Những người giúp việc giàu có ở Trung Quốc

Những người giúp việc giàu có ở Trung Quốc
một ngày trướcBài gốc
Jiang Xianqin làm nghề giúp việc hơn 10 năm.
Hourly Workers là dự án ảnh tài liệu của Zhu Jingying, cựu nhà nghiên cứu khoa học đến từ Thành Đô, Trung Quốc. Bộ ảnh ghi lại chân dung các nữ giúp việc gia đình. Dự án đã giành huy chương đồng tại Triển lãm Nhiếp ảnh Nghệ thuật Tứ Xuyên và được chọn trưng bày tại Liên hoan Nhiếp ảnh Quốc tế Bình Dao năm 2022. Trong bài viết đăng trên Sixth Tone, bà Zhu chia sẻ về hành trình và cảm hứng thực hiện bộ ảnh này.
Năm 2022, tôi bắt đầu chụp ảnh những người giúp việc theo giờ - thường được gọi với tên thân mật là “dì” - ở nhiều nơi trên khắp Trung Quốc.
Họ phần lớn là phụ nữ đến từ vùng quê hoặc thị trấn nhỏ, ít được học hành đến nơi đến chốn. Dù nhiều người xem công việc này là vất vả và thấp kém, với các cô, kiếm tiền bằng sức lao động là điều đáng tự hào.
Tôi nhận thấy, ai gắn bó lâu dài với công việc này đều có cuộc sống ngày một khá hơn: con cái được học đại học, có người mua được nhà trong thành phố, có người giúp con cái ổn định cuộc sống, thậm chí mua nhà cho con.
Đổi đời nhờ làm việc chăm chỉ
Người đầu tiên tôi chụp là cô Wang Shujun, từng làm giúp việc tại nhà tôi ở Thành Đô suốt nhiều năm. Cô tốt bụng, chăm chỉ dù học không nhiều. Cô rời quê Nghi Tân lên Thâm Quyến làm công nhân điện tử khi mới 24 tuổi. Sau khi sinh con, cô chuyển về Thành Đô để gần gia đình.
Năm 2009, khi đã 38 tuổi, cô bắt đầu làm giúp việc theo giờ. Lúc đầu, cô ở chung nhà trọ với 2 gia đình khác, chỉ dùng rèm vải để ngăn phòng. Cô nhận dọn dẹp cho hơn 10 nhà mỗi tuần, và chủ nhật cũng không nghỉ. Khi con gái đến tuổi đi học, cô đón con lên sống cùng ở Thành Đô.
Nhờ sống ở thành phố, cô Wang quen với cuộc sống hiện đại. Cô quyết ở lại Thành Đô, vay tiền mua căn hộ 80 m2 ở trung tâm. Sau này, cô còn đầu tư thêm một căn hộ 30 m2 để cho thuê.
Ngoài cô Wang, tôi còn gặp những người như cô Bao Shiying, sinh năm 1972. Khi tôi chụp ảnh cô vào năm 2022, cô sắp nhận lương hưu, chồng vẫn đi làm.
Cô quê ở Trấn Hưng, cách trung tâm Thành Đô khoảng 30 phút lái xe. Khi nhà nước thu hồi đất, gia đình cô được cấp hai căn hộ.
Gia đình Bao Shiying được tặng 2 ngôi nhà như một khoản bồi thường trong quá trình tái phát triển đô thị.
Hai vợ chồng từng làm bếp ở công trường, sau đó mở quán ăn riêng. Dù kinh tế ổn định, cô vẫn nhận giúp việc cho hai gia đình. Lý do là con gái cô muốn đi du học ngành kiến trúc. Cô muốn hỗ trợ con, lại thấy mình còn trẻ, chưa muốn nghỉ hưu.
Rất nhiều người trong số họ kiếm được hơn 5.000 nhân dân tệ mỗi tháng (khoảng 680 USD). Người làm cả cuối tuần hay lễ Tết có thể kiếm lên đến 7.000 - 8.000 nhân dân tệ (950 - 1100 USD). Thực chất, mức thu nhập này còn khiến nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học mơ ước.
Điểm chung của họ là không ai ngồi chờ may mắn. Họ tự nắm lấy vận mệnh của mình.
Xây dựng hình ảnh
Một số người giúp việc có khả năng học hỏi rất nhanh và không ngại thử cái mới. Tan Yongfang là một ví dụ điển hình. Với tính cách vui vẻ, hòa đồng, cô được chủ nhà quý mến. Sau khi dọn dẹp xong, cô thường quay video ngắn ngay tại nhà họ để đăng lên Douyin.
