Tuổi trẻ bộ đội biên phòng trên biên giới
Kỳ 1: Là con của bản, hy sinh không màng
Đứng tại mốc quốc giới, ngước mắt có thể chạm vào mây trắng thênh thang. Dưới chân dãy núi, trải dài những rừng keo tràm tít tắp, những ruộng, rẫy xanh rờn và bản làng bình yên. Trong đổi thay tươi đẹp đó, bao năm qua chứa đựng rất nhiều tâm huyết, mồ hôi của bộ đội biên phòng (BĐBP).
Con của bản
Tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) lần thứ IV năm 2024, có một đại biểu trong bộ quân phục người lính quân hàm xanh, được trân trọng mời lên sân khấu giao lưu, chia sẻ về câu chuyện của lực lượng BĐBP, luôn thực hiện xuất sắc nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu trong thời bình – phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, nhất là trong vụ ứng cứu tại xã Hồng Thượng, huyện A Lưới. Anh là “nhân vật chính” từng sẵn sàng hy sinh tính mạng, để cứu người dân đang kẹt giữa dòng lũ dữ. Đó là Thượng tá Hồ Văn Hà, người dân tộc Tà Ôi, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân.
“Năm đó, tôi đang công tác tại Đồn Biên phòng 629 (bây giờ là Đồn Biên phòng Nhâm).Thời gian này, trên dòng sông A Sáp, chiếc cầu đang thi công hai trụ giữa. Trong lúc mưa lớn, lũ dữ tràn về bất ngờ, nước sông dâng cao chảy xiết, có hai công nhân đang sửa chữa một số chi tiết, kẹt lại trên trụ cầu. Họ vô cùng hoảng loạn. Tình thế lúc đó nguy cấp quá. Trên bờ sông, các lực lượng và người dân đội mưa, tìm cách ứng cứu. Nhưng nhảy vào dòng nước cuồn cuộn với những vòng xoáy hung dữ, như miệng tử thần sẵn sàng nuốt chửng, nhấn chìm mọi thứ, không phải ai cũng làm được và dám làm”- Thượng tá Hồ Văn Hà nhớ lại.
Tình cảm mộc mạc keo sơn của Thượng tá Hồ Văn Hà và người dân bản làng
Là Đội trưởng Đội vũ trang, Đồn Biên phòng 629, được cấp trên giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy cứu nạn, trong trái tim người lính biên phòng, vang lên mệnh lệnh: Cứu dân. “Ai cũng sợ chết. Nhưng bảo vệ dân là nhiệm vụ, cũng là một trong mười lời thề danh dự của quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam đã “ngấm” vào máu thịt. Có những đồng đội của chúng tôi đã anh dũng hi sinh trong thời bình để bảo vệ tính mạng, tài sản Nhân dân. Lúc đó nhảy vào dòng lũ xiết là xác định có thể sẽ không trở về, nhưng là người lính, đảng viên, người con của bản, tôi vẫn sẵn sàng thực hiện, với mong muốn duy nhất là cứu được người" - anh Hà xúc động bộc bạch.
Hồi đó không có áo phao, cũng không có phao tròn. Chiếc lốp ô tô dùng làm phao được mang theo để đưa người bị nạn vào bờ. Anh Hà cùng một cán bộ công an huyện A Lưới, buộc dây thừng ngang người, nhảy xuống dòng nước xiết, tìm cách bơi ra giữa sông. Phía sau các anh, là đồng đội, giữ chặt dây thừng.
Gian nan vật lộn với dòng lũ dữ, nhưng đã hai lần vẫn không thể tiếp cận, bị cuốn ra xa, đồng đội phải kéo ngược vào bờ. Cán bộ công an đuối sức, không thể tiếp tục nhiệm vụ. Đêm đã trùm lên núi rừng. Điện không có. Mưa vẫn không ngớt. Nếu chậm hơn, nước lũ dâng ngập trụ cầu trong đêm tối, chuyện gì sẽ xảy ra khiến không ai dám nghĩ. “Bằng mọi giá, lúc này phải đến được với dân đang trong lằn ranh sinh tử”. Đó là quyết tâm thôi thúc người lính biên phòng, người con của bản.
