Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân phối hợp Ban Liên lạc bạn chiến đấu Bộ đội Tên lửa Phòng không tổ chức buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Tên lửa Phòng không (24/7/1965 – 24/7/2025). Buổi gặp gỡ đã tái hiện sống động những ký ức oai hùng của lực lượng từng làm nên những chiến công khiến cả thế giới phải nể phục.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Tiểu đoàn 61 thuộc Trung đoàn tên lửa 236 - Đoàn Tên lửa Sông Đà, sau chiến thắng trận đầu của Bộ đội Tên lửa phòng không (26/8/1965). Ảnh: TTXVN
Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Mạnh Hiến (82 tuổi), nguyên sĩ quan điều khiển đài tên lửa SAM-2 thuộc Tiểu đoàn 82, Trung đoàn 238, là nhân chứng sống của một trong những trận đánh mang tính bước ngoặt của cuộc chiến tranh phòng không – trận bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên.
“Trong cuộc đời binh nghiệp 43 năm, kỷ niệm sâu sắc nhất với tôi là hành quân vào chiến trường B – Quảng Trị, trực tiếp nghiên cứu và chiến đấu với B-52,” ông Hiến xúc động nhớ lại.
Đầu năm 1966, khi máy bay chiến lược B-52 của Mỹ bắt đầu đánh phá dữ dội khu vực Nam Quân khu 4, Bộ Tư lệnh quyết định chọn Trung đoàn Tên lửa 238 làm đơn vị tiên phong nghiên cứu cách đánh B-52 – một nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ.
Cuộc hành quân bắt đầu từ tháng 6/1966 kéo dài đến đầu năm 1967, trong điều kiện chiến trường khốc liệt, với những địa danh bị địch khống chế ác liệt như ngã ba Đồng Lộc, sông Gianh… Gần một năm sau, từ tháng 1 đến tháng 8/1967, đơn vị bước vào giai đoạn quan trọng: Phân tích tín hiệu radar, theo dõi quy luật bay của B-52, tìm cách xuyên qua màn nhiễu điện tử dày đặc.
“Chúng tôi đã mất gần một trung đoàn về quân số và hai trung đoàn khí tài. Nhưng đến tháng 8/1967, chúng tôi đã nắm được cách phát hiện tín hiệu thật của B-52. Trung đoàn 238 dồn lực còn một tiểu đoàn, bước vào trận đánh sống còn”, ông Hiến kể.
Và vào lúc 17 giờ 34 phút ngày 17/9/1967, trên bầu trời Quảng Trị, đơn vị của ông Hiến đã lập nên kỳ tích: Chỉ trong vòng hơn 3 phút, hai chiếc B-52 Mỹ bị bắn rơi – lần đầu tiên loại máy bay chiến lược này bị đánh gục bởi tên lửa mặt đất ở Việt Nam. Sau đó, đơn vị tiếp tục bắn rơi thêm 4 chiếc B-52.
“Đó không chỉ là chiến công, mà còn là bước ngoặt. Từ thực tiễn chiến đấu, chúng tôi xây dựng tài liệu ‘Cách đánh B-52’, tài liệu cơ bản góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy trong Chiến dịch 12 ngày đêm – trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972”, ông Hiến tự hào chia sẻ.
Chiến sĩ Bộ đội tên lửa mới ra trận nhưng đã hạ được nhiều máy bay phản lực và máy bay không người lái của Mỹ (1966). Ảnh: Hồng Sâm - TTXVN
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Ninh, nguyên trắc thủ điều khiển tên lửa thuộc Tiểu đoàn 44, Trung đoàn 263, mang theo câu chuyện của một người lính từ chiến trường miền Bắc cho đến giải phóng miền Nam.
“Chúng tôi được huấn luyện ở rừng Yên Thế, Thái Nguyên, dưới sự chỉ dẫn của chuyên gia Liên Xô. Sau 6-7 tháng học lý thuyết và thao tác thực hành, chúng tôi vào trận, bảo vệ vùng trời phía Nam Hà Nội”, ông Ninh kể. Ông từng cùng đồng đội bắn rơi nhiều loại máy bay hiện đại của Mỹ như F-105, F4C, kể cả máy bay không người lái.
