Những người canh giữ 16 tấn vàng sau ngày giải phóng

Những người canh giữ 16 tấn vàng sau ngày giải phóng
3 giờ trướcBài gốc
Cán bộ, chiến sĩ đơn vị C282Q những ngày tham gia tiếp quản, bảo vệ Ngân hàng lúc mới giải phóng. Ảnh: Tư liệu
Tiếp quản, bảo vệ khối tài sản khổng lồ của quốc gia
Đầu tháng 3/2025, ông Hoàng Minh Duyệt điện thoại cho tôi, phấn khởi thông báo, tới đây, sẽ có một buổi gặp mặt của các cựu chiến binh đoàn C282Q Công an nhân dân vũ trang (CANDVT). Cuộc hội ngộ sẽ diễn ra đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). “Như vậy là mình đã toại nguyện ước mơ ấp ủ suốt 50 năm qua” - ông Duyệt cho biết.
Tôi tới thăm ông Duyệt trong những ngày tháng 4 lịch sử, khi người dân cả nước đang háo hức chuẩn bị đón chào đại lễ kỷ niệm 50 năm non sông liền một dải. Tuy tuổi đã cao, sức khỏe suy giảm theo thời gian, nhưng ông Duyệt không giấu nổi niềm vui khi nói về những dự định cho ngày gặp mặt sắp tới. Đang say sưa với những kỷ niệm cách đây 50 năm, giọng ông chùng xuống: "Năm 1975, cả đơn vị có 34 người vào sống ra chết, nhưng bây giờ, tôi chỉ liên lạc được với khoảng 15 người. Số đồng đội còn lại, tôi chỉ nghe thông tin từ người này, người kia chứ chưa được xác thực, kiểm chứng, một số người thì đã không còn...". Ông Duyệt đưa cho tôi xem toàn bộ giấy tờ đã được lưu giữ cẩn thận từ 50 năm trước. Lật giở từng trang giấy, xem lại những tờ quyết định, giấy giới thiệu..., ký ức về đơn vị C282Q như tái hiện trước mắt người cựu chiến binh Hoàng Minh Duyệt.
Sau gần 10 năm chinh chiến, lăn lộn, trừ gian, tiễu phỉ ở biên giới Hà Tĩnh và chi viện cho nước bạn Lào, năm 1974, ông Duyệt (quê ở xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) được chọn vào đơn vị C282Q - CANDVT tỉnh Hà Tĩnh. Ông Duyệt nhớ lại: "Trong đội hình B17 của Bộ Tư lệnh CANDVT chi viện cho chiến trường miền Nam có 9 đơn vị, gồm CANDVT các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa... và C282Q. Tháng 12/1974, sau khi huấn luyện ở D15, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (Hà Nội ngày nay), đơn vị C282Q nhận lệnh hành quân vào Nam để chuẩn bị lực lượng cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. Trưởng đoàn là ông Đặng Hồng Minh. Ông Bùi Bá Lân là Chính trị viên và tôi là đoàn phó.
Trưa ngày 30/4/1975, từ căn cứ Trung ương Cục miền Nam (đóng ở huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), C282Q được giao nhiệm vụ đi đầu để bảo vệ đoàn của Trung ương Cục miền Nam tiến về Sài Gòn. Đêm 30/4/1975, cùng với các cán bộ Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam, CB, CS C282Q tập kết về Trường Cao Thắng (phường Bến Nghé, quận 1) tạm nghỉ, chờ phân công nhiệm vụ. Đến 4 giờ, ngày 1/5/1975, đoàn nhận lệnh bố trí đội hình cử người canh giữ Ngân hàng Quốc gia Việt Nam tại 17 Bến Chương Dương, quận 1 (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh)".
“Đơn vị chúng tôi di chuyển bằng 3 chiếc ô tô Zin 157. Khi tới nơi, súng ống vẫn ngổn ngang trước cửa Ngân hàng Quốc gia. Trong khi nhiều tòa nhà và trụ sở gần đó bị kẻ xấu cướp phá, nhưng ngân hàng vẫn được bảo vệ, dưới sự chỉ huy của một tốp cảnh sát ngụy. Tuy đang chốt giữ lô cốt phía truớc ngân hàng bằng khẩu súng đại liên, nhưng thấy chúng tôi xuất hiện, số này đã buông súng đầu hàng. Việc tiếp quản diễn ra nhanh chóng và thuận lợi ngoài sự tưởng tượng” - ông Duyệt nhớ lại.
