Những người giữ cho ngư trường lặng sóng...

Những người giữ cho ngư trường lặng sóng...
9 giờ trướcBài gốc
“Cất vó” nhóm bảo kê trên biển
Theo tìm hiểu, UBND tỉnh Kiên Giang cho phép ngư dân khai thác loại hải sản sò lụa, cách bờ 3 hải lý (khoảng 5,4 km), thời gian khai thác từ tháng 1 đến hết tháng 6 hằng năm. Tuy nhiên, nhiều nhóm người dùng tàu tự chế, không đăng ký, đăng kiểm vào vùng biển cấm khai thác thủy sản đánh bắt, hủy hoại môi trường sinh thái ven bờ. Câu chuyện lợi ích nhóm, bảo kê vùng biển xuất hiện, nhiều cuộc đụng độ trên biển diễn ra, gây mất an ninh, trật tự.
Cơ quan Công an bắt giữ Phạm Minh Quyết - đối tượng cầm đầu nhóm bảo kê mặt biển.
Thượng tá Nguyễn Thanh Có, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, thông qua công tác nắm tình hình, tin báo, tố giác của người dân, Phòng CSHS phát hiện, từ tháng 7/2023, trên địa bàn các huyện, thành phố ven biển từ huyện An Minh đến huyện Kiên Lương (An Minh, An Biên, Kiên Hải, Hòn Đất, Kiên Lương, Rạch Giá) xuất hiện nhiều nhóm đối tượng tự ý bao chiếm mặt nước biển trên vùng biển khai thác tự nhiên bằng các hình thức cắm cờ, cắm cọc, giăng phao, giăng lưới ghẹ, thả lú dây đã cũ... nhằm đánh dấu vị trí bao chiếm và cho rằng vùng, bãi, khu vực này của các đối tượng.
Khi ngư dân vào khai thác, đánh bắt hải sản hai mảnh vỏ (sò lụa) phải đóng tiền bến bãi hoặc bán lại hải sản khai thác được cho các đối tượng với giá thấp hơn thị trường. Nếu không thực hiện theo yêu cầu, các đối tượng này dùng vỏ máy công suất lớn mang theo hung khí, đá, vỏ chai bia thủy tinh, vỏ chai bia chứa xăng... rượt đuổi, đe dọa, đánh gây thương tích cho ngư dân.
Để giải quyết triệt để tình trạng trên và đảm bảo ngư trường bình yên, tạo điều kiện có ngư dân có sinh kế ổn định, lâu dài, Ban Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang giao Phòng CSHS xác lập chuyên án, chủ công, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, Công an các địa phương có vùng biển làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh, truy bắt các nhóm đối tượng tội phạm và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên biển. Các trinh sát, điều tra viên dày dạn kinh nghiệm, am hiểu đời sống mưu sinh, thói quen đánh bắt của ngư dân vùng biển được phân công tham gia chuyên án. Chỉ trong thời gian ngắn, ban chuyên án đã xác định, dựng nhân thân 3 nhóm với khoảng hàng chục đối tượng có nhiều dấu hiệu hoạt động tội phạm như: cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích và các hành vi phạm tội khác...
Một cán bộ trinh sát thuộc ban chuyên án cho biết, các đối tượng hoạt động trên nhiều địa bàn và có thủ đoạn che giấu, đối phó với Cơ quan công an rất tinh vi, hoạt động phạm tội có tổ chức chặt chẽ, có sự phân công vai trò, trách nhiệm cho từng thành viên trong nhóm thực hiện. Một trong những khó khăn khác của ban chuyên án là một số bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều có lợi ích nên trong một thời gian nhất định họ không mạnh dạn tố giác tội phạm, gây khó cho quá trình điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ.
Yêu cầu được Ban Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang đưa ra với ban chuyên án là tập trung lực lượng, nhanh chóng thu thập tài liệu, chứng cứ, điều tra chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng, bắt xử lý trong thời gian sớm nhất, hạn chế đến mức thấp nhất các đối tượng tiếp tục gây án. Vận động, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân mạnh dạn tố giác tội phạm, đặc biệt là vận động cá biệt đối với ngư dân khai thác hải sản trên vùng biển từ An Minh đến Kiên Lương. Phải có phương án cụ thể, linh hoạt khi phát hiện các nhóm đối tượng thực hiện hành vi cướp, cưỡng đoạt tài sản, gây thương tích cho ngư dân, đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia vây bắt và các đối tượng trên biển.