Chủ nhà là một cặp vợ chồng làm kinh doanh, rất cởi mở. Họ không chỉ ủng hộ cô phát triển nội dung mạng xã hội mà còn dạy cô về đầu tư tài chính. Tư duy hiện đại và sáng tạo của họ đã mở rộng tầm nhìn cho cô.
Giờ đây, đi đến đâu cô cũng quay video Douyin và còn biết quản lý tài chính. Câu chuyện của Tan cho thấy một kiểu quan hệ xã hội mới trong thời đại ngày nay là gần gũi, học hỏi lẫn nhau giữa chủ và người làm.
Còn có cô Zeng Cailan, làm việc cho gia đình bạn tôi suốt hơn 20 năm. Ban đầu, cô làm bảo mẫu, sau khi đứa trẻ lớn, cô chuyển sang chăm sóc bố mẹ già của bạn tôi. Khi hai cụ mất ở tuổi 90 vào năm ngoái, cô vẫn ở lại để giúp đón đưa cháu chắt đi học.
Tan Yongfang quay một đoạn video ngắn tại nhà của chủ lao động sau khi hoàn thành công việc trong ngày.
Cô là người bản địa Thành Đô, có nhà ở trung tâm nên không cần làm việc vì tiền. Nhưng vì tình cảm sâu đậm với gia đình này, cô đã gắn bó và chăm sóc đến 4 thế hệ.
Hiện cô Zeng đã ngoài 50 tuổi, có lương hưu, nhưng vẫn tiếp tục làm việc. Khi con trai cô tốt nghiệp đại học, cả gia đình bạn tôi đều hỗ trợ tìm việc, giới thiệu cơ hội. Mỗi dịp Tết, cô ăn Tết cùng họ như người thân.
Ở Thành Đô, người nhỏ tuổi nhất trong thế hệ thường được gọi là laoyao. Cô Zeng được xem là em út trong gia đình này, nên họ gọi cô thân mật là yaomei’er - “em gái nhỏ”.
Phá bỏ khuôn mẫu
Nhiều người nói với tôi rằng, các cô trong ảnh trông không giống người giúp việc bởi họ không xuất hiện khi đang lau nhà hay nấu ăn. Điều đầu tiên người ta chú ý lại là không gian sống và những món đồ trong phòng.
Quay lại những năm 1980-1990, hầu hết nhà cửa ở Trung Quốc đều chật hẹp, bày biện giống nhau. Nhưng ngày nay, mỗi căn nhà là một câu chuyện riêng: có nơi theo phong cách truyền thống, có nơi lại hiện đại kiểu phương Tây; có nhà bày bút lông, giấy mực, có nhà để máy chạy bộ hoặc đồ thủ công.
Ở Thành Đô, nhiều nhà còn có bàn chơi mạt chược. Nhà có trẻ nhỏ thì đầy đồ chơi, có nhà lại trưng đàn violin hay piano.
Chính vì vậy, tôi sau đó đã đặt tên cho bộ ảnh là Những căn phòng tôi đã dọn, không chỉ để ghi lại công việc dọn dẹp, mà là ghi lại sự chuyển mình của các gia đình Trung Quốc, cả về văn hóa lẫn kinh tế.
Liu Xiaohui làm việc tại nhà của một họa sĩ thư pháp.
Tôi đã chụp hơn 30 hộ gia đình. Ban đầu là bạn bè, rồi bạn của bạn. Nhưng giờ thì “nguồn cung” dần cạn. Nhiều người ngại cho chụp ảnh trong nhà với lý do riêng tư, cả người giúp việc đôi khi cũng từ chối.
Vậy nên tôi trân trọng từng cơ hội. Bởi lẽ, những gia đình đứng sau những người giúp việc ấy chính là bức tranh thu nhỏ của sự phát triển xã hội ở Trung Quốc. Dựa vào thu nhập và nghề nghiệp, đa số họ thuộc tầng lớp trung lưu đang lên.
Với tôi, mỗi người phụ nữ trong dự án này là nhân vật chính trong cuộc đời của chính họ. Tôi chỉ dùng chiếc máy ảnh để kể lại một phần câu chuyện ấy. Tôi không muốn nhấn vào nỗi khổ, vì đó là điều người ngoài hay gán cho họ - một lối kể cũ kỹ, không phản ánh hết con người họ.
Cuộc đời của những người phụ nữ này, tôi tin là đẹp. Họ đã dùng đôi tay mình để làm sạch biết bao ngôi nhà. Và cũng chính đôi tay ấy, họ đã tự xây dựng nên một cuộc đời tốt đẹp hơn.
Hoàng Hoàng
Ảnh: Zhu Jingying
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/nhung-nguoi-giup-viec-giau-co-o-trung-quoc-post1546640.html