Ông Hoàng Minh Duyệt cùng 2 đồng đội của đơn vị C282Q (thứ 2 đến thứ 4, từ trái sang) thăm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, tháng 4/2025. Ảnh: Phương Vy
Giữ vững phẩm chất người lính, hoàn thành tốt nhiệm vụ
Vốn là người cẩn thận, chu đáo nên đến nay, ông Duyệt vẫn còn lưu giữ được nhiều giấy tờ, kỷ vật từ năm 1975. Trong đó có 2 kỷ vật liên quan đến việc tiếp nhận bàn giao số tài sản khổng lồ. Đó là bảng kê số tiền, vàng và con dấu của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Là Chỉ huy phó của đơn vị tiếp quản nên 8 giờ sáng ngày 1/5/1975, ông Hoàng Minh Duyệt được tham gia và chứng kiến toàn bộ việc bàn giao. Trên bảng kê khai số tiền, vàng do ông Duyệt lưu giữ lại cho thấy, lúc bàn giao ghi rõ 3 nội dung: vàng, bạc và tiền.
Theo đó, tại hầm số 3 có 633 thỏi vàng được chứa trong 8 tủ. Hầm số 6 cũng có 8 tủ, chứa 601 thỏi, mỗi thỏi nặng 13kg. Tổng cộng 2 thùng chứa 1.234 thỏi, nặng 16,042 tấn. Tất cả đều là vàng nguyên chất, phần lớn có nguồn gốc từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Công ty Montagu (ở Nam Phi) và Công ty Kim Thành (đúc tại Việt Nam). Ngoài ra, còn có 493 đồng tiền vàng (là các đồng tiền vàng cổ, được đúc và phát hành từ thế kỷ XVIII, XIX bởi nhiều quốc gia khác nhau), 18.049 đồng tiền bạc và 625.191.617.005 đồng tiền Việt Nam Cộng hòa.
“Không chỉ Ngân hàng Quốc gia mà tất cả các hệ thống, chi nhánh thuộc Ngân hàng chế độ cũ như Chi nhánh Ngân hàng Quốc gia Bến Chương Dương, Phan Đình Phùng, Chợ Lớn, Bà Chiểu, Đa Kao... đều bàn giao cho đơn vị C282Q chúng tôi tiếp quản và bảo vệ. Đơn vị C282Q còn được giao tiếp quản Căn cứ Tồn trữ (nay là Tổng kho Thủ Đức). Đây là tổng kho chứa lượng nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm khổng lồ, đủ cho quân đội Sài Gòn lúc đó dùng trong 3 năm" - Ông Duyệt nói.
Trong đoàn quân tiếp quản, canh giữ kho vàng, núi bạc ngày ấy, những CB, CS C282Q như Hoàng Minh Duyệt, Đặng Tài Ô, Nguyễn Văn Hồ, Bùi Văn Công, Quách Anh Dũng, Nguyễn Ánh Tuyết, Nguyễn Anh Quynh... đều luôn hết mình vì công việc. Vì danh dự của cá nhân, của đơn vị, không ai bị cám dỗ bởi vật chất, bởi tiền vàng. Ai cũng luôn giữ mình, giữ thanh danh cho đơn vị, giữ uy tín cho bộ đội, cho cách mạng.
Trong bản đề nghị phong cấp từ Chuẩn úy lên Thiếu úy cho ông Hoàng Minh Duyệt (đề ngày 1/11/1975), ông Lữ Minh Châu, Phó Giám đốc Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh viết: “Đồng chí Duyệt, trong quá trình biệt phái sang làm nhiệm vụ ở ngân hàng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Xét khả năng, trình độ, tác phong công tác và đạo đức là một cán bộ có tinh thần gương mẫu, cần cù, khiêm tốn, giản dị, lập trường tư tưởng vững vàng, đoàn kết nội bộ, đoàn kết quần chúng tốt, được quần chúng tin tưởng. Đồng chí luôn có tinh thần học hỏi và nhiệt tình trong công tác”... Bản nhận xét là một trong những minh chứng về đạo đức, lối sống, tác phong công tác, ý thức hoàn thành nhiệm vụ của ông Duyệt - một trong 34 người tham gia tiếp quản, canh giữ núi vàng, núi bạc ngay những ngày đầu giải phóng.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ vinh quang đó, 34 CB, CS C282Q được phân bổ đi khắp nơi. Nhưng dù ở đâu, làm gì, họ đều giữ được phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ CANDVT năm xưa, BĐBP ngày nay.
Phương Vy
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/nhung-nguoi-canh-giu-16-tan-vang-sau-ngay-giai-phong-post489110.html