Các đối tượng bị bắt giữ, khởi tố.
Thượng tá Danh Ngọc Thu, Trưởng Phòng CSHS Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, để giải quyết những khó khăn và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Giám đốc, ban chuyên án quyết định phá án từng phần. Phòng CSHS phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung xử lý các đối tượng manh động, cộm cán, chủ mưu, núp bóng doanh nghiệp để hoạt động phạm pháp. Đến nay, đã có 27 đối tượng bị bắt, khởi tố liên quan đến hành vi cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy, đưa nhận hối lộ... xảy ra trên tuyến biển từ TP Hà Tiên đến huyện An Minh. Trong đó, đối tượng Phạm Minh Quyết (SN 1984, ngụ huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) cầm đầu nhóm “bảo kê” mặt biển từ An Minh đến huyện Kiên Lương.
Từ tháng 10/2023, Phạm Minh Quyết thuê nhà tại xã Tân Thạnh, huyện An Minh, rủ Thái Quốc Tịnh, Phạm Minh Xia, Đặng Văn Thắm thu mua hải sản vỏ để bán lại cho các đầu nậu kiếm lời. Đáng chú ý, Phạm Minh Quyết tập hợp 20 đối tượng có “máu mặt” tại địa phương. Quyết sử dụng ghe câu mồi, liên kết với những ngư dân làm nghề đánh câu kiều, lú dây để bao chiếm, “bảo kê” mặt nước biển. Nếu người dân muốn khai thác hải sản phải được sự đồng ý của Quyết và bán toàn bộ hải sản khai thác được cho Quyết. Từ đây xảy ra nhiều mâu thuẫn với các nhóm khai thác và làm ăn mua bán trên biển.
Vào 10h ngày 21/2, tại xã Vân Khánh (huyện An Minh), anh Võ Thanh Tùng sử dụng mạng xã hội phát trực tiếp nói Quyết và đàn em cướp bãi. Sau đó, Phạm Minh Quyết kéo theo hơn 10 “đàn em” cầm theo hung khí, nón bảo hiểm, khúc tràm... rượt đuổi, đánh anh Võ Thanh Tùng gây mất an ninh, trật tự địa phương, làm người dân hoang mang, lo lắng.
Xử lý nghiêm cán bộ biến chất, bảo đảm ngư trường an toàn
Quá trình điều tra, khai thác mở rộng đối với nhóm Phạm Minh Quyết, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Kiên Giang phát hiện, bắt tạm giam một thanh tra viên thuộc Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cùng 3 đối tượng do liên quan đến tội môi giới và nhận hối lộ.
Theo đó, Phạm Minh Quyết quen biết Nguyễn Thái Ngạn và Nguyễn Tấn Dũng (cùng ngụ tại tỉnh Kiên Giang). Từ Ngạn và Dũng, Quyết biết Trần Thanh Liêm (SN 1971) là thanh tra viên chính, thuộc thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang. Sau khi được Liêm đồng ý, Quyết trực tiếp huy động những người làm ăn chung gom tiền đưa trực tiếp cho Liêm và chuyển tiền vào tài khoản của Liêm nhiều lần với khoảng 55 triệu đồng, nhằm mục đích nhờ Liêm chi phối việc tuần tra, kiểm soát lực lượng kiểm ngư để các tàu cào lụa trái phép thuận tiện hoạt động. Trần Thanh Liêm bị TAND huyện An Minh tuyên phạt 2 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Ngạn và Dũng cùng nhận mức án 6 tháng tù về tội “Môi giới hối lộ”.
Đại tá Diệp Văn Thế, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, sau khi các đối tượng cầm đầu bị bắt, xử lý, người dân nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao. Ban chuyên án đã chủ động, đánh đúng, đánh trúng các đối tượng cầm đầu, tổ chức hoạt động “bảo kê” và tiếp tay cho tội phạm. Đến nay, các vùng biển huyện An Minh, An Biên, Kiên Hải, Hòn Đất và TP Rạch Giá, TP Hà Tiên, tình hình an ninh, trật tự trên biển ổn định.
Tuy nhiên, mới đây, tại vùng biển Kiên Lương còn xảy ra một tranh chấp trong việc khai thác loài thủy sản hai mảnh vỏ giữa các ngư dân địa phương và ngư dân các địa phương khác đến khai thác. Hiện nay, Công an tỉnh đã nắm tình hình và đang phối hợp các đơn vị chức năng liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên vùng biển trên địa bàn Kiên Lương. Đồng thời, củng cố hồ sơ xử lý vụ việc theo đúng quy định pháp luật.
