Hơn 48 năm gắn bó với công tác khu phố, ông Nguyễn Khắc Êm (nguyên Tổ trưởng Tổ dân phố 29, khu phố 3, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM) trở thành một phần quan trọng trong đời sống của người dân nơi đây. Với ông, làm tổ trưởng tổ dân phố không chỉ là nhiệm vụ mà còn là sứ mệnh giúp đỡ, kết nối và mang lại cuộc sống tốt đẹp cho từng hộ dân.
Phần thưởng quý giá
Sau ngày đất nước thống nhất, khi địa phương vận động tham gia làm tổ trưởng tổ dân phố, ông Êm không chút ngần ngại và hăng hái nhận lời. Thời điểm ấy, đời sống nhiều người còn khó khăn, ông đảm nhiệm cả việc quản lý sổ gạo, sổ dầu của từng hộ, phân phối hàng hóa và hỗ trợ chính quyền kiểm tra sổ sách.
Hằng ngày, ông đạp xe len lỏi từng con hẻm, gõ cửa từng nhà lắng nghe những điều người dân muốn nói. Ai khó khăn, ông tìm cách giúp đỡ, ai vướng mắc thủ tục hành chính, ông tận tình hướng dẫn, ai có hoàn cảnh đặc biệt, ông kiến nghị lên phường để có hướng hỗ trợ.
Không chỉ là người tổ trưởng tận tụy, ông Êm còn tiên phong trong công tác giảm nghèo. Xuất thân từ một hộ nghèo, ông hiểu hơn ai hết những khó khăn của người dân và trực tiếp vận động, kết nối các nguồn lực để hỗ trợ hơn 42 hộ nghèo với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng.
Nhờ những nỗ lực ấy, khu phố 3 từng có nhiều hộ nghèo nay đã không còn ai phải sống trong thiếu thốn. Tất cả gia đình đều chí thú làm ăn, cuộc sống mỗi ngày thêm ổn định.
Với ông Nguyễn Khắc Êm, phần thưởng quý giá nhất chính là sự tín nhiệm, yêu thương của bà con, là sự phát triển của khu phố. Ảnh: PHAN ANH
Ở tuổi gần 80, sức khỏe không còn như trước nhưng ông Êm vẫn giữ tinh thần hăng hái, trách nhiệm, tham gia phong trào xây dựng khu phố văn minh, sạch đẹp, nghĩa tình.
Từng nhận nhiều bằng khen nhưng với ông, phần thưởng quý giá nhất chính là sự tín nhiệm, yêu thương của bà con.
"Lớn tuổi rồi nhưng khi nào bà con cần, tôi vẫn cố gắng. Tôi mong khu phố luôn đoàn kết, văn minh và ngày càng phát triển" - ông Êm nói.
Giữa đô thị sôi động, hình ảnh người tổ trưởng U90 ngày ngày đạp xe khắp khu phố, tận tâm với công việc, gương mẫu đi đầu trong nhiều phong trào vẫn là hình ảnh đẹp, truyền cảm hứng mạnh mẽ. Những đóng góp của ông không chỉ giúp khu phố đổi thay mà còn để lại bài học lớn về tình làng nghĩa xóm, về trách nhiệm với cộng đồng.
Tìm công lý cho hàng triệu người
Bà Trần Tố Nga sinh năm 1946 tại Sóc Trăng, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, bà làm phóng viên Thông Tấn xã Giải phóng và giao liên cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Từng bị bắt giam khi đang mang thai, bị tra tấn và sinh con trong tù nhưng bà vẫn giữ vững khí tiết người chiến sĩ cách mạng. Năm 1992, bà sang Pháp sinh sống và trở thành công dân Pháp.
Đến thời điểm hiện nay, bà Nga là người tiên phong, duy nhất trên thế giới thực hiện cuộc chiến pháp lý chống lại các công ty hóa chất của Mỹ, nơi đã sản xuất và cung cấp chất khai quang chứa dioxin cho quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam và đưa được 19/26 công ty ra trước Tòa Đại hình Evry.
Bà Trần Tố Nga cùng đoàn người biểu tình ủng hộ vụ kiện tại Pháp. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Bà Nga - biểu tượng cho cuộc chiến không ngừng nghỉ nhằm đòi lại công lý cho hàng triệu nạn nhân chất độc da cam (dioxin) tại Việt Nam và trên thế giới - cho biết năm 2009 Việt Nam có khoảng 3 triệu nạn nhân chất độc da cam (hiện nay khoảng 5 triệu người), trong đó có bà và 3 con gái.
Là trường hợp hiếm hoi có đủ điều kiện thực hiện vụ kiện liên quan chất độc da cam khi mang quốc tịch Pháp, bà Nga ý thức được rằng nếu không đứng lên đấu tranh thì nỗi đau và khát vọng sống của hàng triệu nạn nhân có nguy cơ bị lãng quên.