Lần thứ ba, anh Hà nhảy xuống dòng lũ trong màn đêm đen kịt. Máy múc trên bờ soi đèn xuống hỗ trợ. Sau thời gian xoay trở, vật lộn, né tránh những vòng nước xoáy nguy hiểm, anh Hà tiếp cận được trụ cầu, tìm cách lần lượt đưa hai công nhân xuống, bám vào lốp ô tô. Vừa bơi, vừa đẩy vào được một đoạn thì dây thừng đứt. Nước xiết cuốn phăng phăng, hai công nhân hoảng loạn. Trong tình thế vô cùng nguy hiểm, anh Hà vẫn giữ chặt phao để làm điểm tựa cho những người bị nạn, vừa liên tục trấn an, động viên họ bình tĩnh, yên tâm. Đồng đội, người dân chạy dọc theo bờ sông hét gọi “Hà ơi, đồng chí ơi…”
BĐBP sát cánh cùng người dân trong chuyển đổi mô hình trồng cây ăn trái có giá trị cao
“Rồi không gọi tên, gọi đồng chí nữa, mà giọng chú đồn trưởng và những cao niên của bản lo lắng vang trong đêm “con ơi, con ơi…”, có lúc như hụt hơi, bởi những bước chạy cố gắng thật nhanh để theo kịp dòng lũ đang cuốn tôi cùng những người bị nạn. Tiếng gọi đó như tiếp thêm cho tôi sức mạnh, để có thể bơi vào bờ. Gần đến bờ, gặp cành cây rù rì chìa ra, chúng tôi níu được. Đồng đội và dân bản lao đến, vừa kéo được ba người chúng tôi lên, tích tắc sau, cây rù rì bị dòng nước xiết bứng đi. Bao năm đã trôi qua, nhưng những tiếng gọi “con ơi” trong thời khắc sinh tử đó, là yêu thương ruột thịt, mãi mãi còn ở lại, nhắc nhở tôi phải xứng đáng với tình cảm của bản làng.
Ở mỗi cương vị công tác (từ năm 2018, là Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhâm; nay là Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân; là Đảng ủy viên BĐBP tỉnh (nay là BĐBP thành phố Huế); Huyện ủy viên huyện A Lưới nhiệm kỳ 2020 – 2025), Thượng tá Hồ Văn Hà cùng Ban Chỉ huy đơn vị, đưa ra những tham mưu sát sườn, chung sức cùng lực lượng BĐBP tỉnh đóng góp hiệu quả trong phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; quản lý bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới; phát triển kinh tế xã hội khu vực biên giới. Theo Đại tá Phạm Tùng Lâm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy và Đại tá Hoàng Minh Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng BĐBP thành phố Huế: Những năm qua, BĐBP đã “cắm bản” rất nhiều “Hồ Văn Hà” như thế, những người lính biên phòng, con của bản, yêu thương, thấu hiểu, tâm huyết, đồng hành với Nhân dân và vùng đất biên giới.
Chia sẻ niềm vui mộc mạc của người dân biên giới
“Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng ủy BĐBP tỉnh đã giới thiệu 8 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh; Ban Chấp hành đảng bộ huyện; HĐND huyện; 13 cán bộ đồn biên phòng về tăng cường cho 13 xã biên giới, giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã; phân công 224 đảng viên đồn biên phòng, phụ trách 897 hộ gia đình ở khu vực biên giới; 43 đồng chí tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, tổ dân phố. Họ là những hạt nhân “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào dân tộc thiểu số”, thấu hiểu tâm tư, tình cảm của bà con; thấu hiểu phong tục, tập quán, khó khăn, thuận lợi của mảnh đất biên cương, để từ đó có những tham mưu sát sườn cho địa phương; chung sức cùng địa phương thực hiện hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế- xã hội, tạo sức mạnh đoàn kết keo sơn, xây dựng biên cương vững chãi”- Đại tá Phạm Tùng Lâm chia sẻ.
Đại tá Phạm Tùng Lâm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP thành phố cho biết: Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh (nay là thành phố Huế) những năm qua đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ tham mưu cho địa phương khảo sát, đánh giá lại diện tích đất tự nhiên, đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng để bố trí, quy hoạch; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với địa phương như chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn trái giá trị kinh tế cao, chăn nuôi tập trung, mở rộng phát huy ngành nghề truyền thống, du lịch, dịch vụ để nâng cao nguồn thu nhập.
Đại tá Phạm Tùng Lâm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP thành phố kiểm tra các cột mốc
Chung một tấm lòng, chung nẻo biên cương
Trong một chiều mưa tầm tã, chúng tôi theo chân Thiếu tá Nguyễn Văn Thành, Chính trị viên phó và Thiếu tá Đoàn Thăng Long quân y Đồn Biên phòng Nhâm đến nhà ông Hồ Vá - thành viên tích cực nhất của tổ tự quản đường biên mốc quốc giới, thôn Tu Vay (xã Hồng Thái), người liên tục nhận được bằng khen, giấy khen. Gió mưa rét mướt dừng lại phía sau cánh cửa. Nhà ngập tràn ấm áp từ những cái nắm tay thật chặt, thân tình, nụ cười chân chất và ấm trà nóng tỏa hương thơm mộc mạc.
Thiếu tá Nguyễn Văn Thành trân trọng chia sẻ: Những thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhâm, coi “thổ dân” Hồ Vá là người thân, bởi hàng chục năm qua, từ thời thanh niên trai tráng, đến bây giờ đã ở độ tuổi ngoài năm mươi, ông Vá luôn nhiệt huyết, đồng hành hỗ trợ BĐBP trong “vô vàn” chuyến tuần tra đường biên cột mốc.
