1. Vẫn con đường làng quanh co bên chân núi với những ngôi nhà mộc mạc ẩn mình dưới tán cây xanh và những người dân hiền lành, chân chất. Trong số họ có người tôi đã gặp gần chục năm về trước, cho dù nét thời gian xếp dày trên gương mặt, mái tóc bạc màu mây nhưng vẫn nhớ rõ đường ngang lối tắt dẫn đến từng ngôi mộ cổ lẩn khuất dưới những bụi cây xanh hoang dại.
Đứng bên hiên nhà chỉ tay về phía triền núi, lão nông Nguyễn Minh Hoa chia sẻ: “Hàng trăm ngôi mộ cổ ở đây đã có từ thời nào xa lắc xa lơ, nhiều thế hệ cư dân không ai biết cội nguồn. Sau hàng trăm năm không được tu tảo, những ngôi mộ cổ đã và đang hóa thành phế tích, trong đó có một số ngôi mộ đã sập đổ dần, có mộ chỉ còn nền móng”. Còn ông Nguyễn Hoan bày tỏ: “Kể cũng lạ thiệt. Không biết người xưa xây mộ bằng loại vật liệu gì mà rất bền chắc nên sau hàng trăm năm vẫn còn tồn tại hàng trăm ngôi mộ cổ”.
Đường vào thôn Quảng Đức, xã An Thạch, huyện Tuy An - nơi có hàng trăm ngôi mộ cổ.
Len lỏi theo những lối mòn phủ đầy cỏ cây hoang dại dưới tán rừng cây bạch đàn, tôi cẩn trọng gạt từng bụi cây quan sát bốn bề mặt những ngôi mộ cổ. Dòng chảy thời gian và tác động của thiên tai với nắng mưa, gió bão khiến cho bề mặt những ngôi mộ cổ đã bị bong tróc lớp vỏ nham nhở, rêu phong phủ kín. Từ dấu tích của những ngôi mộ bị sập đổ, hư hỏng có thể nhìn thấy dưới nền móng, tường bao quanh có những viên đá tự nhiên ở núi A Man, còn các chất kết dính để xây mộ được nhiều người xưa nhận định đó là hợp chất hình thành bởi vôi bột được nung từ vỏ sò, ốc, hến, san hô kết hợp mật đường chế biến từ cây mía cùng bột than củi và cát trắng được gạn lọc kỹ sau khi múc dưới lòng sông. Người xưa sử dụng hợp chất này để xây mộ rồi đổ phủ trên bề mặt một lớp dày, rắn chắc để bảo vệ mộ phần.
Là một người trong nhóm nghiên cứu di sản văn hóa đá ở Phú Yên, theo thạc sĩ Phan Thanh Bình, hàng trăm ngôi mộ cổ trên núi An Man chỉ có 4 kiểu dáng kiến trúc: yên ngựa, mai rùa, búp sen và mái nhà. Nhiều nhất là mộ hình yên ngựa và mai rùa được xây dựng khá đơn giản, gọn nhẹ; ít hơn là mộ hình búp sen và mái nhà có lối kiến trúc xây dựng khá công phu. Trên bia mộ ở phía trước đều có những nét khắc họa trang trí hoa văn chìm - nổi. Một số ngôi mộ xây tường thành bao quanh với bức bình phong cùng với trụ biểu, cũng có mộ xây cổng hình vòm.
Có một đặc điểm chung trong quần thể mộ cổ trên núi A Man gần như nguyên tắc, đó là tất cả các ngôi mộ đều hướng mặt về phía Đông và Đông Nam, nghĩa là khi mai táng, thi hài người quá cố quay đầu về phía đỉnh núi, chân xuôi về phía triền thuộc hướng Tây và Tây Bắc. Nhiều ngôi mộ xây dựng với bề thế khác nhau, tùy theo địa vị xã hội lúc sinh thời của người đã được an táng.
Ngôi chùa Châu Lâm, phía Nam chân núi A Man.
Dò tìm trên các trụ biểu, bình phong và cổng vòm còn sót lại trên một số ngôi mộ sẽ nhận ra dấu tích những nét khắc chữ Hán nhưng đã bị bào mòn, hoặc có thể người thân chủ động đục phá để che giấu tên tuổi vì những biến động thời cuộc lịch sử. Một số người cho rằng trên vùng đất Phú Yên giai đoạn thế kỷ XVII đến XVIII đã có nhiều cuộc chiến diễn ra, nên phải che giấu danh phận người quá cố trên bia mộ để tránh đối phương khai quật, phơi xác trả thù (?)
2. Đến nay, chưa có cơ quan chức trách nào tổ chức phát dọn cây cỏ để kiểm đếm toàn diện số lượng mộ cổ còn tồn tại trên núi A Man. Trong tác phẩm “Di sản văn hóa đá Phú Yên” - 2011, do thạc sĩ Nguyễn Hoài Sơn chủ biên với sự tham gia của 6 nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở địa phương ước tính còn hơn 500 ngôi mộ cổ trên núi A Man có thể khảo sát và nhận dạng được.
Nhận định về nguồn gốc hàng trăm ngôi mộ cổ trên núi A Man, có nhiều thông tin khác biệt từ các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa và người dân địa phương. Đã có giả thuyết khu mộ cổ này của người Hoa, vì một số kết quả khảo cổ trước đây cho thấy thời xưa kia địa hạt bên núi A Man và dòng sông Cái - hạ lưu sông Kỳ Lộ là cửa ngõ giao thương đường bộ lẫn đường sông, nên nơi này hội tụ dân cư đông đúc, nhiều người Hoa đến đây sinh sống, buôn bán, an cư lạc nghiệp. Cũng có nhiều người nhận định nơi đây là nghĩa địa người Chăm thời xưa, dân dã thường gọi là mộ Hời.