"Điều này đã thôi thúc tôi đi tìm công lý, không phải cho riêng mình mà cho cộng đồng nạn nhân chất độc da cam" - bà Nga nói.
Gần gũi với nhiều số phận
Luật sư Trương Thị Hòa sinh năm 1946 trong gia đình có cha mẹ làm nghề kinh doanh ở Trà Vinh. Năm 1969, bà tốt nghiệp cử nhân văn khoa, năm 1970 tốt nghiệp cử nhân luật và tiếp tục lấy bằng thạc sĩ luật và thạc sĩ sử học.
Do đam mê công tác giảng dạy nên bà tham gia giảng dạy từ năm 1968. Sau năm 1975, bà công tác ở Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, làm việc ở Trung tâm Nghiên cứu thuộc Bộ Tư pháp, giảng dạy ở nhiều trường đại học.
Từng có rất nhiều người trong giới luật rủ bà rời Tổ quốc nhưng "không" là câu trả lời từ nữ luật sư.
Khẳng định quyết định lựa chọn ở lại cống hiến cho đất nước của mình là đúng đắn, khi ở lại, với quyết tâm cùng kiến thức, bà đóng góp nhiều trong công tác xã hội, tư vấn và giảng dạy.
Luật sư Trương Thị Hòa cho biết nghề nào cũng nên đặt chữ tâm lên hàng đầu. Với nghề luật sư, bên cạnh điều ấy còn phải là người đồng cảm và luôn mang tinh thần hòa giải trong các quan hệ dân sự. Bà đã tham gia rất nhiều vụ án và không bao giờ phân biệt án lớn hay nhỏ bởi bà nhìn qua lăng kính của thân phận con người.
Người dân biết đến tên tuổi luật sư Trương Thị Hòa qua công tác tuyên truyền pháp luật vì bà đi khắp nơi để phổ biến kiến thức. Từ các chợ đến khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa, buôn sóc, bản làng… đều có dấu ấn gặp gỡ tư vấn cho người dân của nữ luật sư.
Trang bị để phụng sự
Hơn 50 năm tham gia công tác pháp lý, luật sư Trương Thị Hòa nhớ mãi vụ án tranh chấp thừa kế giữa những người con gái sau khi cha mẹ qua đời.
Người cha làm nghề hớt tóc, mẹ gánh chè đi bán rong. Cả đời họ dành dụm mua được căn nhà và khi nằm xuống thì các con đưa nhau ra tòa.
Luật sư Trương Thị Hòa. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nữ luật sư kể bà tiếp xúc, lắng nghe và đặt câu hỏi với những người con. Rằng cha mẹ từ Cà Mau đến TP HCM lập nghiệp, cha hớt được bao nhiêu mái tóc, mẹ bán được bao nhiêu gánh chè, khản cổ bởi bao nhiêu tiếng rao mới tích góp mua được căn nhà này mà bây giờ lại xảy ra chuyện tranh chấp đáng tiếc thì có thấy đau lòng không. Mọi người từng ăn chung bao nhiêu bữa cơm, cùng ngồi nghe cha mẹ kể chuyện đời, chuyện người… mà sao giờ tới nông nỗi mâu thuẫn này…
"Sau khi nghe tôi phân tích thì họ ôm nhau khóc và quyết giữ lại căn nhà, không tranh chấp nữa. Tôi nghĩ khi tôi khai thác tình cảm trong gia đình sẽ giúp họ hàn gắn với nhau" - luật sư Hòa kết luận.
Đối với những người trẻ sắp bước vào nghề, luật sư Trương Thị Hòa cho rằng luật sư trẻ cần vượt qua các khó khăn, tự trang bị những kiến thức, đạo đức để phụng sự nhân dân.
Lan tỏa chính nghĩa
Đến nay, dù trải qua hành trình pháp lý gian nan kéo dài nhiều năm và đã ở tuổi 80 nhưng bà Trần Tố Nga khẳng định tiếp tục vụ kiện, kiên định với tôn chỉ "kiên trì - can đảm - hy vọng - đi tới cùng".
Bà Nga tin rằng nếu ngày nào đó phải rời cõi tạm thì cuộc chiến vì công lý này vẫn sẽ tiếp diễn, bởi tính chính nghĩa đã lan tỏa, được người dân nhiều nước trên thế giới biết đến, đồng tình và ủng hộ.
"Vụ kiện góp phần gợi mở và gắn kết tinh thần đoàn kết của những con người có tấm lòng nhân ái, yêu chính nghĩa, hòa bình của Việt Nam với các nước trên thế giới" - bà Nga nói.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-4
PHAN ANH - MAI CHI - PHẠM DŨNG