Ngày 21/4, Giáo hoàng Francis - vị Giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ Latinh - qua đời ở tuổi 88, sau khi mắc nhiều căn bệnh trong suốt 12 năm trị vì Tòa thánh Vatican. Theo Reuters, Tòa thánh Vatican sẽ chuẩn bị sẵn sàng những nghi thức truyền thống cho lễ tang của ông, đồng thời khởi động quá trình bầu ra một vị Giáo hoàng mới.
Giáo hoàng Francis xuất hiện trong Thánh lễ Chúa Nhật Lễ Lá tại Quảng trường Thánh Peter ở Vatican ngày 13/4/2025. Ảnh: Reuters
Nghi thức xác nhận cái chết
Theo truyền thống, vị Hồng y nhiếp chính (Camerlengo) đương nhiệm là Kevin Farrell sẽ là người thực hiện nghi lễ xác nhận cái chết của Giáo hoàng Francis bằng cách dùng một chiếc búa nhỏ làm bằng bạc gõ nhẹ vào trán Giáo hoàng 3 lần và gọi tên ông. Việc xác nhận không có câu trả lời từ Giáo hoàng cũng đồng nghĩa với việc ông đã về nước chúa. Sau đó, Hồng y Kevin Farrell sẽ niêm phong căn hộ riêng của Giáo hoàng và bắt đầu chuẩn bị tang lễ.
Lễ truy điệu và an táng
Vị Hồng y nhiếp chính và 3 trợ lý sẽ là nhóm quyết định thời điểm linh cữu của Giáo hoàng được đưa vào quàn tại Vương cung Thánh đường Thánh Peter để công chúng tới thăm viếng. Họ cũng đảm bảo rằng chiếc nhẫn Ngư phủ và con dấu bằng chì của Giáo hoàng bị phá vỡ để không ai khác có thể sử dụng chúng. Theo truyền thống Vatican sẽ không có cuộc khám nghiệm tử thi nào được thực hiện sau khi Giáo hoàng qua đời.
Lễ tang của một Giáo hoàng theo truyền thống sẽ kéo dài trong 9 ngày. Ngày tổ chức tang lễ và an táng sẽ do Hồng y đoàn quyết định. Lễ tang thường được tổ chức trong khoảng thời gian từ giữa ngày thứ 4 đến ngày thứ 6 kể từ khi Giáo hoàng qua đời.
Nghi lễ truy điệu trọng thể có thể được tổ chức trên Quảng trường Thánh Peter nếu thời tiết thuận lợi. Các nguyên thủ quốc gia và hoàng gia, cùng các giáo sĩ và hàng ngàn tín đồ từ khắp nơi trên thế giới sẽ hội tụ tại Vatican để tham dự buổi lễ ngoài trời.
Theo truyền thống, sau khi các nghi lễ hoàn tất, các Giáo hoàng sẽ được chôn cất trong một chiếc quan tài bằng gỗ bách được niêm phong bên trong một chiếc quan tài bằng chì lớn hơn và sau đó được phủ bằng một quan tài gỗ sồi bên ngoài.
Tuy nhiên, Giáo hoàng Francis từng chia sẻ di nguyện của mình rằng ông muốn được chôn cất trong một chiếc quan tài gỗ lót một lớp kẽm duy nhất. Ông cũng lựa chọn không an táng trong hầm mộ tại Vương cung thánh đường Thánh Peter. Thay vào đó, ông muốn được chôn cất tại Vương cung thánh đường Thánh Mary Major ở Rome.
Nghi thức bầu Giáo hoàng mới
Sau tang lễ Giáo hoàng, Hội đồng Hồng y sẽ tạm thời nắm quyền giám sát và xử lý công việc hàng ngày tại Tòa thánh Vatican. Mật nghị Hồng y (gọi là conclave) - cuộc họp của các Hồng y để bầu Giáo hoàng mới sẽ diễn ra tại Nhà nguyện Sistine ở trung tâm Tòa Vatican trong vòng từ 15 đến 20 ngày sau khi Giáo hoàng qua đời. Các Hồng y sẽ ở lại các tu viện trong Vatican trong suốt thời gian diễn ra mật nghị.
Tất cả các Hồng y dưới 80 tuổi mới được phép tham gia bỏ phiếu kín để bầu Giáo hoàng. Theo quy định, cần tối thiểu 2/3 số phiếu bầu để một người trở thành người đứng đầu mới của Tòa thánh Vatican. Do vậy, cuộc bỏ phiếu có thể diễn ra trong nhiều vòng kéo dài trong nhiều ngày.
Thế giới sẽ biết một Giáo hoàng mới đã được bầu thành công khi một Hồng y đốt các lá phiếu giấy bằng hóa chất đặc biệt để tạo ra khói trắng thoát ra từ ống khói của Nhà nguyện Sistine. Nếu xuất hiện khói đen tức biểu thị rằng Giáo hoàng mới vẫn chưa được chọn. Thời gian bầu Giáo hoàng mới có thể kéo dài nếu các Hồng y gặp khó khăn trong việc thống nhất về ứng viên.
Khi mật nghị bầu ra một Giáo hoàng, người đó sẽ phải nói câu “Accepto” (tức “tôi chấp nhận”) để chính thức hóa kết quả bỏ phiếu và nói muốn đặt danh hiệu là gì. Sau khi hoàn tất, người đó sẽ mặc lễ phục Giáo hoàng và ngồi trên ngai vàng trong Nhà nguyện Sistine để tiếp các hồng y khác xếp hàng đến để tỏ lòng tôn kính và tuyên thệ trung thành.
Ngay sau đó, một Hồng y nắm chức vụ cao cấp trong giáo hội sẽ xuất hiện bên cửa sổ, nằm giữa nhà thờ St Peter, để phát biểu bằng tiếng Latinh mà kết thúc bằng câu Habemus Papam, nghĩa là "Chúng ta đã có một Giáo hoàng". Sau đó ông tiếp tục dùng tiếng Latinh để công bố tên người được chọn làm Giáo hoàng mới.
Đỗ Thảo