Những người giữ cửa sự sống nơi phòng mổ

Những người giữ cửa sự sống nơi phòng mổ
6 giờ trướcBài gốc
Nghề chọn người
Ngày đầu kỳ nghỉ lễ 30/4, khu vực phòng mổ tại tầng 9 tòa nhà C của Bệnh viện Đa khoa tỉnh hối hả người ra, vào. Bên trong phòng mổ, các bác sĩ đang khẩn trương cấp cứu cho người bệnh. Ở phía ngoài, hàng chục người lo lắng, ánh mắt hướng vào hành lang phòng mổ mong chờ những điều kỳ diệu đến với người thân của mình. Vừa cùng ê-kíp của bệnh viện hoàn thành ca mổ viêm ruột thừa cho một bệnh nhi, bác sĩ chuyên khoa I Lê Xuân Hùng (sinh năm 1985), Khoa Phẫu thuật - Gây mê, hồi sức (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) lập tức di chuyển sang phòng mổ bên cạnh, cùng đồng nghiệp cấp cứu cho một bệnh nhân bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông.
Bác sĩ chuyên khoa I Lê Xuân Hùng (đứng ngoài cùng bên trái), Khoa Phẫu thuật - Gây mê, hồi sức (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) theo dõi chỉ số sinh tồn của người bệnh trong quá trình phẫu thuật.
Ca phẫu thuật thành công, bác sĩ Lê Xuân Hùng dành thời gian tiếp chúng tôi. Trong căn phòng nhỏ, anh giãi bày: “Ngày cũng như đêm, chúng tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng. Như hôm nay, đúng giờ hẹn với nhà báo, bệnh viện tiếp nhận nam thanh niên 27 tuổi bị tai nạn giao thông, nhập viện trong tình trạng hôn mê. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của cả ê-kíp, ca phẫu thuật thành công”.
Được biết, năm 2011, tốt nghiệp bác sĩ đa khoa của Trường Đại học Y Thái Nguyên, bác sĩ Lê Xuân Hùng về công tác tại Trung tâm Mắt Bắc Giang rồi chuyển về Khoa Phẫu thuật - Gây mê, hồi sức (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) 3 năm sau đó. Khi mới về Khoa, anh chỉ chuyên tâm với việc thăm khám, điều trị cho người bệnh chứ không nghĩ sẽ trở thành bác sĩ gây mê. Được lãnh đạo bệnh viện tin tưởng, cử đi học lớp định hướng gây mê, hồi sức tại Trường Đại học Y Hà Nội, anh được tiếp cận những kiến thức đầu tiên về gây mê và nhanh chóng bắt nhịp, gắn bó với công việc thầm lặng này từ năm 2016 đến nay.
Đảm nhiệm công việc tương tự là bác sĩ trẻ Tạ Thị Thu Hương (sinh năm 1996), Khoa Ngoại tổng hợp (Trung tâm Y tế thị xã Việt Yên). Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa của Học viện Quân y (hệ dân sự) năm 2020, bác sĩ Hương về công tác tại Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh). Làm việc tại môi trường thường xuyên tiếp xúc với những bệnh nhân nặng, chứng kiến những cơn đau của người bệnh, nữ bác sĩ bắt đầu tìm hiểu về lĩnh vực gây mê.
Bác sĩ Tạ Thị Thu Hương, Khoa Ngoại tổng hợp (Trung tâm Y tế thị xã Việt Yên) theo dõi quá trình hồi phục của bệnh nhân sau mổ.
Đầu năm 2023, chị quyết định nghỉ việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh rồi đăng ký theo học lớp định hướng gây mê, hồi sức tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh). Chọn được chuyên ngành phù hợp, chị dành toàn bộ thời gian của mình trong bệnh viện, ngoài giờ lên lớp, chị đến từng khoa, phòng để học hỏi kinh nghiệm từ các bác sĩ đi trước. Mỗi khi có thông tin về ca phẫu thuật đặc biệt hay thử nghiệm phương pháp gây mê, gây tê mới, chị lập tức có mặt, vừa hỗ trợ các bác sĩ, vừa tích lũy kinh nghiệm cho bản thân.
Hoàn thành lớp định hướng gây mê, hồi sức, tháng 3/2025, chị về làm việc tại Trung tâm Y tế thị xã Việt Yên (quê chị ở phường Quảng Minh, thị xã Việt Yên - PV), được giao phụ trách gây mê, hồi sức của Khoa Ngoại tổng hợp. “Nhớ lần đầu tiên được vào phòng mổ khi đang là sinh viên, tôi cũng như các bạn khác chỉ chăm chú quan sát bàn tay của bác sĩ phẫu thuật. Nhưng rồi chúng tôi nhận ra, phía sau mảnh vải che bệnh nhân là những bác sĩ gây mê đang âm thầm theo dõi, bảo đảm an toàn cho người bệnh trong suốt ca phẫu thuật”, bác sĩ Hương chia sẻ.
Thức canh cho người bệnh ngủ
Trong mỗi cuộc phẫu thuật, kíp gây mê là những người đến phòng mổ sớm nhất để chuẩn bị cho ca mổ, đánh giá tình trạng người bệnh, sẵn sàng trang thiết bị, dụng cụ và tiến hành các bước tiền mê, khởi mê cho bệnh nhân… Trong thời gian bác sĩ, kỹ thuật viên thực hiện ca phẫu thuật, họ lặng lẽ theo dõi các chỉ số sinh tồn của người bệnh để điều chỉnh máy móc hỗ trợ, bổ sung máu và họ cũng là người ở lại sau cùng theo dõi quá trình hồi tỉnh của người bệnh.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Hòa, Trưởng Khoa Phẫu thuật - Gây mê, hồi sức (Bệnh viện Ung bướu tỉnh) hướng dẫn theo dõi chỉ số sinh tồn của bệnh nhân cho bác sĩ trẻ.
