Những người con ưu tú của đất mường Trịnh Vạn

Những người con ưu tú của đất mường Trịnh Vạn
5 giờ trướcBài gốc
Thủ lĩnh Cầm Bá Thước được thờ tại di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đền thờ Cầm Bá Thước và Bà chúa Thượng Ngàn.
Trịnh Vạn là vùng đất cổ được bao bọc bởi núi đồi. Nơi đây có thung lũng rộng lớn thuận tiện cho việc canh tác nông nghiệp. Những thế hệ người dân Trịnh Vạn từ xa xưa đã biết cách dựa vào núi đồi, sông suối và thung lũng bằng phẳng để mưu sinh, xây dựng bản mường, cùng nhau chung sức, đồng lòng tạo nên một mường Trịnh Vạn rộng lớn và giàu có. Ở Trịnh Vạn, họ Cầm là dòng họ lớn có uy tín và vị thế.
Trên đất mường Trịnh Vạn, với nhiều công lao xây dựng bản làng, dòng họ Cầm đời nối đời làm Lang đạo cai quản một vùng miền núi phía Tây xứ Thanh. Trong đó, thời Lê Trung hưng (triều Lê Kính Tông) có ông Cầm Bá Kính làm Thổ tù, Cai huyện, tước Toán Lĩnh hầu. Về sau, dưới thời Nguyễn, triều vua Gia Long ông Cầm Bá Thiều làm Thổ tù, chức Chương Cơ hầu, phòng ngự sứ, tước Thiều Quang hầu. Sau Cầm Bá Thiều, con trai ông là Cầm Bá Hiển đã tiếp nối cha nắm quyền và phụng sự nhà Nguyễn. Từ nhỏ, Cầm Bá Hiển được biết đến là người gan dạ và bản lĩnh. Lớn lên tính cách ông cương trực nên được người dân tin tưởng, quý mến.
Bấy giờ, nhà Nguyễn dù đã nắm quyền trị vì đất nước được một thời gian khá dài, tuy nhiên những cuộc nổi dậy của các tướng lĩnh nhà Tây Sơn cũ và cả các phong trào nông dân ở một số nơi khiến tình hình đất nước vẫn chưa thực sự ổn định.
Bấy giờ, sau khi cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Lương thất bại thì Quách Tất Công, Quách Tất Tại lại tôn Lê Duy Hoán là con trưởng của Lê Duy Lương lên làm thủ lĩnh, nổi dậy hoạt động ở khu vực miền núi thuộc Quan Hóa, Cẩm Thủy, Lang Chánh xứ Thanh. Đỉnh điểm, tháng 11/1836, quân khởi nghĩa đã tập hợp lực lượng bắt giết Tri châu Lang Chánh là Hồ Tố Thiện. Sau đó, từ miền rừng núi mở rộng địa bàn hoạt động xuống đất Lôi Dương, Thụy Nguyên (thuộc Thọ Xuân, Thiệu Hóa ngày nay). Trước tình thế ấy, Tổng đốc Thanh Hóa là Hoàng Văn Ân một mặt đem quân đi đánh dẹp, mặc khác phải gửi sớ tâu về triều đình xin ứng cứu.
Đối phó với quân nổi dậy, triều đình nhà Nguyễn đã phái Thượng thư Bộ Binh Trương Đăng Quế làm Kinh lược sứ Thanh Hóa, đem quân đàn áp cuộc khởi nghĩa ở miền rừng núi xứ Thanh. Cùng với đó, vua Nguyễn cũng xác định việc dẹp loạn phải dựa vào lực lượng lang đạo, thổ tù địa phương. Bấy giờ, Cầm Bá Hiển, Lang đạo người Thái đất mường Trịnh Vạn là một trong những thủ lĩnh người địa phương được triều Nguyễn tin tưởng.
Không phụ sự kỳ vọng của vua Nguyễn, với sự quả cảm và tài trí, ông đã lãnh đạo người dân địa phương, phối hợp với quân triều đình đánh dẹp các nhóm nổi loạn ở khu vực châu Quan Hóa, Lang Chánh. Theo nội dung văn bia lưu giữ tại đền thờ Cầm Bá Hiển ở thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân: “Khi có bọn cuồng nhân xướng loạn ở phía Nam sông Mã và phía Bắc sông Chu, ông (Cầm Bá Hiển) đã cùng với ông họ Lê tiến lên diệt giặc”.
