Những người chuyên tìm 'kho báu' bên sông Ea H'leo

Những người chuyên tìm 'kho báu' bên sông Ea H'leo
8 giờ trướcBài gốc
Bên bờ sông Ea H’leo, thuộc thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Sup trước đây, (nay là xã Ea Rốk, tỉnh Đắk Lắk), trong hố khai quật rộng chừng 20 mét vuông, sâu hơn 2 mét, đất đỏ được bóc tách thành từng lớp mỏng, có đánh dấu từng mốc độ sâu. Dưới đáy hố, ba người lom khom, người cuốc, người quét cọ, người đo… Cạnh miệng hố, tiếng nước chảy, tiếng rửa bùn rạt rạt, từng hiện vật nhỏ xíu dần hiện ra.
Tỷ mẩn cuốc từng thớ đất, đập tơi nát vụn, chị Vi Thị Doan, (dân tộc Nùng) ở xã Ea Rốk, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, công việc “nghịch đất” tưởng như nhàm chán này đem lại cho chị những trải nghiệm thú vị. “Vô đây dỡ bạt rồi xuống cuốc đất xong rồi lên đãi, cứ 2 người một cặp, ở dưới cuốc còn ở trên đãi. Nếu cuốc không kịp thì chúng tôi đãi xong lại xuống cuốc. Mình biết được nhiều hiện vật lạ ở dưới này, ví dụ hạt chuỗi, mũi khoan bằng đá, nếu ngày nào mà không tìm thấy gì thì cũng thấy buồn, ngày nào mà có “hàng” thì vui, càng làm càng vui. Mọi người cũng có hỏi thì cũng bảo là có đá, có mũi khoan, hạt chuỗi. Mọi người cũng biết vậy thôi chứ không biết là cái gì, chắc họ cũng không biết, không hiểu”.
Góc bên cạnh, chị Ma Thị Khuê (dân tộc Tày) ở xã Ea Rốk, tỉnh Đắk Lắk hào hứng reo lên khi nhìn thấy một mũi khoan đá xuất lộ trong hố khai quật. Cả chị Doan và chị Khuê, dù không phải là nhà khảo cổ nhưng đã gắn bó với công việc khai quật 5 năm nay.
Những cán bộ khảo cổ thầm lặng tìm bảo vật bên dòng sông Ea H'leo
Chị Khuê cho biết, cuối mùa khô mỗi năm, chị và một số người khác được thuê để hỗ trợ cán bộ khảo cổ của Bảo tàng Đắk Lắk đào các hố khai quật tại địa phương. Từ chỗ không hiểu khảo cổ là gì, đến nay, chị đã có thể nhận biết và phân loại các hiện vật tìm được một cách dễ dàng.
“Sáng khoảng 6h – 6h30 là chúng tôi đi rồi. Tôi làm cũng mấy năm rồi, mới đầu thấy chán, bảo sao tự dưng lên nghịch đất làm gì. Sau này được hướng dẫn, cái gì không hiểu thì hỏi chị Trâm. Biết nhiều điều hay hơn thì lại thích đi. Cũng có nhiều điều thú vị, mình tìm được hiện vật gì mình cũng thấy vui”.
Đãi đất cát để tìm báu vật
Người mà chị Khuê nhắc đến là Tiến sĩ khảo cổ Phạm Bảo Trâm, công tác tại Bảo tàng Đắk Lắk. Theo bà Trâm, khu vực khai quật này thuộc Di chỉ Thác Hai, được phát hiện năm 2020 khi đoàn cán bộ khảo cổ Bảo tàng tỉnh đi khảo sát dọc bờ sông Ea H’leo. Một khối lượng lớn di tích, di vật xuất hiện lộ thiên và qua các đợt khai quật cho thấy đây là di chỉ phức hợp, vừa có tính chất cư trú, vừa là khu mộ táng và là một công xưởng chế tác mũi khoan đá quy mô lớn, khung niên đại cách ngày nay 2.000-4.000 năm.
Đến nay, đã có 4 đợt khai quật tại Thác Hai, mới nhất là vào đầu tháng 6 vừa qua. Qua mỗi đợt lại phát hiện thêm nhiều điểm mới, khẳng định giá trị lịch sử và các mối quan hệ văn hóa của vùng đất. Bà Trâm cho biết, hiện nay, việc khai quật là rất cấp bách để chạy đua với thời gian. Bởi khu vực bờ sông cách hố khai quật chỉ khoảng 2m, đang sạt lở mạnh, toàn bộ tầng văn hóa có thể bị cuốn trôi.
Một mũi khoan xuất lộ trong hố khai quật
Những hiện vật nhỏ dần xuất hiện
“Quan trọng nhất vẫn là tầng văn hóa, đây là lí do vì sao trong hố khai quật được đào rất cẩn thận từng lớp 10 – 15cm như vậy. Xong một lớp mình làm sạch sẽ, chụp hình lại, ghi chép lại hết toàn bộ những sự xuất hiện hay là những dấu hiệu trong lớp đó, xong hết rồi mới bắt đầu làm tầng văn hóa. Những tầng văn hóa đó dùng để xác định niên đại, xác định được lịch sử vùng đất tại đó”.
Từ năm 2024, Sưu tập “Mũi khoan đá Thác Hai” với 250 hiện vật đã được công nhận là Bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk. Theo ông Trần Quang Năm, Phó giám đốc phụ trách Bảo tàng Đắk Lắk, điều đặc biệt là toàn bộ mũi khoan và hạt chuỗi tìm thấy đều chưa qua sử dụng, cho thấy tính chuyên môn hóa cao, là minh chứng cho một nền sản xuất công nghiệp thời cổ cách đây khoảng 4.000 năm.
Những mũi khoan nhỏ bé kể câu chuyện về những trang sử của vùng đất, đánh thức niềm tự hào và giữ gìn những giá trị văn hóa cho mai sau
“Số lượng lớn và đầy đủ tất cả các thành phần để cấu thành một công xưởng, từ mảnh tước tách ra từ đá nguyên liệu, càng tu chỉnh thì mảnh tước càng bé lại, người ta gọi là vảy tước. Từ thô cho đến tinh, sau đó mới được mài thành thành phẩm. Công xưởng này rất độc đáo, kể cả khu vực Đông Nam Á vẫn chưa có công xưởng nào lớn như công xưởng này. Số lượng rất nhiều, ở đây còn nhiều điểm xưởng nữa nhưng không phải nằm liên tục mà nó cứ một khoảng sẽ có một công xưởng, xác định được khu vực này là người cổ họ chuyên sản xuất các loại mũi khoan”.
Từ lòng đất đỏ Tây Nguyên, những mũi khoan đá nhỏ bé đang kể lại câu chuyện lớn về một nền văn minh thầm lặng nhưng rực rỡ. Di chỉ Thác Hai không chỉ là bảo vật của Đắk Lắk, mà là di sản quý giá minh chứng rằng trong mỗi nắm đất, mỗi mảnh đá có thể ẩn chứa cả một chương sử xưa. Ngày nay, giữa biên giới nắng gió Tây Nguyên, vẫn có những con người âm thầm “nghịch đất” để tìm về quá khứ, đánh thức niềm tự hào và giữ gìn những giá trị văn hóa cho mai sau.
H Xíu/VOV-Tây Nguyên
Nguồn VOV : https://vov.vn/van-hoa/nhung-nguoi-chuyen-tim-kho-bau-ben-song-ea-hleo-post1212363.vov