Thời gian qua, tỉnh Kiên Giang cũng đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” EC. Từ đó, công tác quản lý khai thác thủy sản đã đạt được nhiều kết quả, chuyển biến tích cực, đặc biệt trong công tác lắp đặt và vận hành hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS). Tuy nhiên, tình trạng VMS tàu cá mất tín hiệu kết nối vẫn còn diễn ra, nguyên nhân chính là do cá nhân, tổ chức lợi dụng việc chưa kiểm soát tình trạng VMS tàu cá mất kết nối trong bờ; thông tin vị trí tọa độ tàu cá mất tín hiệu kết nối trên biển chưa được kiểm tra, xác minh; một số đơn vị lắp đặt thiết bị VMS mới cho tàu cá, sau đó chuyển thông tin, hình ảnh để cập nhật lên hệ thống, có tình trạng VMS thay mới “định kỳ” sau khi tàu cá kết thúc hoạt động khai thác thủy sản về bờ do “thiết bị sử dụng lâu ngày cần được sửa chữa”.
Từ tình hình trên, tổ điều tra, xác minh thuộc Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh Kiên Giang đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh nhiều giải pháp phòng ngừa tàu cá mất tín hiệu kết nối VMS, vi phạm khai thác IUU. Công an tỉnh Kiên Giang chủ động phối hợp Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Thông tin và Truyền thông (nay là Sở Khoa học và Công nghệ), Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kiên Giang làm việc với các doanh nghiệp cung cấp thiết bị, chủ tàu cá, thuyền trưởng để làm rõ nguyên nhân mất tín hiệu kết nối VMS, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Cơ quan chức năng kiểm tra tang vật là thiết bị, tín hiệu kết nối VMS trong một vụ án.
Đáng chú ý, ngày 15/3/2025, tổ tuần tra kiểm soát trên tàu CSB 2002 của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã kiểm tra tàu cá KG-95561-TS do ông P.T.B. làm thuyền trưởng, tàu cá đang hoạt động trên biển, VMS mất tín hiệu kết nối. Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phối hợp Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kiên Giang điều tra, xác minh vụ việc tàu cá KG-95561-TS vi phạm pháp luật về VMS. Sau khi xác định có dấu hiệu tội phạm “Cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử”, ngày 24/3/2025, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 chuyển nguồn tin về tội phạm đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang điều tra theo thẩm quyền.
Mới đây, cuối tháng 3/2025, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra làm rõ hành vi "Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép" liên quan đến tàu cá KG 95541 TS (do bà N.T.K.C., ngụ phường An Hòa, TP Rạch Giá, Kiên Giang làm chủ). Trước đó, qua hệ thống giám sát hành trình, phát hiện tàu cá của bà N.T.K.C. mất tín hiệu kết nối trong bờ, vị trí cuối cùng hệ thống ghi nhận gần phường An Thới, TP Phú Quốc, Trung tâm đăng kiểm tàu cá đã gửi 50 tín hiệu liên lạc nhắc nhở, phát hành văn bản tàu cá có dấu hiệu, nguy cơ cao khai thác IUU. Căn cứ tài liệu, chứng cứ điều tra thu thập được, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã khởi tố vụ án để điều tra làm rõ hành vi "Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép" liên quan đến tàu cá KG 95541 TS.
Đại tá Nguyễn Văn Hận, Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, Công an tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm tra tình trạng duy trì kết nối hệ thống VMS của tàu cá để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm về VMS; xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm về VMS, giúp sức tổ chức đưa tàu cá tỉnh Kiên Giang, ngư dân ra nước ngoài khai thác thủy sản trái phép.
Công an tỉnh Kiên Giang thông báo rộng rãi đến người dân, yêu cầu những người có liên quan, bị hại trong các vụ việc cưỡng đoạt tài sản, bị hành hung, thương tích... trên vùng biển Kiên Giang, mạnh dạn tố giác tội phạm. Người bị hại liên hệ với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Kiên Giang (địa chỉ số: 507, đường Nguyễn Chí Thanh, phường Rạch Sỏi, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, số điện thoại: 02973.863.513) để được hướng dẫn, cung cấp thông tin.
Trần Lĩnh
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/nhung-nguoi-giu-cho-ngu-truong-lang-song--i768034/