Với thâm niên gần 30 năm gắn bó với chuyên ngành gây mê, hồi sức, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Hòa (sinh năm 1970), Trưởng Khoa Phẫu thuật - Gây mê, hồi sức (Bệnh viện Ung bướu tỉnh) luôn tâm niệm, đã bước chân vào nghề là phải đặt tính mạng, sự an toàn của bệnh nhân lên trên hết. Cuộc phẫu thuật dù nhỏ song nhiệm vụ của bác sĩ gây mê cũng hết sức nặng nề bởi nếu không đánh giá kỹ thể trạng thì khi thuốc mê vào cơ thể bệnh nhân có thể gặp nguy hiểm.
Mỗi ca bệnh có một tình trạng bệnh lý khác nhau và cách xử lý cũng khác nhau, không có một phác đồ chung cho tất cả, sai một ly, tính mạng của người bệnh sẽ bị đe dọa. Lật giở cuốn nhật ký ghi lại những ca bệnh đặc biệt trong hành trình gần 30 năm gắn bó với nhiệm vụ gây mê, hồi sức, bác sĩ Hòa nhớ lại: Tháng 10/2024, bệnh nhân Trần Thị Ph (86 tuổi) ở huyện Tân Yên nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, sốt nhẹ, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn.
Qua thăm khám, bác sĩ thấy bệnh nhân da nhợt nhạt, môi se khô, bụng rất cứng, chẩn đoán bị thủng tạng rỗng ung thư dạ dày, chỉ định mổ cấp cứu. Tiên lượng ca mổ sẽ kéo dài, bác sĩ Hòa cùng kíp gây mê cẩn thận đánh giá khả năng bệnh nhân có thể gặp phải vấn đề về đường thở, tim mạch, các bệnh lý đi kèm như hen suyễn, rối loạn đông máu… Nhờ chuẩn bị, dự trù đủ máu và các sinh phẩm cần thiết, ca phẫu thuật thành công.
Hạnh phúc là khi thấy người bệnh phục hồi
Trong các ca phẫu thuật, bác sĩ gây mê không chỉ chịu trách nhiệm giúp bệnh nhân tạm đi vào giấc ngủ mà phải tập trung theo dõi diễn biến ca mổ, nghe y lệnh của bác sĩ phẫu thuật để điều chỉnh lượng thuốc mê, tê cho phù hợp. Tất cả nhằm mục đích là không đưa bệnh nhân vào vùng nguy hiểm, giúp người bệnh phục hồi nhanh sau mổ. Ngày 21/4 vừa qua, Trung tâm Y tế thị xã Việt Yên tiếp nhận bệnh nhân Trương Thị N (sinh năm 1977), trú tại xã Lương Phong (Hiệp Hòa) bị vỡ lách do tai nạn giao thông. Nhận định bệnh nhân cần tiếp nhiều máu, bác sĩ Tạ Thị Thu Hương lập tức đề xuất tăng cường máu từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Để ca phẫu thuật thành công, bác sĩ Hương theo dõi sát thời gian vận chuyển máu, khi xe chuyển máu về đến cổng trung tâm cũng là lúc chị bắt đầu cuộc gây mê. “Đối với những bệnh nhân mất nhiều máu, việc chẩn đoán, lựa chọn thời điểm gây mê phải hết sức thận trọng vì trong trường hợp mất máu quá nhiều, bệnh nhân có thể đã bị ngưng tim. Trong quá trình mổ, bệnh nhân phải ủ ấm máu, truyền máu liên tục”, bác sĩ Hương cho hay.
Thống kê của Sở Y tế, trung bình mỗi năm, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện từ 16 đến 18 nghìn ca phẫu thuật. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển sang phòng hồi sức để bác sĩ gây mê tiếp tục chăm sóc hậu phẫu, đưa các chức năng sống của bệnh nhân trở về bình thường, thoát khỏi sự hỗ trợ của máy móc. Là người trực tiếp tham gia nhiều ca cấp cứu, trong đó có những ca báo động đỏ toàn bệnh viện, bác sĩ chuyên khoa I Lê Xuân Hùng cho biết: "Đối với những bệnh nhân mổ theo kế hoạch, bác sĩ có thời gian đánh giá, đưa ra phương pháp gây mê, gây tê phù hợp.
Còn ở những bệnh nhân cấp cứu, nhất là đối với những ca đa chấn thương, việc chẩn đoán bệnh lý đi kèm rất khó, chỉ có thể đánh giá sơ lược, qua đó dự trù máu và các sinh phẩm cần thiết. Có những ca mổ kéo dài, cả ê-kíp gần như kiệt sức song khi chứng kiến người bệnh dần tỉnh, thấy được giọt nước mắt hạnh phúc của người thân, chúng tôi như quên đi mệt mỏi, sẵn sàng vào ca mổ mới. Bởi với những ai đã theo ngành y, hạnh phúc lớn nhất là thấy được người bệnh bước qua lằn ranh sinh tử, từng bước phục hồi”.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/nhung-nguoi-giu-cua-su-song-noi-phong-mo-postid417747.bbg