùa xuân trên TP.HCM”…
Để rồi, tối 4-5-1975, chuyến tàu chiến thắng đầu tiên đưa 549 người đau yếu, lớn tuổi về đất liền. Từ đó, Côn Đảo được hồi sinh dưới sự quản lý của những người con yêu nước đã từng bị đọa đày trong địa ngục trần gian.
Công tác địch vận khiến địch sớm đầu hàng
Tại hội thảo, Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là nhờ kết hợp cả sức mạnh quân sự và sức mạnh chính trị cũng như làm tốt công tác dân vận, địch vận.
Theo ông, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, năm 1974, trước tình hình Mỹ chuẩn bị rút quân, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập bốn Quân đoàn để chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh gồm Quân đoàn 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232.
“Chủ trương của mình là trong điều kiện nào cũng phải giải phóng cho được miền Nam” - tướng Phạm Văn Trà nói.
Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh: THUẬN VĂN
Kể lại quá trình tiến công của các Quân đoàn, Đại tướng Phạm Văn Trà cho biết Quân đoàn 2 là đơn vị đầu tiên vào Dinh Độc Lập. Trước đó, khi qua cầu Sài Gòn, đoàn không biết Dinh Độc Lập ở đâu, may thay, có một người dân nhảy lên xe tăng dẫn đường tiến vào Dinh.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhìn nhận bên cạnh sức mạnh quân sự, chính trị, công tác dân vận, địch vận có nhiều điểm hay, làm cho địch tan rã. “Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sinh năm con chuột nhưng năm quân ta tổng tấn công lại là năm con mèo, điều này khiến Thiệu rất sợ” – ông nói và cho biết công tác dân vận, địch vận cũng tác động rất lớn khiến tướng Dương Văn Minh sớm đầu hàng.
“Nhờ vậy, chúng ta giải phóng miền Nam và giải phóng Sài Gòn còn nguyên vẹn, không bị tàn phá lớn. Đây là sự lãnh đạo, chỉ đạo sắc bén của Đảng ta” - tướng Phạm Văn Trà nói.
Bài học từ tinh thần đoàn kết
Ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, chia sẻ việc tổ chức hội thảo đã một lần nữa khẳng định tầm vóc vĩ đại của Đại thắng mùa Xuân 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là cơ sở, niềm tin, động lực, sức mạnh để ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình cả dân tộc.
Theo ông, bài học vô cùng quý báu từ Đại thắng mùa Xuân 1975 là phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện một cách sâu sắc ở tinh thần đoàn kết quân và dân, đoàn kết của cả dân tộc. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đoàn kết quân dân được chứng minh một cách hùng hồn. Khi các binh đoàn chủ lực thần tốc tiến quân chiếm lĩnh những mục tiêu trọng yếu của Sài Gòn, Gia Định thì nhân dân ở đây cũng nổi dậy hiệp đồng, giành từng khu vực, cờ hoa biểu ngữ đón mừng đoàn quân.
Ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ảnh: THUẬN VĂN
Điều này góp phần giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ thành quả cách mạng từ những giờ phút đầu tiên.
“Tinh thần đoàn kết dân tộc, tiền tuyến gọi, hậu phương đáp lời, hậu phương gọi thì tiền tuyến sẵn sàng chia lửa. Chính sức mạnh này trở thành sức mạnh của cả dân tộc” - ông Huỳnh Đảm nói.
Ông cũng nhấn mạnh chính đoàn kết dân tộc tạo ra sức mạnh nội sinh để đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại làm nên sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, làm nên lịch sử hào hùng, vẻ vang của thế kỷ XX. Truyền thống và sức mạnh đại đoàn kết đó được hun đúc và phát huy suốt 50 năm qua.
“Nhờ đoàn kết mà Đảng ta, dân tộc ta vượt qua muôn ngàn khó khăn, thử thách để khắc phục hậu quả chiến tranh; đánh bại kẻ thù xâm lược để bảo vệ biên giới Tây Nam, làm tròn nghĩa vụ quốc tế, giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Chính nhờ đoàn kết mà đảng ta, dân tộc ta mới đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, có cơ đồ, tiềm lực như ngày hôm nay” - ông Huỳnh Đảm khẳng định.
Từ bài học đó, ông Huỳnh Đảm đề xuất phải quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và trong đó phải chăm lo để xây dựng MTTQ thật sự vững mạnh, làm nòng cốt chính trị để tập hợp, phát huy sức mạnh của người Việt Nam.
LÊ THOA
THANH TUYỀN
Nguồn PLO : https://plo.vn/nhung-ngay-thang-4-1975-lich-su-qua-ky-uc-cac-vi-tuong-post845524.html