Từ lúc mẹ địu trên lưng lên nương rẫy, cho đến khi cha dẫn xuống suối, vào rừng chỉ dẫn mưu sinh, cứ thế những người như ông Vá thuộc làu từng đường mòn, lối tắt. Núi rừng biên cương là một phần đời của người dân trên mảnh đất này. Khi trở thành thành viên tổ tự quản đường biên mốc quốc giới, tình yêu núi rừng nương rẫy còn gắn chặt với trách nhiệm chung sức cùng BĐBP bảo vệ, giữ gìn. “Những thế hệ cán bộ, chiến sĩ từ xa đến giữ gìn, bảo vệ; mình sinh ra, lớn lên, được núi rừng nuôi sống, càng phải có trách nhiệm để quê hương, bàn làng bình yên. Quá trình mưu sinh, chúng tôi chủ động tuần tra, kiểm tra, chủ động phát quang cỏ dại, lau chùi cột mốc; báo tin cho BĐBP nếu phát hiện dấu hiệu khác lạ. Đặc biệt, bất kể lúc nào BĐBP cần hỗ trợ, chúng tôi sẵn sàng”- ông Vá bộc bạch.
Ông Vá (phải), thành viên tích cực của tổ tự quản đường biên mốc quốc giới và những chia sẻ xúc động
Câu chuyện ngược về tầm 5-6 năm trước, khi cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhâm thực hiện tuần tra, đến mốc quốc giới 654- 655 giữa đại ngàn Trường Sơn, khu vực rừng nguyên sinh xa nhất, cao nhất. Đường đi phải băng qua những cánh rừng, cây gai chằng chịt, qua nhiều vách núi, dốc dựng đứng, vượt qua nhiều con suối, nhiều hiểm nguy; đi và về mất 3-4 ngày.
Lúc đó là tháng 11, trời mưa to, rừng tối, đội tuần tra mất phương hướng. Tối mịt mới tìm được lán của người dân đi rừng để lại dưới vách rừng, bên bờ suối. Anh em cử người leo lên đồi tìm vị trí cao “đón” sóng điện thoại, gọi về đồn. Nhận thông tin, đích thân Thượng tá Hồ Mạnh Hà (lúc đó là Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhâm) đến tận nhà nhờ ông Hồ Vá hỗ trợ, tìm đến lán, dẫn anh em lên cột mốc. “Tôi cùng con trai (đều là thành viên tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới) luồn lách “lội” rừng trong mưa lạnh, từ sáng sớm đến 10 giờ đêm mới đến được lán. Bộ đội mừng. Cha con tôi mừng lắm!”- trong mắt ông Vá; Thiếu tá Thành và Thiếu tá Long là nỗi xúc động ấm áp của tình cảm keo sơn. Chuyến tuần tra tiếp tục bởi những bước chân quân – dân vững chắc.
Sự quan tâm, hết lòng của BĐBP xây dựng tình cảm tin mến trong lòng đồng bào nơi biên giới
Theo Đại tá Hoàng Minh Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng BĐBP thành phố Huế: Triển khai chỉ thị số 01/ CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/1/2015, về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) đã tham mưu cho địa phương thành lập được 43 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới với gần 2 nghìn hộ gia đình tham gia.
Hôm đứng tại mốc quốc giới 666 trên địa bàn xã Lâm Đớt, trong một sáng mùa xuân, ngước mắt là chạm vào mây trắng. Dưới bầu trời mêng mang, nắng vàng rót mật trên những rừng keo tràm tít tắp, những ruộng lúa xanh rờn, bản làng bình yên, ông Hồ Đàm Giang, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, người đồng bào dân tộc Pa Cô, xúc động nói rằng: Tâm huyết, tình cảm, hành động giúp đỡ, đồng hành thiết thực, hết lòng của BĐBP dành cho đồng bào, cho địa phương đã “xóa” đi những con số hữu hình, để trách nhiệm trở thành một khối.
Vững bước chân trên những nẻo tuần tra
Đến nay, không chỉ gần 2 nghìn hộ thành viên tổ tự quản, mà mỗi người dân trên mảnh đất biên giới A Lưới đều phát huy tinh thần chủ thể, thay đổi nhận thức, cùng BĐBP vững những bước chân quân – dân như thế, trên nẻo biên cương. Để không chỉ đồng lòng chung sức giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên giới mà còn xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, để huyện biên giới A Lưới thoát nghèo, tự tin bước sang một trang mới.
Từ năm 2020 đến nay, BĐBP thành phố đã tham gia gần 15 nghìn ngày công tu sửa, nâng cấp trường học bị hư hỏng, làm đường giao thông nông thôn, giúp người dân khu vực biên giới phòng, chống lụt, bão; trao tặng hơn 100 nhà mái ấm tình thương; hơn 10 nghìn suất quà; 14 sổ tiết kiệm, hơn 100 dê, bò giống, 100 chiếc xe đạp; gần 40 bộ máy vi tính; nâng bước em tới trường cho 252 cháu học sinh…, trị giá gần 10 tỷ đồng.
Kỳ 2: Đưa chủ trương vào cuộc sống
Bài, ảnh: Quỳnh Anh- Hà Lê