Trong khi đó một số nhà nghiên cứu cho rằng sau những cuộc khảo sát trên núi A Man không tìm thấy yếu tố văn hóa mộ táng người Hoa hay người Chăm, mà có rất nhiều đặc điểm người Việt. Từ góc nhìn phong thủy dân gian trong mai táng cho đến những nét hoa văn khắc họa, trang trí trên mộ và cách thức bài trí các ngôi mộ đều có dấu ấn văn hóa thuần Việt.
Mộ cổ có kiểu dáng kiến trúc hình búp sen.
Thạc sĩ Nguyễn Hoài Sơn nhận định quần thể mộ cổ trên núi A Man hình thành từ thế kỷ XVIII, vì cốt cách xây dựng giống như những ngôi mộ của nhiều dòng họ ở Phú Yên đã xác định niên đại. Trong giai đoạn này, cuộc chiến giữa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Trần Quang Diệu và Lê Trung với quân của chúa Nguyễn Ánh luôn tái diễn gần 9 năm, kể từ tháng 4/1793 đến tháng 7/1801. Ác liệt nhất là những trận đánh diễn ra nơi vịnh Xuân Đài, vùng ven sông Cái và Bảo La Hai.
Từ mốc thời gian và những sự kiện lịch sử nêu trên, một số nhà nghiên cứu đặt câu hỏi: Phải chăng những người đã an nghỉ bên dưới hàng trăm ngôi mộ cổ trên núi A Man là binh sĩ của chúa Nguyễn Ánh đã hy sinh sau những trận chiến khốc liệt với binh sĩ nhà Tây Sơn? Bởi lẽ nhiều người suy đoán trong những trận chiến đó, tướng quân, binh sĩ của chúa Nguyễn Ánh tử trận được chôn cất ở phía nam dãy núi A Man, nên hầu hết các ngôi mộ cổ đều có kiểu dáng kiến trúc yên ngựa được ví như phương thức cách điệu “da ngựa bọc thây”.
Mộ cổ có kiểu dáng kiến trúc hình mái nhà.
Trong một cuộc trò chuyện với phóng viên chuyên đề ANTG khi còn đương nhiệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Phan Đình Phùng - người đã có hơn ba chục năm làm công tác bảo tồn, bảo tàng, quản lý nhà nước về văn hóa - xã hội ở địa phương cho rằng, chưa thể nhận định hàng trăm ngôi mộ cổ trên núi A Man là nơi chôn cất binh sĩ của chúa Nguyễn Ánh. Xưa kia, vùng đất Phú Yên làm nhiệm vụ trấn biên gần 200 năm (1471-1658). Thời ấy, Dinh trấn biên - thủ phủ đầu tiên của tỉnh Phú Yên xây dựng tại xã An Ninh - nay là xã An Ninh Tây, huyện Tuy An ở vùng hạ lưu sông Cái.
Dặm dài thời gian qua nhiều thế kỷ cùng với những tác động bất thường của thiên tai khiến cho sông Cái sạt lở, bồi lấp và biến đổi dòng chảy, phế tích thành lũy Dinh trấn biên xưa đã bị vùi sâu dưới cát. Bên Dinh trấn biên và vùng hạ lưu sông Cái lúc bấy giờ hình thành nhiều khu dân cư sầm uất, nên nhiều khả năng quần thể mộ cổ trên dãy núi A Man là của người Việt chôn cất lần lượt sau nhiều đời cộng cư ở vùng đất này và đã tạo nên hàng trăm ngôi mộ cổ có nét kiến trúc, văn hóa mộ táng của người Việt xưa.
3. Quần thể mộ cổ trên núi A Man của người Hoa, người Chăm, người Việt hay là khu mộ dành riêng cho việc chôn cất binh sĩ của chúa Nguyễn Ánh thời xa xưa? Tất cả vẫn còn là những giả thuyết, nhận định chưa có đầy đủ luận cứ khoa học. Vì thế, sau khi tận mắt nhìn thấy hàng trăm ngôi mộ cổ đậm nét rêu phong ẩn mình trong những bụi cây hoang dại dưới tán rừng bạc hà thưa thớt đang dần hóa thành phế tích và có nguy cơ bị xóa sổ, nhiều người đều chạnh lòng lo ngại! Hàng trăm năm qua, những ngôi mộ cổ trên núi A Man không ai tu tảo, hương khói; chẳng có ai đến nhận phần mộ cổ nào đó là thân nhân trong dòng họ, tổ tiên của mình.
Tổng quan một ngôi mộ cổ lớn.
Rời dãy núi A Man khi tiếng chuông chùa Châu Lâm bên chân núi đang ngân lên cùng tiếng gió lùa xao xác lá và dường như có cả tiếng thì thầm của các bậc tiền nhân! Rất nhiều người mong muốn các cơ quan chức trách và địa phương mời các nhà khoa học có chuyên môn sâu, mở cuộc khảo cổ trên diện rộng, giải mã tiềm tàng bí ẩn hàng trăm ngôi mộ cổ ở nơi này để minh chứng nguồn gốc, giá trị văn hóa, lịch sử.
Phan Thế Hữu Toàn