“Trong trận đánh ở Lương Chánh (hay Lang Chánh?!) ông đã từng nói với quân lính rằng: Ta tiến vào sào huyệt của giặc, nếu không may bất hạnh ta sẽ lấy thân mình mà nộp cho giặc”. Và chính trong trận này, ông đã chiến đấu quả cảm, anh dũng hy sinh.
Thương tiếc sự ra đi của Lang đạo người Thái Cầm Bá Hiển, vua Nguyễn đã truy tặng cho ông mỹ tự Trung Tiết hầu, ban cho biển ngạch, lệnh triều thần lập đền trên quê hương Trịnh Vạn, bốn mùa hương khói phụng thờ.
Theo sách Danh nhân Thanh Hóa, đến niên hiệu Tự Đức, lúc bấy giờ các đình thần bày sớ tấu lên nhà vua đem những người nên được thờ ở đền Trung Nghĩa, ông Cầm Bá Hiển là một trong số 152 người được đặt linh vị ở bàn thờ hai bên gian giữa, đồng thời truy tặng cho ông từ chức Đội trưởng lên chức Cai đội.
Những thế hệ người dân bản Lùm Nưa xã Vạn Xuân luôn dành cho tướng quân Cầm Bá Hiển sự ngưỡng vọng.
Sau khi Cầm Bá Hiển qua đời, trên quê hương Lùm Nưa đất mường Trịnh Vạn, đền thờ ông đã được lập dựng. Đến đầu thế kỷ XX, niên hiệu Duy Tân, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của ông đã được khắc ghi trên văn bia tại đền thờ, truyền đến hậu thế.
Đáng tiếc, đi qua thời gian, chiến tranh và một số nguyên do, đền thờ Cầm Bá Hiển lập dựng thời Nguyễn đã bị phá hủy, chỉ còn một số hiện vật bằng đá được lưu giữ như văn bia, voi, ngựa... Những năm qua, với tấm lòng tưởng nhớ tiền nhân, ở Lùm Nưa người dân địa phương đã chung tay lập ngôi miếu nhỏ đơn sơ để phụng thờ - bà Nguyễn Thị Trinh, người dân thôn Lùm Nưa chia sẻ.
Tiếp nối tinh thần của tiền nhân Cầm Bá Hiển, hậu duệ của ông là Cầm Bá Thước - mạnh mẽ hưởng ứng chiếu Cần Vương chống Pháp. Dựa vào thế núi cao, sông sâu, Cầm Bá Thước đã xây dựng trên quê hương mình một hệ thống đồn trại kiên cố. Để rồi, từ căn cứ chiến lược trên đất Trịnh Vạn, nghĩa quân Cầm Bá Thước đã phối hợp với nghĩa quân các vùng miền trong tỉnh đương đầu với kẻ xâm lược, tổ chức nhiều trận đánh khiến kẻ địch khiếp sợ. Dù về sau, cuộc khởi nghĩa thất bại, Cầm Bá Thước bị giặc giết hại nhưng tấm gương hy sinh anh dũng của ông đến nay vẫn được hậu thế nhắc nhớ.
“Những thủ lĩnh họ Cầm nói chung, Cầm Bá Hiển, Cầm Bá Thước nói riêng là những nhân vật lịch sử có công với đất nước, người dân. Công lao của các ông được sử sách ghi chép, người đời nhắc nhớ, lập dựng đền thờ. Hiện nay, ở bản Lùm Nưa, đền thờ Cầm Bá Hiển đang được tôn tạo khang trang, xứng với công lao của tiền nhân. Cùng với di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đền thờ Cầm Bá Thước và Bà chúa Thượng Ngàn, thì di tích lịch sử văn hóa đền thờ Cầm Bá Hiển sau khi hoàn thành việc tôn tạo sẽ trở thành điểm đến tâm linh ý nghĩa cho người dân địa phương, du khách gần xa ghé thăm chiêm bái khi có dịp về với đất mường Trịnh Vạn xưa”, ông Lê Sỹ Nam, công chức văn hóa xã Vạn Xuân, cho biết.
(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong sách Danh nhân Thanh Hóa và một số tài liệu lưu giữ tại địa phương).
Bài và ảnh: Khánh Lộc
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/nhung-nguoi-con-uu-tu-cua-dat-muong-trinh-van-37190.htm