Với ông, trận đánh ngày 22/11/1972 tại Nghệ An là khoảnh khắc không thể nào quên. “Trong cabin điều khiển tên lửa, ba trắc thủ chia nhau đo cự ly, phương vị và độ cao. Chúng tôi điều khiển radar để đưa tên lửa đánh trúng mục tiêu, vượt qua mọi nhiễu điện tử của B-52. Chiếc máy bay bị tiêu diệt, phía Mỹ sau này phải công nhận.”
Sau Hiệp định Paris, Trung đoàn 263 tiếp tục hành quân vào Quảng Trị, làm nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường vận chuyển khí tài và sau đó tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. “Ngày 30/4/1975, chúng tôi lập trận địa bảo vệ bầu trời Sài Gòn. Trung đoàn được phong danh hiệu Anh hùng, là trung đoàn tên lửa đầu tiên tham gia lễ duyệt binh của Quân Giải phóng miền Nam”, ông nói đầy tự hào.
Đơn vị bộ đội tên lửa góp phần bắn rơi 3 máy bay, bắt sống giặc Mỹ ngày 15/7/1966. Ảnh: Đoàn Tý - TTXVN
Những câu chuyện chiến đấu anh dũng không chỉ đến từ miền Bắc hay mặt trận lớn, mà còn diễn ra ở khắp nơi, từ vùng biển đến núi rừng. Ông Lê Duy Túy, cựu chiến binh Tiểu đoàn 94, Trung đoàn 261, Sư đoàn 361, là một trong những người lính như thế.
“Trận địa Sầm Sơn năm 1967 thật khốc liệt. Hàng trăm lượt máy bay địch dội bom, phối hợp với pháo kích từ hướng biển. Cả bờ phi lao bị thiêu rụi, nhưng chúng tôi không hề nao núng,” ông Túy kể lại.
Ông còn nhớ mãi trận đánh ở Đà Sơn, Đô Lương (Nghệ An) năm 1966. “Dù hỏa lực địch rất mạnh, nhưng đơn vị vẫn kiên trì chiến đấu, không rời trận địa. Những hy sinh lớn lao càng khiến chúng tôi thêm quyết tâm giữ vững bầu trời”.
Bảo quản vũ khí ở đại đội hỏa lực tên lửa C 125M - Tiểu đoàn tên lửa 116 (Sư đoàn 367). Ảnh: Trọng Đức - TTXVN
Ông Túy cũng từng được cử đi đào tạo tại Liên Xô, sau đó tiếp tục phục vụ trong Trung đoàn 278 – đơn vị sau này sáp nhập vào Trung đoàn 261. “Truyền thống của Bộ đội Tên lửa là kiên cường, chính xác và quyết đoán. Đó là điều tôi mong thế hệ trẻ hôm nay sẽ kế thừa, phát huy trong thời đại mới.”
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thiếu tướng Bùi Thiên Thau – Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân – khẳng định: “Bộ đội Tên lửa Phòng không đã, đang và sẽ là lực lượng chủ lực trong bảo vệ vùng trời Tổ quốc. Chúng tôi tiếp tục được đầu tư trang bị khí tài hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ không phận, vùng biển đảo trong tình hình mới.”
Đặc biệt, việc phát huy vai trò của các cựu chiến binh – những người trực tiếp chiến đấu – trong việc huấn luyện, truyền thụ kinh nghiệm là yếu tố rất quan trọng. “Những kinh nghiệm quý báu của các thế hệ đi trước là tài sản vô giá, góp phần xây dựng lực lượng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại,” Thiếu tướng nhấn mạnh.
Hệ thống tên lửa phòng không S-300 hiện đại, sẵn sàng bảo vệ vững chắc vùng trời, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Ảnh: Lê Phú
Từ những ngày đầu với hai trung đoàn tên lửa, đến hôm nay, lực lượng Tên lửa Phòng không đã trở thành binh chủng hiện đại, chủ động bảo vệ không phận quốc gia trong mọi tình huống. Họ cùng các lực lượng Không quân, Cao xạ, Ra đa, hợp thành một thế trận phòng không vững chắc khắp cả nước.
Suốt 60 năm, Bộ đội Tên lửa Phòng không đã chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, tạo nên những biểu tượng bất diệt của tinh thần Việt Nam trong chiến tranh và hòa bình. Mỗi đơn vị, mỗi trận địa, mỗi cán bộ chiến sĩ là một ngôi sao sáng trong bản hùng ca giữ trời.
Lê Phú/Báo Tin Tức và Dân Tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/xa-hoi/nhung-nguoi-linh-gia-ke-chuyen-ban-roi-b52-20250722125939443.htm