Thông điệp mới quan trọng
Câu chuyện về người cắm lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên đỉnh nóc Nhà thờ Đức Bà Paris năm 1969 đã được giải mã vào năm 2023 khi cuốn Le Vietcong au sommet de Notre - Dame (tạm dịch: Lá cờ Việt Cộng trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà) được xuất bản. Các tác giả, cũng chính là những người cắm cờ năm ấy, đến tặng sách cho ông Đinh Toàn Thắng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp. Và, thông qua Đại sứ quán Việt Nam, bà Trần Tố Nga (nhà hoạt động môi trường người Pháp gốc Việt) liên lạc và kết nối.
Ông Olivier Parriaux, ông Bernard Bachelard, bà Võ Thị Mô và bà Trần Tố Nga (bìa trái) thăm Địa đạo Củ Chi
Từ sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam cùng những lần đi lại giữa Pháp và Thụy Sĩ, tình bạn giữa bà Trần Tố Nga cùng hai người bạn Thụy Sĩ là ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard lớn dần. Một tình bạn quốc tế đặc biệt, nảy mầm từ lòng biết ơn khi họ đã âm thầm giúp sức Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam trên bàn đàm phán ngoại giao.
Bà Tố Nga xúc động: “Bắt đầu từ lời cảm ơn cho hành động ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam của chúng ta năm 1969, trong những cuộc trò chuyện cùng nhau, tôi có hỏi hai người bạn Thụy Sĩ về việc tại sao đến tận bây giờ mới kể ra câu chuyện cắm cờ năm ấy. Hai người trả lời rất khiêm tốn, rằng “thông điệp mới quan trọng, người gửi thông điệp không quan trọng”. Thông điệp khi ấy của họ là ủng hộ hòa bình, ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên bàn đàm phán…
Thời điểm đó ở Pháp, người dân rất có cảm tình với Việt Nam. Bên cạnh Đảng Cộng sản Pháp đang có ảnh hưởng chính trị to lớn là chỗ dựa vững chắc của chúng ta, phong trào đoàn kết với Việt Nam thu hút mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, một số trí thức lớn tầm cỡ thế giới như nhà văn, triết gia Jean-Paul Sartre; nhà toán học nổi tiếng Laurent Schwartz; luật sư kỳ cựu, Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ quốc tế Joe Norman... đều lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh để chấm dứt chiến tranh của Việt Nam.
Gọi nhau là những anh hùng
Kết nối hai người bạn Thụy Sĩ đến thăm TPHCM, cũng là cách bà Trần Tố Nga chia sẻ về niềm xúc động và lời cảm ơn tiếng nói ủng hộ hòa bình cho Việt Nam. Trong những ngày ở thành phố, thắp nén nhang tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở Đền tưởng niệm Bến Dược và tham quan Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, chạm vào những dòng tên các anh hùng, liệt sĩ… đã ngã xuống trên mảnh đất Củ Chi được khắc trên các bức tường lớn trong đền, ông Bernard Bachelard và ông Olivier Parriaux xúc động: “Đừng gọi chúng tôi là anh hùng, mà chính những người được khắc tên trên các bức tường ở đây mới là anh hùng”.
Ông Olivier Parriaux (áo trắng) và ông Bernard Bachelard thăm Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và trẻ mồ côi TPHCM ở huyện Hóc Môn
Nói về hai người bạn Thụy Sĩ của mình, bà Tố Nga kể: “Khi tôi biết họ là người cắm cờ năm đó, tôi xúc động cảm ơn và nói với họ đó là hành động anh hùng. Nhưng họ rất khiêm nhường và luôn từ chối. Thông qua các thông tin truyền thông, họ biết đến vụ kiện chất độc da cam của tôi ở Pháp và họ gọi ngược lại tôi là anh hùng. Nhuận bút từ việc xuất bản cuốn sách Le Vietcong au sommet de Notre - Dame cũng dành tặng tôi, như cách để tiếp sức tôi tiếp tục theo đuổi cho vụ kiện chất độc da cam, vì đó là một vết thương từ chiến tranh mà không chỉ tôi mà nhân dân Việt Nam đã gánh chịu, để lại nhiều hậu quả và di chứng đến tận hôm nay”.
Một vòng tham quan Địa đạo Củ Chi, trước thông tin thuyết minh có đến nửa triệu tấn bom đạn của đế quốc Mỹ trút xuống mảnh đất này, ông Bernard Bachelard và ông Olivier Parriaux vô cùng cảm kích, thán phục sức chiến đấu mãnh liệt của quân và dân nơi đây, cũng như sự phục hồi sau chiến tranh của một đất nước nhỏ bé, một dân tộc kiên cường.
Trong ký ức của cuộc chiến đã qua, khuôn khổ sách vở chắc chắn sẽ không thể ôm trọn những con người, những câu chuyện của một thời. Hai ông Bernard Bachelard và Olivier Parriaux hay rất nhiều bạn bè quốc tế khác, nếu không tìm hiểu tận tường, không có sự kết nối, có lẽ chúng ta cũng khó mà biết đến nghĩa tình của họ.
Thượng tướng Trần Đơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, bùi ngùi: “Câu chuyện về việc cắm cờ năm ấy rất xúc động và lời cảm ơn cũng không thể diễn tả được hết tấm lòng trân trọng. Họ đã góp một tiếng nói ủng hộ hòa bình, bằng một hành động rất cụ thể, điều này đã góp phần rất quan trọng cho chúng ta đấu tranh trên bàn đàm phán ngoại giao năm ấy… Và hôm nay, tay bắt mặt mừng cùng những người bạn quốc tế ấy, tôi xúc động và trân quý những tình cảm họ đã dành cho Việt Nam chúng ta”.
Một thời là du kích địa đạo và hôm nay lần đầu tiên biết đến câu chuyện lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được cắm ở Nhà thờ Đức Bà Paris năm ấy, bà Võ Thị Mô (tức Bảy Mô, nguyên Trung đội trưởng Trung đội nữ du kích Củ Chi - đơn vị được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2018) bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên tôi được biết đến câu chuyện cắm cờ này. Xúc động và cảm ơn thật nhiều. Họ là những người ngoại quốc xa xôi nhưng biết và ủng hộ Việt Nam. Họ đã can đảm leo cả trăm mét để cắm lá cờ ủng hộ hòa bình cho một đất nước xa lạ. Tình cảm này rất đáng quý và trân trọng”.
Thông điệp quan trọng năm ấy mà hai người bạn Thụy Sĩ góp sức đã thành hiện thực, đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Những người bạn quốc tế tuy chưa từng gặp mặt đã trở thành những người bạn thân thiết, nửa thế kỷ trước ủng hộ hòa bình, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam và nay tiếp nối tinh thần hòa bình, ủng hộ cho người bạn Việt Nam của mình tiếp tục hàn gắn những vết thương, hậu quả mà chiến tranh để lại… Cuộc hội ngộ bỡ ngỡ lúc ban đầu bỗng hóa thân thương khi tất cả cùng chung một khát vọng hòa bình cho toàn thế giới.
Ngày 16-11, tiếp tục chuyến thăm TPHCM, ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard đã có chuyến thăm Đền tưởng niệm Bến Dược - Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, tặng 30 phần quà đến 30 gia đình chính sách và nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi. Chiều cùng ngày, hai ông đến thăm, tặng quà tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và trẻ mồ côi TPHCM ở huyện Hóc Môn. Tham dự sự kiện có Thượng tướng Trần Đơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; GS-TS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông; nhà hoạt động môi trường người Pháp gốc Việt Trần Tố Nga...
THIÊN THANH - MINH CHÂU